Những chặng đường lịch sử phát triển và những thành tựu của ngành Thống kê Việt Nam qua từng thời kỳ

Thứ năm - 26/04/2018 09:32
           I. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN
         Ngay trong thời gian đầu cách mạng mới thành công, trong muôn vàn khó khăn của thời kỳ chống thù trong giặc ngoài, ngày 6 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ký sắc lệnh số 61/SL quy định bộ máy tổ chức của Bộ quốc dân kinh tế gồm các phòng, ban, nha trực thuộc, trong đó có Nha Thống kê Việt Nam. Để ghi nhớ sâu sắc công ơn của Bác Hồ vĩ đại đối với quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành thống kê, để phù hợp với thực tế lịch sử, và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính  phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngành Thống kê đã lấy ngày 6 tháng 5 năm 1946 là ngày thành lập ngành Thống kê Việt Nam.
          Chiểu theo Sắc lệnh 61/SL ngày 6 tháng 5 năm 1946, Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế đã ký Nghị định ngày 28 tháng 5 năm 1946 về tổ chức Nha Thống kê Việt Nam với những nội dung chính sau đây :
         Điều thứ nhất : Nay tổ chức một Nha Thống kê Việt Nam phụ thuộc vào Bộ Quốc dân Kinh tế và đặt dưới quyền điều khiển của Giám đốc do sắc lệnh cử theo lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế.
           Điều thứ hai : Nhiệm vụ của Nha Thống kê Việt Nam định như sau này:
           1. Sưu tầm và thu thập những tài liệu và những con số có liên quan đến vấn đề xã hội, kinh tế hay văn hoá.
           2. Xuất bản những sách về thống kê
           3. Kiểm soát các công ty bảo hiểm Việt Nam hay hải ngoại.

           Điều thứ 3: Nha Thống kê Việt Nam có thể liên lạc thẳng với các cơ quan Thống kê của các Bộ, các kỳ và các tỉnh và các công sở khác để sưu tầm tài liệu cần thiết.
           Điều thứ tư: Nha Thống kê gồm có ba phòng, nhiệm vụ định sau đây:
1. Phòng nhất (phòng Hành chính) coi về nhân viên, kế toán, vật liệu, lưu trữ công văn, xuất bản các sách báo.
2.Phòng nhì: Thống kê dân số, văn hoá, chính trị
3.Phòng ba: Thống kê kinh tế, tài chính

          Ngày 7 tháng 6 năm 1946 theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 98/SL cử ông Nguyễn Thiệu Lâu giữ chức Giám đốc Nha Thống kê Việt Nam.
          Ngày 25 tháng 4 năm 1949 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký 2 sắc lệnh:
          · Sắc lệnh số 33/SL sát nhập Nha Thống kê Việt Nam vào Phủ Chủ tịch
          · Sắc lệnh số 33/SL
          · Sắc lệnh số 34/SL cử ông Nguyễn Thiệu Lâu giữ chức Giám đốc Nha Thống kê trong Chủ tịch phủ.
          Ngày 1 tháng 7 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 124/SL bãi bỏ Sắc lệnh số 33/SL ngày 25 tháng 4 năm 1949 và Sắc lệnh số 34/SL ngày 25 tháng 4 năm 1949, quyết định “ Một tổ chức tạm thời  để theo dõi công việc thống kê sẽ do Nghị định Thủ tướng Chính phủ ấn định”.
         Ngày 9 tháng 8 năm 1950, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Thủ tướng Chính phủ, ra Nghị định số 38/TTg thành lập phòng Thống kê trong Văn phòng Thủ tướng phủ do ông Lương Duyên Lạc làm trưởng phòng. Phòng Thống kê có nhiệm vụ:
           1.  Thu thập và xếp đặt những tài liệu thống kê của các Bộ và các Uỷ ban hành chính kháng chiến  địa phương.
           2. Giúp các Bộ và các Uỷ ban hành chính kháng chiến tổ chức và hướng dẫn theo dõi công tác thống kê.
          Ngày 20 tháng 2 năm 1956, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Điều lệ số 695/TTg về tổ chức Cục Thống kê Trung ương, các cơ quan thống kê địa phương và các tổ chức thống kê các Bộ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong Điều lệ 695/TTg có ghi:
          Nay thành lập Cục Thống kê Trung ương trong Ủy ban Kế hoạch Nhà nước của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, các Ban Thống kê địa phương, các tổ chức thống kê ở các Bộ, các cơ quan xí nghiệp.
          Cục Thống kê  Trung ương và các cơ quan Thống kê ở địa phương là một hệ thống thống nhất, tập trung.
          Cục Thống kê Trung ương trong Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là một cơ quan của Nhà nước để lãnh đạo thống nhất và tập trung mọi việc thống kê và kế toán trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
         Nhiệm vụ chủ yếu của Cục Thống kê Trung ương là sưu tầm, thu thập, nghiên cứu và đệ trình Chính phủ những tài liệu thống kê chính xác, phân tích một cách khoa học để có thể nêu được quá trình thực hiện kế hoạch Nhà nước, sự phát triển kinh tế và văn hoá trong nước, những nguồn tài nguyên và cách sử dụng tài nguyên đó, tỷ lệ phát triển của các ngành kinh tế, văn hoá và mức độ phát triển của từng ngành.
        Cục Thống kê Trung ương tạm thời gồm các phòng: Thống kê Tổng hợp; Thống kê Nông nghiệp; Thống kê Công nghiệp, Vận tải; Thống kê Thương nghiệp Tài chính; Thống kê Văn hoá, giáo dục, Y tế, Dân số, Lao động.
         Ngày 8 tháng 4 năm 1957, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 142-TTg quy định lại tổ chức, nhiệm vụ của các cơ quan thống kê các cấp  các ngành, bãi bỏ Điều lệ số 695- TTg ngày 20- 2- 1956.
          Về tổ chức thống kê : Bộ máy thống kê các cấp các ngành gồm có:
          1. Cục Thống kê Trung ương (Trong Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước)
          2. Các Chi cục Thống kê Liên khu, khu, thành phố, tỉnh.
          3. Phòng Thống kê huyện, châu
          4. Ban Thống kê xã.
          5.  Các tổ chức thống kê của các Bộ, các ngành Trung ương và các cơ quan trực thuộc.
          Cục Thống kê Trung ương là cơ quan của Nhà nước phụ trách, lãnh đạo thống nhất và tập trung mọi việc thống kê về kinh tế, tài chính, văn hoá, xã hội trong cả nước.
          Nhiệm vụ chủ yếu của CụcThống kê Trung ương là sưu tầm, chỉnh lý, nghiên cứu, phân tích những tài liệu điều tra thống kê cơ bản về các ngành kinh tế quốc dân, văn hoá, xã hội, rồi đệ trình Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Chính phủ để làm căn cứ hoặc tài liệu tham khảo để định các chính sách, lập kế hoạch và kiểm tra kế hoạch.
         Về tổ chức Cục Thống kê Trung ương tạm thời gồm có các phòng: Thống kê Tổng hợp; Thống kê Nông nghiệp; Thống kê Công nghiệp; Thống kê Xây dựng cơ bản; Thống kê Thương nghiệp Tài chính; Thống kê Văn hoá, Giáo dục, Y tế, Dân số Lao động.
         Ngày 21 tháng 12 năm 1960, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành quyết định số 15-NQ/TVQH về việc tách Cục Thống kê Trung ương ra khỏi Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, thành lập Tổng cục Thống kê.
         Đến ngày 29 tháng 9 năm 1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 131- CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê. Theo Nghị định này, Tổng Cục Thống kê là cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo tập trung và thống nhất toàn bộ công tác điều tra thống kê theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bảo đảm  hoàn thành tốt nhiệm vụ sưu tầm, chỉnh lý phân tích các tài liệu thống kê có căn cứ khoa học về kinh tế, văn hoá, xã hội, nhằm phục vụ cho các công tác quản lý nhà nước, lãnh đạo và chỉ đạo công cuộc kế hoạch hoá nền kinh tế quốc dân.
          Tổ chức bộ máy của Tổng Cục Thống kê gồm có: 7 vụ và Văn phòng
          Năm 1968, thực hiện Nghị quyết 02- CP của Chính phủ về tổ chức lại hệ thống thông tin thống kê, Tổng cục Thống kê được Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Cục Kỹ thuật tính toán, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Phương pháp chế độ và Vụ Cân đối.
          Ngày 5 tháng 4 năm 1974 Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số  72-CP ban hành điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng cục Thống kê thay thế Nghị định số 131-CP ngày 29 tháng 9 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ.
          Tổng cục Thống kê là cơ quan Trung ương thuộc Hội đồng Chính phủ, có nhiệm vụ tổ chức và quản lý thống nhất công tác hạch toán và thống kê. Tổng cục Thống kê thực hiện nhiệm vụ của mình trên cơ sở đường lối chính sách và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước.
Về tổ chức bộ máy có: 17 đơn vị cục, vụ thống kê chuyên ngành, văn phòng và 2 đơn vị sự nghiệp.
          Thực hiện chỉ thị 45/TW của Ban Bí thư TW về tinh giản bộ máy, giảm nhẹ biên chế, ngày 2/6/1979 Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 207/CP về tổ chức lại bộ máy của cơ quan Tổng cục Thống kê gồm có 15 đơn vị: Vụ, Viện, Văn phòng và Thanh tra.
          Thực hiện Thông báo số 46/TB-TW của Ban Bí thư TW và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng về việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể. Ngày 11-5-1988 Hội đồng Bộ trưởng ký ban hành Quyết định số 81/HĐBT, quy định lại số đơn vị trực thuộc Tổng cục giảm xuống còn 10 đơn vị vụ và Văn phòng. Ngoài ra còn có 3 phòng trực thuộc, 2 đơn vị sự nghiệp, và 2 đơn vị sản xuất kinh doanh.
         Ngày 23/3/1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê thay thế Nghị định số 72/CP ngày 5/4/1974 của Hội đồng Chính phủ.
         Theo Nghị định này, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê cơ bản giống như nội dung đã được đề cập ở Điều lệ của Nghị định 72/CP ngày 5/4/1974 của Hội đồng Chính Phủ.
         Tuy nhiên tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê được sắp xếp gọn  hơn so với tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê quy định tại Điều lệ của Nghị định 72/CP ngày 05/4/1974 của Hội đồng Chính phủ. Cụ thể gồm:
          1. Các đơn vị giúp Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước: có 12 đơn vị vụ, Văn phòng và         Thanh tra. Sau đó Chính phủ có quyết định thành lập thêm Vụ Kế hoạch- Tài chính.
          2. Các  đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục: có 4 đơn vị.
          3. Các đơn vị sản xuất do Tổng cục Thống kê quyết định có: 2 đơn vị
         Ngày 03/9/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê thay cho Nghị định số 23/CP ngày 23/3/1994 của Chính Phủ.
Về vị trí và chức năng: Tổng cục Thống kê là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước về thống kê, tổ chức thực hiện hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế - xã hội cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật; quản lý Nhà nước các dịch vụ công và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn Nhà nước thuộc Tổng cục Thống kê quản lý theo quy định của pháp luật.
         Về nhiệm vụ và quyền hạn: Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thuộc Chính phủ quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực theo quy định tại Nghị định số 30/2003/NĐ-CP ngày 01/4/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ.
          Về hệ thống tổ chức của Tổng cục Thống kê:
          Tổng cục Thống kê được tổ chức theo ngành dọc, gồm có:
          1. Ở Trung ương có cơ quan Tổng cục Thống kê.
          2. Ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Cục Thống kê trực thuộc Tổng cục Thống kê.
          3. Ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có phòng Thống kê trực thuộc Cục Thống kê tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.
           Về cơ cấu tổ chức của cơ quan Tổng cục Thống kê :
           a)    Các tổ chức giúp Tổng cục trưởng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước có các đơn vị: Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia; Vụ Phương pháp chế  độ thống kê; Vụ Thống kê Tổng hợp; Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng; Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản; Vụ Thống kê Thương mại, Dịch vụ và Giá cả; Vụ Thống kê Dân số và Lao động; Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Tổ chức Cán bộ; Vụ Kế  hoạch tài chính; Thanh tra; Văn phòng
         b)   Các đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục Thống kê có các đơn vị sau: Viện Nghiên cứu khoa học thống kê; Trung tâm Tin học thống kê; Trung tâm Tư liệu thống kê; Tạp chí Con số và Sự kiện; Trường Cao đẳng thống kê; Trường Trung học thống kê II; Trung tâm Tin học thống kê khu vực II; Trung tâm Tin học thống kê khu vực III.
          c) Các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc Tổng cục Thống kê có các đơn vị sau: Nhà Xuất bản Thống kê; Công ty Phát hành Biểu mẫu Thống kê; Xí nghiệp in Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh.
           II. NHỮNG THÀNH TỰU CỦA NGÀNH THỐNG KÊ VIỆT NAM
          Trong quá trình xây dựng phát triển, ngành thống kê Việt Nam đã từng bước trưởng thành, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước qua từng giai đoạn.
          Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946- 1954), trong bối cảnh Nhà nước mới thành lập, khó khăn nhiều mặt, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, phương tiện thiết bị thông tin liên lạc, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, trình độ nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ làm thống kê còn hạn chế, số lượng cán bộ thống kê ít và mỏng. Song luôn được Đảng và Bác Hồ quan tâm chỉ đạo sát sao, cán bộ thống kê nhiệt tình hăng say, nên trong thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, công tác thống kê đã làm được khá nhiều việc như thường xuyên kịp thời nắm bắt tình hình và tổng hợp báo cáo thường kỳ về kết quả tăng gia sản xuất, diệt giặc đói, xoá nạn mù chữ, thống kê giá cả một số sản phẩm chủ yếu, thực hiện giảm tô, giảm tức thực hiện thuế nông nghiệp v.v… trong vùng tự do để phục vụ kịp thời yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ.
          Năm 1954, hoà bình được lập lại trên miền Bắc, tổ chức bộ máy của ngành thống kê lúc này vẫn còn rất sơ khai, đội ngũ cán bộ từ trung ương đến các địa phương hầu hết từ cán bộ chính trị và quân đội chuyển sang, chưa biết về nghiệp vụ thống kê. Nhưng với tinh thần của người chiến sỹ cách mạng, các đồng chí đã vừa làm vừa học trong thực tế, học hỏi chuyên gia Liên xô, Trung Quốc. Đội ngũ cán bộ thống kê ban đầu ít ỏi đó đã trưởng thành và phát triển cả về số lượng và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đủ sức thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành. Trong điều kiện xây dựng CNXH ở miền Bắc và tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, ngành Thống kê đã căn cứ vào thực tiễn, tiếp thu kinh nghiệm của thống kê các nước anh em, phát triển công tác trên nhiều mặt. Phù hợp với yêu cầu và thực tiễn của giai đoạn này, hệ thống chỉ tiêu thống kê chủ yếu phục vụ công tác kế hoạch hoá và chế độ báo cáo thống kê định kỳ đã được tập trung xây dựng trên cơ sở thống nhất thống kê, kế toán và chế độ ghi chép ban đầu. Các cuộc điều tra chuyên đề, điều tra trọng điểm, các cuộc kiểm kê hàng hoá, vật tư cũng đã được tổ chức để thu thập số liệu phục vụ những yêu cầu khác nhau của cơ quan quản lý Nhà nước. Trên cơ sở đó, ngành Thống kê đã cung cấp thông tin cho việc xây dựng kế hoạch, quản lý điều hành và trực tiếp tham gia đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch Nhà nước theo các cấp từ trung ương đến các địa phương, từ các Bộ ngành đến các doanh nghiệp.
         Sớm nhận thức  được vai trò của cơ giới hoá và tự động hoá công tác tính toán thống kê, từ đầu những năm 1970, trong ngành thống kê đã từng bước hình thành một hệ thống các Trung tâm tính toán, tuy máy móc thiết bị còn thô sơ, nhưng đã phục vụ đắc lực cho việc xử lý số liệu thống kê từ các báo cáo định kỳ đến kết quả các cuộc điều tra, nhất là đối với các cuộc điều tra lớn như tổng  điều tra dân số, kiểm kê hàng hoá, vật tư  v.v…
          Trong thời gian chiến tranh phá hoại ở miền Bắc đất nước chuyển sang thời chiến, đội ngũ cán bộ thống kê từ trung ương đến các địa phương không ngại gian khổ hy sinh, bám sát cơ sở, thu thập thông tin, phản ánh kịp thời tình hình kinh tế - xã hội của hậu phương lớn. Nhiều cán bộ thống kê đã lên đường chi viện cho miền Nam ruột thịt, trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thực hiện nghĩa vụ quốc tế, nhiều cán bộ thống kê cũng đã lên đường chi viện cho các nước bạn xây dựng và phát triển công tác thống kê.
          Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước tiến lên CNXH. Theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới, cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức bộ máy cơ quan thống kê ở tất cả các tỉnh, thành phố miền Nam đã nhanh chóng hình thành với nòng cốt là cán bộ thống kê có năng lực kinh nghiệm từ Tổng cục và các Cục Thống kê miền Bắc, hàng trăm cán bộ mới đã được tuyển dụng để bố trí vào bộ máy thống kê từ tỉnh, thành phố đến các quận, huyện ở miền Nam. Với quyết tâm cao, toàn ngành Thống kê đã phấn đấu vượt mọi khó khăn triển khai công việc, ổn định tổ chức, đã nhanh chóng thu thập và tổng hợp được số liệu thống kê trên phạm vi cả nước.
          Cho đến trước thời kỳ đổi mới, trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, số liệu thống kê vẫn giữ vai trò chủ yếu, quan trọng trong việc đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước một cách rất chi tiết. Hệ thống số liệu trong thời kỳ này là căn cứ không thể thiếu để xây dựng và đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch quý, năm và 5 năm, cũng như để nghiên cứu xây dựng chính sách chiến lược kinh tế- xã hội của Đảng và Chính phủ.
          Bước sang thời kỳ đổi mới, cán bộ, công chức ngành Thống kê từ trung ương đến các địa phương đã quán triệt đường lối của Đảng, từng bước đổi mới công tác của ngành. Từ hệ thống chỉ tiêu thống kê phục vụ cơ chế quản lý, kế hoạch hoá tập trung với nhiều chỉ tiêu hiện vật, nặng về mô tả, chủ yếu phục vụ cho quản lý kinh tế vi mô, ngành Thống kê đã nhanh chóng cải tiến hệ thống chỉ tiêu thống kê, bổ sung nhiều chỉ tiêu giá trị phục vụ quản lý Nhà nước ở tầm vĩ mô và nhiều nhu cầu thông tin đa dạng khác. Nội dung và phương pháp thống kê được chuyển đổi từng bước, đặc biệt phải kể đến những vấn đề phương pháp luận quan trọng như: Chuyển hệ thống phương pháp luận thống kê bảng cân đối vật chất (MPS) sang hệ thống tài khoản quốc gia (SNA), chuyển đổi phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng, nghiên cứu và áp dụng chỉ tiêu năng suất, hiệu quả đối với một số ngành sản xuất chủ yếu và chỉ số nguồn nhân lực, tăng cường áp dụng phương pháp điều tra chọn mẫu, xây dựng nhiều bảng danh mục theo chuẩn quốc tế, tăng cường thống kê xã hội, môi trường v..v… Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngày một hoàn thiện, phản ảnh đầy đủ hơn tình hình kinh tế xã hội trong điều kiện, hoàn cảnh mới, phù hợp với thông lệ thống kê quốc tế, nâng cao tính so sánh của số liệu thống kê nước ta với các nước trên thế giới. Trong những năm đổi mới, ngành Thống kê đã tiến hành có kết quả nhiều cuộc điều tra lớn như : Tổng điều tra dân số năm 1989, tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, tổng điều tra nông nghiệp và nông thôn năm 1994, tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2001, tổng  điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp năm 1995 và năm 2002, điều tra  đời sống kinh tế  hộ gia đình, điều tra vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, điều tra doanh nghiệp, trang trại và nhiều cuộc điều tra chuyên ngành khác. Nhờ vậy nguồn thông tin thống kê cung cấp ngày càng phong phú, chất lượng thông tin cao hơn, trình độ kinh nghiệm nghề nghiệp của cán bộ toàn ngành Thống kê cũng  được nâng lên, đánh dấu một bước trưởng thành của ngành Thống kê trong cơ  chế mới.
          Để tăng cường môi trường pháp lý cho công tác thống kê, Pháp lệnh Kế toán và Thống kê, Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê đã được ban hành trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Nhằm tăng cường hơn nữa môi trường pháp lý cho công tác thống kê ngày 17 tháng 6 năm 2003 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành Luật Thống kê thay thế cho Pháp lệnh Kế toán và Thống kê, ngày 13 tháng 2 năm 2004 Chính phủ cũng đã ra Nghị định số   40/2004/NĐ- CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số  điều của Luật Thống kê. Công tác xây dựng, tổ chức và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cũng được chú trọng củng cố và phát triển, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Thống kê được tăng cường đáng kể. Thực hiện Nghị quyết số 49/CP của Chính phủ về việc phát triển công nghệ thông tin, từ năm 1996 ngành Thống kê đã xây dựng  được một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tương đối hiện đại ở cơ quan Tổng cục và ở nhiều Cục Thống kê. Mạng tin học diện rộng và cơ sở dữ liệu của ngành đã hình thành, giúp cho việc khai thác số liệu thống kê của các đối tượng sử dụng được dể dàng, nhanh chóng. Cán bộ thống kê đã từng bước được đào tạo về công nghệ thông tin. Đa số cán bộ thống kê ở trung uơng và ở các tỉnh, thành phố đã thường xuyên áp dụng công nghệ thông tin trong xử lý và tổng hợp số liệu. Hệ thống trang thiết bị đang ngày càng phát huy tác dụng tích cực.
          Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thống kê được tăng cường, góp phần nâng cao vị thế của thống kê Việt Nam trong cộng đồng thống kê quốc tế. Ngoài việc củng cố quan hệ với cơ quan thống kê Liên hợp quốc, thống kê ESCAP, thống kê ASEAN, với các tổ chức quốc tế. Tổng cục Thống kê còn tăng cường các quan hệ hợp tác song phương với cơ quan thống kê quốc gia các nước như: Trung Quốc, Lào, Thụy Điển, Pháp, Séc, Ba Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước thành viên ASEAN và đã đạt được những kết quả đáng kể. Do tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế, ngành Thống kê đã tiếp cận, hội nhập và ứng dụng các phương pháp thống kê và điều tra theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Nhờ đó, trong những năm qua, ngành Thống kê đã nhận được sự giúp đỡ có hiệu quả về kỹ thuật và tài chính của các tổ chức quốc tế và một số nước như: Chương trình phát triển của Liên hợp quốc, Quỹ dân số, Quỹ nhi đồng, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc, Ngân hàng phát triển Châu Á, Tổ chức Sida Thuỵ Điển v…v…
          Hiện nay, ngành Thống kê Việt Nam đang được tăng cường và phát triển theo định hướng phát triển của ngành Thống kê đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 141/2002/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2002.
          Mặt dù gặp biết bao khó khăn gian khổ, cán bộ công chức toàn ngành Thống kê từ thế hệ này đến thế hệ khác đã kiên trì phấn đấu xây dựng ngành, đáp ứng yêu cầu thông tin của Đảng và Nhà nước và của xã hội. Phong trào thi đua trong ngành được duy trì có nền nếp, đã động viên khuyến khích từng đơn vị, cá nhân hăng hái phấn khởi hoàn thành nhiệm vụ. Với những thành tích đạt được, ngành Thống kê đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng nhất vào năm 1996, nhiều đơn vị và cán bộ thống kê được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý, được Chính phủ tặng nhiều bằng khen và cờ luân lưu.
          Có thể nói gần 60 năm qua, ngành Thống kê đã cố gắng chủ động vượt qua khó khăn không ngừng vươn lên, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác, đạt được bước phát triển mới. Toàn ngành đã chuyển đổi dần hệ thống chỉ tiêu của cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang hệ thống chỉ tiêu phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Phương pháp thu thập thông tin từng bước được cải tiến ngày càng phù hợp với cơ chế quản lý mới của nước ta.
          Việc áp dụng công nghệ thông tin kết hợp với ứng dụng có chọn lọc các phương pháp thống kê quốc tế, các phương pháp phân tích khoa học đã bước đầu phát huy hiệu quả trong công tác thu thập và xử lý thông tin. Đội ngũ cán bộ thống kê được đào tạo, nâng cao về trình độ chính trị, chuyên môn, tin học và ngoại ngữ.
          Nhìn chung, ngành Thống kê đã cố gắng đáp ứng yêu cầu về thông tin của các cơ quan Đảng, Chính phủ và cơ quan quản lý các cấp, các ngành. Thông tin thống kê là cơ sở quan trọng để đánh giá phân tích và dự báo xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như của từng ngành, từng địa phương, góp phần quan trọng vào công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của các cơ quan trung ương và địa phương. Nhiều tài liệu thống kê được công bố và xuất bản đã đáp ứng  được yêu cầu thông tin của xã hội.
Danh sách thủ trưởng ngành Thống kê qua các thời kỳ từ ngày đầu thành lập Ngành đến nay
 
TT Họ tên  Nhiệm kỳ
1  Ông Nguyễn Thiệu Lâu 1946 - 1950
2  Ông Lương Duyên Lạc 1950 - 1955
3  Ông Trần Hữu Dực 1955 - 1956
4  Ông Nguyễn Văn Kha 1956 - 1958
5  Ông Đặng Thí  1958 - 1963
6  Ông Nguyễn Đức Dương 1964 – 1974
7  Ông Hoàng Trình 1974 – 1984
8  Ông Trần Hải Bằng 1984
9  Ông Lê Văn Toàn  1984 - 2000
10  Ông Lê Mạnh Hùng  2000 – 2007
11  Ông Nguyễn Đức Hoà Từ năm 2007 đến 6/2010
12  Ông Đỗ Thức  7/2010 - 9/2013
13  Ông Nguyễn Bích Lâm Từ tháng 10/2013 đến nay

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,389
  • Hôm nay170,633
  • Tháng hiện tại6,883,497
  • Tổng lượt truy cập490,746,935
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
Tổng cục Thống kê
Phân mềm giao việc_Taskgov
Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành
Chiến lược phát triển TKVN
Tuyển dụng năm 2022
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây