Di sản có một không hai

Thứ ba - 23/02/2021 09:39
(CTTĐTBP) - Kết quả sau nhiều năm nghiên cứu có thể khẳng định, các di tích thành đất hình tròn ở Bình Phước chứa đựng nhiều giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu. Đặc biệt, mỗi khi nhắc đến loại hình di tích này chỉ có đồng bào dân tộc S’tiêng biết. Để phát huy giá trị di sản “có một không hai” này, rất cần sự đầu tư nghiên cứu, hoạch định các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa độc đáo nêu trên.

“LÀNG TRÒN”- NƠI CƯ TRÚ CỦA NGƯỜI TIỀN SỬ  

Di tích thành đất hình tròn là loại hình di chỉ khảo cổ học được nhà khảo cổ học người Pháp có tên là Louis Malleret phát hiện. Năm 1959, ông Louis Malleret công bố những kết quả nghiên cứu bước đầu về loại hình di tích này với một bản đồ phân bố của 18 địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam và Campuchia, trong đó có 12 địa điểm thuộc tỉnh Bình Phước. Về sau, loại hình di tích này được các cơ quan nghiên cứu trong nước tiếp tục thực hiện.

Bình Phước - nơi tập trung di chỉ đất hình tròn

Từ giữa thập niên 1980 đến nay, các cơ quan nghiên cứu tiếp tục sử dụng nhiều phương pháp để điều tra khảo sát nhằm phát hiện thêm nhiều di chỉ mới. Trong suốt 3 thập niên đầu tiên, phương pháp tìm kiếm chủ yếu là khảo sát trên thực địa.

Kể từ những năm 2010 trở đi, với những tiến bộ về công nghệ, Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ) bắt đầu sử dụng phương pháp nhận diện hình ảnh di tích thành đất hình tròn qua ảnh vệ tinh chi tiết cao do Google Earth cung cấp để định vị các điểm nghi vấn. Phương pháp này đã giúp phát hiện thêm được nhiều di chỉ trong thời gian nhanh hơn, ở những nơi có địa hình khó khăn như Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập), Long Bình (huyện Phú Riềng), Thiện Hưng (huyện Bù Đốp), Nghĩa Trung (huyện Bù Đăng)... Đặc biệt, việc phát hiện loại hình di chỉ này còn được cán bộ Bảo tàng tỉnh Bình Phước thực hiện thông qua nghiên cứu mối liên hệ văn hóa tộc người. Phương pháp mới này cũng đã phát hiện được nhiều di chỉ ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập. Theo số liệu của Bảo tàng tỉnh Bình Phước, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 9/11 huyện, thị xã ghi nhận có di tích thành đất hình tròn với 71 di tích.

Năm 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng trao bằng xếp hạng di tích khảo cổ cấp tỉnh Bãi Tiên cho lãnh đạo xã Lộc An và huyện Lộc Ninh

Song song với quá trình nghiên cứu phát hiện, công tác thám sát, khai quật cũng được thực hiện với quy mô khác nhau, qua đó phát hiện nhiều thông tin quan trọng, có ý nghĩa về mặt khoa học lịch sử. Trong đó đã xác định được chức năng chủ yếu của di chỉ là nơi cư trú có phòng thủ của người tiền sử hay xác định được niên đại của một số di tích từ 3.800 đến 2.900 năm.

Mối liên quan giữa di tích với đồng bào S’tiêng

Trên cơ sở định hướng “Tìm mối liên hệ giữa văn hóa tộc người và di tích thành đất hình tròn ở Bình Phước”, ông Đinh Nho Dương (Bảo tàng tỉnh) trong một lần đi công tác tại xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập tình cờ phát hiện người S’tiêng ở đây biết về loại hình di tích này. Phát hiện hết sức thú vị này trở thành động lực giúp nhóm nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh đẩy mạnh việc tiếp cận vấn đề và đã phát hiện ra nhiều mối liên hệ giữa di tích thành đất hình tròn với văn hóa truyền thống của người S’tiêng ở Bình Phước.

“Điều chúng tôi hết sức lo lắng và băn khoăn là những người biết kể chuyện xưa, về di chỉ thành đất hình tròn và những vấn đề liên quan giữa văn hóa tộc người S’tiêng với di chỉ thành đất hình tròn hiện nay còn rất ít, đa số đều lớn tuổi. Do đó, nếu không có phương án tổ chức phỏng vấn, ghi âm, khảo sát kịp thời thì trong thời gian ngắn nữa việc nghiên cứu sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Thạc sĩ Phạm Hữu Hiến, thành viên nhóm nghiên cứu Bảo tàng tỉnh cho biết

Qua khảo sát ở huyện Bù Gia Mập, tiếp cận những vị cao niên như ông Điểu Kiêu ở thôn Bù Gia Phúc 1, ông Điểu Lan ở thôn Phú Nghĩa và nhiều người khác ở các thôn Hai Căn, Đắk U… đã phát hiện thêm 10 di tích mới, trong đó 9 di tích ở xã Phú Nghĩa, 1 di tích tại xã Đắk Ơ. Tiếp đó, tại những địa phương đã phát hiện di tích trước đây như ở Lộc Ninh, Bù Đốp bằng phương pháp khảo sát dân tộc học, xã hội học, nhóm nghiên cứu tiếp tục phát hiện thêm nhiều di tích mới.

Thực hiện khảo sát điền dã dân tộc học và xã hội học ở các huyện Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Bù Đốp, Bình Long, Phước Long… trong quá trình thực hiện nhóm nghiên cứu Bảo tàng tỉnh còn ghi nhận nhiều câu chuyện kể dân gian của đồng bào dân tộc S’tiêng nói về di tích thành đất hình tròn như câu chuyện giữa người với con cheo, người với con trăn thần, thủ lĩnh với các loài thú... Theo người dân tại địa phương, trước đây các di chỉ thành đất hình tròn là nơi họ tổ chức nghi lễ, lễ hội truyền thống của cộng đồng. Riêng ở sóc Bưng, xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản, người dân còn hát kể câu chuyện sự tích liên quan đến loại hình di tích này và núi Bà Rá, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của đồng bào S’tiêng ở Bình Phước. Ở Lộc Ninh, những câu chuyện kể về di tích thành đất hình tròn có liên quan đến các nghi thức, nghi lễ từng được tổ chức ngay tại di chỉ.

Việc phát hiện ra mối liên hệ giữa di chỉ thành đất hình tròn với văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng là hết sức quan trọng. Vấn đề mới này không chỉ có ý nghĩa to lớn về nghiên cứu khoa học hay bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương mà còn có ý nghĩa thực tiễn. Tuy nhiên, để có cơ sở công bố một cách khoa học, đầy đủ và toàn diện, cần phải tiến hành nghiên cứu vấn đề này với quy mô lớn hơn./.

Tác giả: Theo Đài PT-TH và Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,157
  • Hôm nay123,907
  • Tháng hiện tại10,590,498
  • Tổng lượt truy cập455,985,620
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây