Giá trị của di tích thành đất hình tròn

Thứ tư - 24/02/2021 08:30
(CTTĐTBP) - Di tích thành đất hình tròn được khẳng định là loại hình di chỉ độc đáo riêng của Bình Phước. Cho đến nay trên lãnh thổ Việt Nam, chỉ có tỉnh Bình Phước và Đắk Nông phát hiện loại hình di tích này, nhưng phần lớn được tìm thấy ở Bình Phước.

Di tích đặc trưng của Bình Phước

Sự độc đáo thể hiện ở cấu trúc của những “ngôi làng tròn” là một vòng đất đắp bên ngoài như vòng thành bảo vệ cùng với một hào đất bên trong để bao bọc lấy khu vực cư trú và các lối ra, vào đối xứng theo trục đi qua tâm, hướng xuống nguồn nước gần nhất. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong các công trình thời tiền sử ở Việt Nam và thế giới hiện rất ít công trình nào còn nguyên vẹn như các di tích thành đất hình tròn ở Bình Phước. Nhất là với niên đại gần 4.000 năm cách ngày nay. Do đó, các di tích thành đất hình tròn còn tồn tại khá nguyên vẹn ở Bình Phước giúp việc nghiên cứu thời tiền sử nhiều thuận lợi nếu được bảo tồn bền vững. Đây có thể coi là những công trình vĩ đại của các cư dân thời tiền sử có quy mô lớn, độ bền vững cao, trải qua vài ngàn năm bị thiên nhiên tác động nhưng vẫn còn đứng vững và giữ nguyên cấu trúc.

Năm 2019, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đỗ Minh Trung trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh thành đất hình tròn Thuận Lợi 1 cho huyện Đồng Phú

Ở Bình Phước, 2 di tích có diện tích lớn nhất là Lộc Tấn 2 (huyện Lộc Ninh) và Thuận Phú 2 (huyện Đồng Phú) với đường kính hơn 360m. Di tích Lộc Tấn 2 có vòng đất đắp cao nhất. Chênh lệch độ sâu của hào và đỉnh vòng đất đắp lên đến 11m. Để làm được những “làng tròn” như thế, cộng đồng cư dân tiền sử phải mất rất nhiều năm, nhiều công sức.

Các di tích đã được khai quật và nghiên cứu thuận lợi về giao thông, có tiềm năng phát triển du lịch cần đầu tư thành những điểm đến như di tích Lộc Tấn 2 (huyện Lộc Ninh), Long Hưng 1 (huyện Phú Riềng), Thuận Phú 2 (huyện Đồng Phú). Nếu Bình Phước đưa những di tích “làng tròn” vào khai thác du lịch văn hóa sẽ có thêm điểm đến thú vị, độc đáo riêng có của địa phương. Từ đó góp phần tạo sức hút để du khách tìm về với Bình Phước.

Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung Kiên, Viện phó Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ

Các nhà nghiên cứu là Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia khi đến thăm đều tỏ ra hết sức ngạc nhiên và thán phục trước quy mô và cấu trúc độc đáo của thành đất Lộc Tấn 2. Các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao những giá trị độc đáo của loại hình di chỉ này. Từ đó đã đặt ra vấn đề là làm thế nào để bảo tồn và phát huy hiệu quả các di chỉ quý giá này? Trong khi thực tế hiện nay, ngoài việc bảo tồn thông qua hình thức xây dựng hồ sơ xin công nhận di tích cấp tỉnh (mới được 5/71 di chỉ) và cấp quốc gia thì việc quy hoạch để phát triển du lịch, tuyên truyền để người dân nâng cao trách nhiệm bảo vệ di chỉ khỏi bị xâm hại vẫn còn nhiều hạn chế.

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích

Là người có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến di tích thành đất hình tròn, tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung Kiên, Viện phó Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ cho rằng: Các nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng, từ 4.000 năm trước, ở vùng đất Bình Phước đã xuất hiện các cộng đồng cư dân với trình độ tổ chức xã hội cao, thể hiện qua sự tập trung sức người để đào hào và đắp nên những vòng đất bảo vệ nơi cư trú. Điều đó cho thấy, khả năng giai đoạn này đã xuất hiện những “thủ lĩnh địa phương” trong các “làng tròn”. Từ những dạng thức đơn giản, chủ nhân của những di tích đã phát triển thành nhiều mô hình phức tạp với hào sâu hơn, tường đất đắp cao hơn cùng với các hệ thống cột nhọn chôn dưới hào để tăng cường khả năng phòng ngự, chủ yếu chống thú dữ. Qua so sánh và phân tích, chủ nhân các di tích có những quan hệ văn hóa, giao lưu trao đổi sản phẩm với các nhóm cùng thời kỳ ở lưu vực sông Đồng Nai và Vàm Cỏ Đông. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu thêm để nhận diện rõ hơn về đời sống, sinh kế và tổ chức xã hội của loại hình di tích độc đáo này.

Bản đồ phân bố di tích đất đắp dạng tròn ở Bình Phước

Để có được điều đó, trước hết và cấp thiết là cần phải gìn giữ thật tốt những di tích đã phát hiện ở tỉnh Bình Phước. Một trong những giải pháp đầu tiên chính là phổ biến thông tin rộng rãi bằng nhiều hình thức đến người dân, các cơ quan chức năng tại những nơi phát hiện di tích hiểu rõ giá trị khoa học, lịch sử của di tích để cùng chung tay gìn giữ các di sản văn hóa vô giá của tiền nhân để lại. Đồng thời, cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu khoa học theo các hướng tiếp cận hiện đại, cả về khảo cổ học và dân tộc học để thu thập đầy đủ hơn dữ kiện về những di tích độc đáo này. Nhất là những câu chuyện kể dân gian liên quan, qua các tri thức bản địa góp phần thu hút du khách đến tham quan, nghiên cứu./.

Tác giả: Theo Đài PT-TH và Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,367
  • Hôm nay114,993
  • Tháng hiện tại10,581,584
  • Tổng lượt truy cập455,976,706
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây