Điều tra doanh nghiệp năm 2020 - cần sự đồng hành của mỗi doanh nghiệp

Thứ năm - 26/03/2020 10:10
Ngày 30/7/2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã ban hành Quyết định số 1193/QĐ-TTg về triển khai điều tra doanh nghiệp năm 2020. Một trong những điểm mới căn bản của điều tra doanh nghiệp năm 2020 là triển khai thu thập thông tin doanh nghiệp bằng bảng hỏi điều tra trực tuyến.
 
Ứng dụng phương pháp trực tuyến trong điều tra doanh nghiệp
Thông tin thu thập được từ kết quả điều tra doanh nghiệp năm 2020 được sử dụng phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phát triển doanh nghiệp của quốc gia, từng địa phương, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp, hợp tác xã. Kết quả này còn được dùng trong tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, các chỉ tiêu trong báo cáo chính thức hàng năm của ngành Thống kê; tổng hợp và biên soạn ấn phẩm "Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2021" và “Sách Trắng Hợp tác xã Việt Nam năm 2021”. Kết quả này cũng được sử dụng để đánh giá mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0 và chi phí dịch vụ logistic…
Hàng năm, ngành Thống kê triển khai hàng chục cuộc điều tra thống kê, chưa kể các cuộc Tổng điều tra tiến hành với quy mô lớn trên diện rộng, với các đối tượng, quy mô và độ phức tạp khác nhau. Điều tra doanh nghiệp hàng năm là một trong những cuộc điều tra khó cả về tính chất phức tạp của thông tin thu thập, khó cả về tiếp cận đối tượng điều tra. Điều tra doanh nghiệp hàng năm có hàng chục loại phiếu khác nhau áp dụng cho nhiều đối tượng khác nhau. Các câu hỏi trong điều tra doanh nghiệp liên quan đến các nội dung về lao động, tài sản, vốn, doanh thu, …liên quan đến nhiều phòng ban chức năng của doanh nghiệp, đến thông tin bảo mật, có tính nhạy cảm cao. Do vậy, điều tra viên tiếp cận doanh nghiệp để thu thập được thông tin luôn gặp nhiều khó khăn. Những năm trước đây, điều tra doanh nghiệp được thực hiện theo hình thức điều tra gián tiếp hoặc trực tiếp bằng bảng hỏi giấy; điều tra viên liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để thu thập thông tin tại chỗ hoặc gửi bảng hỏi bằng giấy đến để doanh nghiệp trả lời. Song từ năm 2020, phương án điều tra doanh nghiệp đã có sự thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Đó là ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào công tác thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích dữ liệu điều tra doanh nghiệp. Theo đó, khâu điều tra thu thập thông tin được thực hiện bằng phương pháp điều tra trực tuyến, có nghĩa là doanh nghiệp sẽ cung cấp thông tin bằng bảng hỏi điều tra trực tuyến (webform). Điều này tạo ra một số thuận lợi là doanh nghiệp có thể chủ động cung cấp thông tin bằng hình thức trực tuyến, tiết kiệm nguồn lực, thông tin được cập nhật sẽ nhanh hơn, từ đó ngành Thống kê có thể xử lý, tổng hợp  và công bố sớm kết quả điều tra… Kết quả thu thập từ cuộc điều tra là căn cứ xác thực để các nhà quản lý, điều hành xây dựng chính sách, chiến lược phát triển kinh tế địa phương, vùng kinh tế và cả nước.  Tuy nhiên, điều tra bằng hình thức trực tuyến cũng gặp một số bất cập, đó là ngành Thống kê phải xây dựng bài toán kỹ thuật về công nghệ thông tin và tiếp cận doanh nghiệp phức tạp hơn, phải đảm bảo tốc độ đường truyền, tính bảo mật, lưu trữ thông tin, tính khả dụng, đặc biệt công tác rà soát doanh nghiệp cần được coi trọng... Trong điều tra doanh nghiệp các năm trước đây, ở rất nhiều địa phương, đặc biệt tại các thành phố lớn, nơi tập trung đông lực lượng doanh nghiệp, các điều tra viên thường phàn nàn là rất khó để tiếp cận doanh nghiệp, đặc biệt là chủ doanh nghiệp (đối tượng cung cấp thông tin theo quy định của phương án điều tra mới).  Giờ đây, theo phương án điều tra năm 2020, các doanh nghiệp sẽ phải tự điền thông tin khai trên bảng hỏi trực tuyến. Để thu thập đầy đủ về số lượng và chất lượng thông tin từ doanh nghiệp theo nội dung của bảng hỏi trực tuyến là thách thức không nhỏ đối với các điều tra viên của ngành Thống kê. Như vậy, thành công của điều tra doanh nghiệp lần này phụ thuộc khá nhiều vào sự hợp tác, đồng hành thực hiện cung cấp thông tin của doanh nghiệp theo Luật định. Theo phương án điều tra doanh nghiệp năm 2020, có 18 loại phiếu điều tra dành cho các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Hiện, Tổng cục Thống kê đang hoàn thiện các khâu thực hiện trong phương án nhằm triển khai phù hợp với các đối tượng doanh nghiệp theo luật định, bảo đảm tính bảo mật, kết nối thông tin thông suốt, đảm bảo các doanh nghiệp được hướng dẫn sẽ kê khai đầy đủ thông tin. Thực hiện phương án, Điều tra viên sẽ tiếp cận doanh nghiệp để hướng dẫn, hỗ trợ về nghiệp vụ, cấp tên truy cập, mật khẩu để đăng nhập vào trang điều tra trực tuyến và tự cung cấp thông tin trực tuyến theo bảng hỏi điện tử (web-form) phù hợp với ngành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp truy cập vào trang Thống kê doanh nghiệp trực tuyến để tải mẫu phiếu điều tra (Excel-Form) điền thông tin phù hợp với ngành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và gửi lại cho ngành Thống kê trên trang điều tra trực tuyến.
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát thực hiện thu thập thông tin tại doanh nghiệp
Để thực hiện tốt việc thu thập thông tin điều tra doanh nghiệp năm 2020, ngoài sự nỗ lực của ngành Thống kê, sự phối hợp của các bộ, ngành thì các cấp lãnh đạo, quản lý tại các địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong việc phối hợp tổ chức thực hiện, tuyên truyền đến cộng đồng doanh nghiệp về ý thức chấp hành pháp luật trong việc cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, cũng như nâng cao vai trò quản lý của các cấp trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thực thi chế tài xử phạt vi phạm hành chính thực hiện Luật Thống kê của các doanh nghiệp nhằm có được nguồn số liệu tin cậy, đầy đủ, phục vụ công tác quản lý, điều hành ở chính địa phương. Với hình thức kê khai trực tuyến thì ý thức tự giác chấp hành pháp luật, cung cấp thông tin điều tra thống kê của từng doanh nghiệp cần được phát huy. Thực tế, đa phần các doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành Luật Thống kê, thực hiện cung cấp thông tin cho điều tra viên, song cũng không ít doanh nghiệp cố tình trốn tránh, chây ỳ không cung cấp thông tin hoặc cung cấp chiếu lệ, không đầy đủ, không chính xác, kịp thời… Để xử lý những trường hợp vi phạm này, Nghị định số 95/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê (do Chính phủ ban hành ngày 1/7/2016) đã có những quy định cụ thể về vi phạm quy định trong các hoạt động điều tra thống kê. Tại Điều 5 Nghị định này đã chỉ rõ: 1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi trì hoãn việc thực hiện yêu cầu của điều tra viên thống kê theo quy định của phương án điều tra thống kê. 2. Phạt tiền từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Nộp chậm phiếu, biểu điều tra thống kê theo phương pháp đối tượng điều tra tự ghi vào phiếu, biểu điều tra theo hướng dẫn của điều tra viên (sau đây gọi chung là phương pháp điều tra gián tiếp) dưới 5 ngày so với thời hạn quy định của phương án điều tra thống kê; nộp không đủ phiếu, biểu điều tra thống kê theo phương pháp điều tra gián tiếp so với quy định của phương án điều tra thống kê; ghi không đủ các thông tin có phát sinh vào phiếu, biểu điều tra theo quy định của phương án điều tra thống kê. 3. Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi nộp chậm phiếu, biểu điều tra thống kê theo phương pháp điều tra gián tiếp từ 5 ngày đến dưới 10 ngày so với thời gian quy định của phương án điều tra thống kê. Điều 5 cũng nêu rõ, phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc cản trở việc thực hiện điều tra thống kê; khai man hoặc ép buộc người khác khai man thông tin trong điều tra thống kê; không cung cấp trực tuyến nội dung và số liệu điều tra tới thiết bị truy xuất theo yêu cầu của cơ quan tiến hành điều tra hoặc người thực hiện điều tra thống kê do phương án điều tra thống kê quy định. Nghị định số 95/2016/NĐ-CP cũng quy định rất rõ thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp, Thanh tra và thanh tra chuyên ngành Thống kê… đối với các vi phạm về quy định trong các hoạt động điều tra thống kê.
Để có được nguồn dữ liệu doanh nghiệp chất lượng tốt, ngành Thống kê phối hợp với các bộ, ngành và các cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương đã và đang triển khai những cách thức hiệu quả khác nhau để thu thập thông tin từ doanh nghiệp. Dữ liệu từ cuộc điều tra này sẽ là căn cứ xác đáng phục vụ công tác quản lý, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương nói riêng. Chính vì vậy, sự đồng hành sẵn sàng cung cấp thông tin của mỗi doanh nghiệp sẽ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng thông tin đầu ra của cuộc điều tra./.
                                                                                      
Điều 11, Luật Thống kê 2015 quy định: Người nào có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thống kê thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tác giả: TS.Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp - TCTK

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,538
  • Hôm nay38,960
  • Tháng hiện tại5,754,823
  • Tổng lượt truy cập489,618,261
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
Tổng cục Thống kê
Phân mềm giao việc_Taskgov
Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành
Chiến lược phát triển TKVN
Tuyển dụng năm 2022
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây