Sóng hồ gợn nhẹ, nước trong xanh thăm thẳm; đôi bờ với những vườn tràm, điều nghiêng bóng xen kẽ những khối đá ong hình bậc thang; mặt nước điểm đỏ bởi những bông hoa súng và in bóng những cánh cò trắng chao lượn kiếm mồi… Tất cả đã khơi dậy trí tò mò, khám phá của tôi về một thế giới thiên nhiên kì diệu giữa hồ Suối Giai.
Người dân nơi đây cho biết nước hồ Suối Giai rất ổn định, không lên xuống thất thường. Độ sâu giữa lòng hồ vào mùa khô khoảng 10 – 12 m, mùa mưa lên đến 14 – 16 m. Hồ với nhiều động thực vật phong phú, với đủ loại cá (lăng, lóc, rô phi, trắm cỏ, bống…), nhiều loài chim cũng quần tụ về đây (cò, vạc, sáo, quạ…); thực vật với tràm, đước, xà cừ, cỏ môi, hoa súng, sen… kết thành từng thảm.
Trước kia, lòng hồ là một dòng suối lớn (có bề ngang khoảng 8 m) và những cánh đồng lúa trải dài giữa một thung lũng. Từ khi xây đập ngăn dòng, hồ có chiều ngang hơn 1,5 km, nằm gọn lỏn giữa hai quả đồi. Những vườn tràm, điều, cao su… nghiêng mình khoe bóng mát giữa mặt hồ trong xanh, đã tạo nên một cảnh sơn thủy hữu tình giữa vùng sơn cước Đồng Phú.
Buổi trưa nắng nóng, dùng cơm, nướng cá ngay bên cạnh hồ và ngả lưng thảnh thơi trên những khối đá ong dưới những tán điều mát lạnh. Thi thoảng đôi chú chuồn chuồn chao nghiêng đôi cánh dập dờn bên những bông hoa súng; gió riu riu mang hơi nước từ hồ thổi vào… làm mọi người như được tịnh tâm thư thái, chìm vào giấc ngủ an lành mà không hay. Sau giấc ngủ không chủ định ấy, du khách có thể tiếp tục chèo thuyền khám phá những lùm cây sim, cây mái và nhiều lùm cây hoa lạ bên bờ hồ.
Hồ Suối Giai được khởi công xây dựng vào năm 1978 và hoàn thành vào năm 1981, với diện tích mặt hồ 420 ha. Hồ được xây dựng với mục đích cung cấp nước tưới cho khoảng 1.600 ha đất nông nghiệp tỉnh Bình Dương và một phần đất nông nghiệp của huyện Đồng Phú. Tuy nhiên, hồ có rất nhiều tiềm năng phát triển thành khu du lịch sinh thái, với vị trí giao thông thuận lợi, cảnh quan thiên nhiên đẹp, trù phú.
Bài: Duyên Đỗ - Ảnh: facebook.com/suoigiai