Tiếp tục cuộc đấu tranh kiên trì, quyết liệt với “giặc nội xâm”

Thứ năm - 27/09/2018 14:52
 “Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”-lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đã phần nào khái quát một cách cô đọng, giản dị về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực những năm vừa qua. Tình hình tham nhũng, tiêu cực dù còn nghiêm trọng, phức tạp nhưng những kết quả phòng, chống bước đầu rõ ràng đã và đang củng cố niềm tin trong lòng nhân dân.
Khôi phục niềm tin
Hơn 30 năm đổi mới, mọi mặt kinh tế-xã hội của Việt Nam đều phát triển đi lên, nhưng niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ có lúc, có nơi bị suy giảm một phần lớn do ảnh hưởng xấu từ “giặc nội xâm-tham nhũng”. Trong cuộc gặp mặt thân mật các chuyên gia, cộng tác viên lĩnh vực xây dựng Đảng nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam do Báo Quân đội nhân dân tổ chức ngày 19/6/2018, nhà báo Đức Lượng, nguyên Phó tổng biên tập Báo Nhân Dân, đã cho rằng: “Sự kiện Thái Bình-1997” và một số vụ việc "nóng" gây bức xúc trong xã hội gần đây có nguyên nhân do người dân bày tỏ thái độ bất bình trước tình trạng tham nhũng ở cơ sở. Triết gia người Pháp Montesquieu từng khuyến cáo: “Mọi người có quyền lực đều có xu hướng lạm dụng quyền lực”. Đối với một đảng cầm quyền, điều cốt tử nhất để cầm quyền bền vững chính là phải chống cho được tình trạng lạm quyền, tham nhũng.
Một điểm sáng nổi bật trong cuộc chiến PCTN, tiêu cực từ sau Đại hội XII của Đảng cho đến nay, chính là đã khôi phục niềm tin của nhân dân vào Đảng. Trên diễn đàn Quốc hội, tại các cuộc tiếp xúc cử tri và nhiều diễn đàn dân chủ khác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội đều khẳng định vấn đề này.
Niềm tin của nhân dân đối với Đảng trong cuộc chiến PCTN, tiêu cực đã trải qua một hành trình rất dài, xuyên suốt tiến trình đổi mới.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ đã đưa công cuộc PCTN, tiêu cực có những bước chuyển biến mang tính đột phá và niềm tin trong nhân dân thực sự được củng cố, tăng cường từ kết quả đưa những nghị quyết này vào cuộc sống. Từ các nghị quyết của Đảng, công cuộc xây dựng thể chế về PCTN liên tục được bổ sung, hoàn thiện. Luật PCTN năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012 và hiện nay Quốc hội khóa XIV đang tiếp tục sửa đổi) cho thấy hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCTN đã tương đối đầy đủ, cơ bản bảo đảm hành lang pháp lý cho công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực. Không chỉ phòng, chống qua việc hoàn thiện thể chế, việc xử lý những vụ đại án tham nhũng, xử lý những cán bộ cấp cao (kể cả trường hợp là Ủy viên Bộ Chính trị) sa vào tiêu cực, tham nhũng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã từng bước củng cố, khôi phục niềm tin trong nhân dân. Quan trọng hơn, điều đó còn củng cố niềm tin trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng vào tính nghiêm minh của pháp luật Nhà nước, kỷ luật của Đảng.
Sự nghiêm minh ấy thể hiện tính chiến đấu rất cao của Đảng ta, không chỉ chống tham nhũng từ cơ sở, chống tham nhũng “vặt” mà phải làm gương từ trên trở xuống, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”. Đây cũng là sự kế tục quan điểm của Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đấu tranh với nạn tham nhũng. Lênin cho rằng, đối với đối tượng tham nhũng là những cán bộ Đảng và Nhà nước phải trừng phạt nghiêm khắc để làm gương: “Đối với người cộng sản phải trừng phạt nặng hơn gấp ba lần so với những người ngoài đảng”. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh thì khẳng định: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.
Hiệu quả của cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay còn ở chỗ, việc xử lý nghiêm minh đã mang tính răn đe, giáo dục rất cao. Bài học thực tiễn đã giúp Đảng ta rút ra rằng, không thể dập “dịch” tham nhũng chỉ bằng giáo dục suông. Cùng với hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật, để bịt kín các lỗ hổng khiến quan chức “không thể tham nhũng”, việc liên tiếp các vụ án tham nhũng được truy tố, xét xử công khai, không có giới hạn, không có vùng cấm đã mang tính răn đe, giáo dục rất cao, khiến quan chức “không dám tham nhũng”. Kể từ sau Đại hội XII của Đảng (tháng 1/2016) đến nay, Đảng ta đã kỷ luật không dưới 20 cán bộ cao cấp từ mức khiển trách trở lên. Song, chỉ kỷ luật không thôi là chưa đủ. Kỷ luật của Đảng không thể thay thế xử lý bằng pháp luật. Việc truy tố, xét xử các đối tượng Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ cho dù các đối tượng từng cao chạy xa bay ra tận nước ngoài là dẫn chứng sinh động cho thấy “lưới trời lồng lộng”, tội phạm tham nhũng không thể mãi dựa vào những thẻ xanh, căn cước hay quốc tịch đặc biệt mà thoát tội. Việc ngay cả những quan chức đã lên đến những nấc thang rất cao của danh vọng, thậm chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, bí thư, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố vẫn bị xử lý nghiêm minh càng chứng tỏ tinh thần “quân pháp bất vị thân”, không có vùng cấm, không có giới hạn trong xử lý tham nhũng.
Đặc biệt, với việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Bộ luật Hình sự 2015, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, Luật PCTN tới đây, hàng loạt hành vi tham nhũng sẽ bị xử lý bằng pháp luật một cách chặt chẽ. Cùng với đó là kỷ luật Đảng, trực tiếp là Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định thời hiệu xử lý các vi phạm có thể kéo dài đến những vi phạm xảy ra trước đó 5-10 năm... cũng là một cách răn đe rất lớn, để người vi phạm không còn tư tưởng nghỉ hưu là hết chuyện, là "hạ cánh an toàn"!

Từ thu hồi tài sản đến thanh lọc bộ máy
Càng đổi mới, phát triển thì hiện tượng tham nhũng sẽ càng tinh vi, nghiêm trọng và phức tạp. Từ những hành vi đưa-nhận hối lộ khá thô sơ thời kỳ đầu đổi mới, đến nay, tham nhũng đã phát triển thành các “nhóm lợi ích tiêu cực” đan xen, chen lẫn, chui sâu, leo cao vào cả những cơ quan quyền lực cấp cao... Cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực mà Đảng đang lãnh đạo nhân dân ta tiến hành sẽ còn phải đối mặt với muôn vàn thử thách. Một trong những điều mà người dân quan tâm nhất trong nhiệm vụ trung tâm của sự nghiệp đổi mới chính là phải thu hồi tài sản tham nhũng. Kết quả của cuộc đấu tranh này thành công đến đâu cũng phải được đánh giá trên cơ sở thu hồi tài sản do tham nhũng mà có.
Theo Thanh tra Chính phủ, tính cả năm 2017, công tác thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 67,7 nghìn tỷ đồng, hơn 17,5 nghìn héc-ta đất, kiến nghị thu hồi hơn 43,3 nghìn tỷ đồng. Ðây là số tiền không nhỏ cho thấy mức độ vi phạm pháp luật có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng, gây thất thoát lớn đối với ngân sách Nhà nước.
Phát hiện và thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu quả sẽ có tác dụng răn đe, tác động mạnh vào tâm lý tội phạm tham nhũng, ngăn chặn động cơ của tham nhũng, là một trong những thước đo hiệu quả PCTN. Vì vậy, trong vụ hợp đồng mua cổ phần giữa MobiFone và AVG vừa qua, việc các cổ đông AVG đã hoàn tất việc trả lại MobiFone số tiền MobiFone đã mua 95% cổ phần AVG trước đó là một thành công về thu hồi vốn Nhà nước. Đây cũng có thể là một kinh nghiệm mà các cơ quan chức năng cần nghiên cứu vì kết quả thu hồi tài sản tham nhũng đang trở thành vấn đề trọng tâm trong chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước.
Hiệu quả mang lại từ cuộc chiến này không chỉ là tài sản mà còn qua xử lý tham nhũng giúp thanh lọc bộ máy, thanh lọc cả những cơ chế, chính sách, kẽ hở pháp luật tiếp tay cho tham nhũng, từ đó hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Xin được dẫn chứng đơn cử từ vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng. Hiệu quả không chỉ ở chỗ nhiều bị cáo đã chủ động nộp lại tài sản nhiều tỷ đồng mà qua vụ án, những lỗ hổng trong chủ trương, chính sách, pháp luật về đầu tư, đấu thầu, quản lý kinh tế được khắc phục, hoàn thiện. Cùng với đó, hàng loạt vấn đề về quản lý hệ thống tài chính-ngân hàng, ngăn chặn kẽ hở tiêu cực lãi suất ngoài, lành mạnh hóa công cụ tài chính vĩ mô được rút kinh nghiệm và thực hiện. Riêng ở góc độ công tác cán bộ, hiệu quả đạt được vô cùng to lớn qua việc loại khỏi bộ máy những cán bộ tha hóa, biến chất, giúp bộ máy trong sạch hơn, hoạt động hiệu quả hơn. Và từ những tấm gương xử lý cán bộ “dính chàm” sẽ là bài học cảnh tỉnh để hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức phải suy nghĩ, trăn trở hơn về sự liêm chính. Đặc biệt, với những người đứng đầu, chỉ liêm chính thôi là chưa đủ mà phải đề cao trách nhiệm khi quản lý tiền của, tài sản của Nhà nước, của nhân dân.

Tiếp tục kiên trì, kiên quyết
Từ kết quả thu được trong công cuộc PCTN, tiêu cực thời gian qua, có thể thấy hành vi tham nhũng, tiêu cực diễn biến ngày càng tinh vi, nghiêm trọng, phức tạp cả về tính chất, mức độ và hậu quả. Trong thực tế, hành vi tham nhũng nảy sinh nhiều nhưng việc phát hiện, xử lý vẫn còn ít, giữa phát hiện và xử lý còn chưa tương xứng, nhiều vụ việc xử lý chưa đủ nghiêm. Hành động thực tế của các cấp ủy địa phương, các cơ quan chuyên trách PCTN ở cơ sở so với quyết tâm chính trị của Đảng còn có khoảng cách, thậm chí có nơi còn nói không đi đôi với làm, biện pháp phòng, chống chưa phù hợp với thực tiễn tham nhũng, tiêu cực. Việc kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức chưa tốt; thu hồi tài sản tham nhũng chưa triệt để; chưa thực sự kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người thân của đối tượng tham nhũng để phát hiện và xử lý tài sản tham nhũng bị tẩu tán. Hệ thống pháp luật trong PCTN vẫn còn không ít sơ hở, bất cập...
Từ thực tiễn nêu trên, có thể rút ra một số vấn đề cần chú ý để công tác PCTN thu được thắng lợi to lớn hơn.
Trước hết, phải không ngừng củng cố, nêu cao ý chí quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, sự gương mẫu và quyết liệt của người đứng đầu. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, sự thành công của công tác PCTN phụ thuộc nhiều vào quyết tâm của đảng cầm quyền, nhất là quyết tâm của các nhà lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia. Ngay từ những ngày đầu của Nhà nước Xô viết non trẻ, Lênin từng chỉ đạo phải kiên quyết đưa ra khỏi Đảng, khỏi bộ máy nhà nước những kẻ quan liêu, tham nhũng: "Tôi rất mong chúng ta có thể đuổi ra khỏi đảng từ 10 vạn đến 20 vạn người đã len lỏi vào đảng và đã không những không biết đấu tranh chống bệnh giấy tờ cùng nạn hối lộ, mà còn cản trở cuộc đấu tranh này”. Chỉ nêu cao ngọn cờ chống tham nhũng chung chung chưa đủ mà cần phải đấu tranh cả với tư tưởng trung bình chủ nghĩa trong cuộc chiến này cũng là điều từng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh gần đây: “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.
Cùng với đó, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, trong đó cần chú trọng các giải pháp phòng ngừa. Tuy nhiên, trong tình hình tham nhũng phức tạp, nghiêm trọng như hiện nay thì việc tăng cường công tác phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm có tác dụng lớn trong phòng ngừa tham nhũng. Tham nhũng, tiêu cực chủ yếu xảy ra ở các cơ quan quyền lực Nhà nước. Vì vậy, phải thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “nhốt quyền lực vào chiếc lồng cơ chế”. Phải thực sự coi trọng việc giám sát, kiểm soát quyền lực Nhà nước, từng bước xóa bỏ đặc quyền, đặc lợi, độc quyền. Thực tế cho thấy khi quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ và cơ chế đặc quyền, đặc lợi, độc quyền còn tồn tại sẽ làm nảy sinh tham nhũng và hình thành “nhóm lợi ích”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Chống tham nhũng, tiêu cực không thể chỉ bằng quyết tâm chính trị suông mà phải có công cụ bằng pháp luật, bằng “thanh gươm công lý”. Hệ thống pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Đảng cần phải được hoàn thiện hơn nữa với việc bổ sung, sửa đổi những văn bản pháp luật liên quan đến công tác PCTN. Mặt khác, phải nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật.
PCTN, tiêu cực phải được tiến hành kiên trì, liên tục, với những bước đi vững chắc, thích hợp, có trọng tâm, trọng điểm; không được chủ quan, nóng vội. Trong từng thời gian khác nhau phải lựa chọn những giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước để tập trung triển khai thực hiện. Để công tác này đạt được hiệu quả, phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, phải xây dựng văn hóa PCTN, tiêu cực.
Truyền thống tốt đẹp của ông cha ta từ xa xưa đã coi trọng “trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược”. Đấu tranh PCTN là công việc rất quan trọng, liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước, của chế độ. Rõ ràng, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm với quyết tâm cao hơn nữa, bền bỉ, kiên trì, kiên quyết hơn nữa. Từ những kết quả, kinh nghiệm thời gian qua, chúng ta tin rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, công tác PCTN trong thời gian tới nhất định sẽ thu được những thắng lợi ngày một to lớn hơn; tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị đẩy lùi, mục tiêu xây dựng nước ta dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh nhất định sẽ trở thành hiện thực.

Tác giả: Công Minh, Nguyên Minh, Hồng Hải, Tấn Tuân

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,364
  • Hôm nay174,081
  • Tháng hiện tại6,886,945
  • Tổng lượt truy cập490,750,383
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
Tổng cục Thống kê
Phân mềm giao việc_Taskgov
Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành
Chiến lược phát triển TKVN
Tuyển dụng năm 2022
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây