‘Liều thuốc’ giúp ‘sức khoẻ’ doanh nghiệp phục hồi

Thứ tư - 02/03/2022 16:15
(CTTĐTBP) - Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội là "liều thuốc" hữu hiệu giúp doanh nghiệp phục hồi. Nền kinh tế sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng tốt hơn.

Hỗ trợ doanh nghiệp bằng các nhóm giải pháp toàn diện

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023, nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được triển. Cụ thể, việc hỗ trợ tập trung vào các nhóm giải pháp: Tăng tính thanh khoản cho doanh nghiệp; hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Nghị quyết 11/NQ-CP: ‘Liều thuốc’ giúp ‘sức khoẻ’ doanh nghiệp phục hồi - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Trong đó, chính sách giãn, hoãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp; giảm thuế, phí, các khoản phải nộp; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp sẽ được tiếp tục thực hiện. Đồng thời, chính sách cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp trong những ngành nghề bị tác động mạnh do dịch COVID-19 và những nhóm ngành ưu tiên phát triển được kỳ vọng sẽ tạo đà phục hồi cho nền kinh tế.

Cùng với đó là đẩy mạnh triển khai việc hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); rà soát, sửa đổi các quy định chồng chéo, mâu thuẫn để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, nhất là trong thực hiện các dự án, công trình theo hình thức hợp tác công - tư.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các nhóm giải pháp đưa ra tại Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ cùng với Chương trình phục hồi kinh tế được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là rất toàn diện, có ý nghĩa hết sức tích cực, như một "liều thuốc" hữu hiệu giúp doanh nghiệp phục hồi.

"Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã, Nghị quyết 11/NQ-CP cũng đề ra những giải pháp để phát triển hạ tầng và kích cầu mà đằng sau đó chính là nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn của Việt Nam và thu hút đầu đầu tư nước ngoài", ông Anh Tuấn nhận định.

Nghị quyết 11/NQ-CP: ‘Liều thuốc’ giúp ‘sức khoẻ’ doanh nghiệp phục hồi - Ảnh 2.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI

Người dân, doanh nghiệp phấn khởi với chính sách giảm 2% thuế VAT

Trong các nhóm giải pháp tại Nghị quyết 11/NQ-CP, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI cho biết việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với phần lớn các mặt hàng dịch vụ từ 10% xuống 8% được rất nhiều doanh nghiệp và người dân đánh giá cao. 

Sau khi Nghị quyết số 43/2022/QH15 được Quốc hội thông qua, trong một thời gian rất ngắn, Chính phủ đã "làm ngày, làm đêm" để kịp ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP  nhằm thể chế hoá chính sách giảm thuế VAT và đưa ngay vào thực tiễn từ ngày 1/2/2022. Giảm thuế VAT có ý nghĩa tích cực, một mặt có thể hướng đến đông đảo người dân, người tiêu dùng, giúp kích cầu nền kinh tế, trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nhưng điều quan trọng hơn là chính sách này đã tạo ra tâm lý phấn khởi của người dân, của doanh nghiệp, phù hợp với đạo lý kinh doanh. Khi người dân ăn nên làm ra thì họ đóng thuế, khi họ gặp khó khăn thì Nhà nước giảm thuế. 

"Nhiều chuyên gia khẳng định đây là chính sách có ý nghĩa rất lớn vì việc triển khai trong thực tế dễ dàng, không phải qua các tầng lớp bộ máy thực thi, không phải phê duyệt, được thể chế hoá và có hiệu lực, hiệu quả ngay trong thực tế", ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

Về những lo ngại ban đầu là giảm thuế VAT gây gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, ông Tuấn phân tích theo tính toán của Bộ Tài chính, chính sách giảm thuế VAT sẽ có tác động giảm thu ngân sách nhà nước của năm 2022 khoảng 49,4 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là một mặt của vấn đề, nếu nhìn rộng hơn khi thúc đẩy nền kinh tế, kích thích hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi thì doanh nghiệp sẽ quay trở lại đóng thuế nhiều hơn. Điều này tác động rất tích cực đối với nền kinh tế.

Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá cao những chính sách tại Chương trình phục hồi kinh tế như: Hỗ trợ 2% lãi suất cho vay đối với các khoản vay thương mại của các ngân hàng với tổng quy mô là 40 nghìn tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp trong các ngành nghề trọng tâm, ưu tiên kỳ vọng triển khai gói hỗ trợ này sẽ giúp tháo gỡ "rào cản" về vốn, lãi suất cao, chi phí, từ đó kinh doanh sẽ thuận lợi hơn.

Nghị quyết 11/NQ-CP: ‘Liều thuốc’ giúp ‘sức khoẻ’ doanh nghiệp phục hồi - Ảnh 3.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài chính và tiền tệ trong giai đoạn hồi phục và phát triển hiện nay.

Ngoài thuế VAT, doanh nghiệp được thụ hưởng nhiều hỗ trợ từ Nghị quyết 11/NQ-CP như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm 35 loại phí, lệ phí; giảm 50% thuế trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giãn, hoãn thuế, miễn giảm tiền thuê đất trong năm 2022;…

"Việc phân công trách nhiệm rõ ràng của các bộ, ngành, cơ quan chức năng tại Nghị quyết 11/NQ-CP sẽ giúp công tác quản lý, chỉ đạo cũng như kiểm tra, giám sát được thực hiện tốt nhất. Từ đó, tôi hy vọng gói hỗ trợ 350 ngàn tỷ đồng sẽ được triển khai đúng đối tượng, đúng mục đích, đúng thời gian và nhanh chóng phát huy hiệu quả đối với sự phát triển của nền kinh tế trong 2 năm 2022-2023", chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh tin tưởng.

Khẳng định khu vực doanh nghiệp luôn có vị trí hết sức đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, giải pháp trọng tâm về hỗ trợ doanh nghiệp trong Chương trình phục hồi kinh tế sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, tiếp thêm sức mạnh để doanh nghiệp phục hồi và tiếp tục khẳng định vai trò mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị và là một trong những lực lượng nòng cốt trong việc tạo ra của cải, vật chất xã hội./.

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay819,062
  • Tháng hiện tại9,397,340
  • Tổng lượt truy cập469,290,027
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây