So với đầu năm 2020, giá gạo đã tăng khoảng 47 - 50%
Mặt hàng gạo: Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa gạo tăng từ 300 - 700 đ/kg trong tháng 12/2020. Tại An Giang, tính đến ngày 28/12/2020, giá lúa OM 6976 ở mức 7.000 đ/kg, tăng 300 đ/kg so với cuối tháng 11/2020; IR 504 ở mức 6.950 đ/kg, tăng 400 đ/kg; Đài thơm 8 có giá 7.200 đ/kg, tăng 300 đ/kg; OM 5451 cũng tăng 300 đ/kg lên mức 7.000 đ/kg; lúa Jasmine ở mức 7.000 đ/kg, tăng 300 đ/kg; OM 9577 tăng lên 7.000 đ/kg; OM 9582 đạt 7.000 đ/kg; nếp tươi Long An giá 6.300 - 6.500 đ/kg; nếp tươi An Giang ở mức 5.700 đ/kg.
Tại Đồng Tháp, phần lớn diện tích lúa Thu Đông đã thu hoạch xong. Tình hình tiêu thụ lúa tốt, lúa tươi được thương lái đặt cọc mua trước đó với giá 6.700 - 6.800 đ/kg. Giá gạo thành phẩm xuất khẩu IR 504 ở mức 11.000 đ/kg, tăng 50 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 9.700 đ/kg, tăng 650 đ/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 ở mức 10.000 đ/kg, tăng 700 đ/kg; gạo OM 18 ở mức 10.100 đ/kg, tăng 800 đ/kg.
Như vậy, so với đầu năm 2020, giá gạo đã tăng khoảng 47% - 50%. Thông tin từ thị trường cho thấy nhu cầu mua các loại gạo thơm tăng, các kho và nhà máy đẩy mạnh mua lúa Thu Đông và đặt mua lúa Đông Xuân.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo 5% tấm của Việt Nam duy trì ổn định ở mức 495 - 500 USD/tấn, tăng 140 USD/ tấn so với đầu năm 2020 và là mức cao nhất kể từ cuối năm 2011.
Ngày 28/12/2020, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên dao động ở mức 34.500 đ/kg
Mặt hàng cà phê: Các địa phương đã thu hoạch được khoảng 60 - 70% vụ cà phê 2020/21, nhưng nông dân phần lớn không vội bán ra vì giá vẫn còn thấp. Trong khi đó, chất lượng hạt cà phê vụ mới được đánh giá khá cao khi diện tích vùng cà phê đặc sản ngày càng mở rộng và công nghệ sau thu hoạch được chú trọng nhiều hơn. Trong phiên giao dịch ngày 28/12/2020, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên dao động ở mức 34.500 đ/kg, tăng 200 đ/kg (tăng 6,2%) so với cuối tháng 11/2020. Mức giá này cũng tăng 7,5% so với đầu năm 2020.
Mặt hàng hạt tiêu: Trong tháng 12/2020, giá hạt tiêu nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 4.500 đ/kg, xuống còn 54.000 đ/kg. Mặc dù giảm trong tháng 12/2020 nhưng giá hạt tiêu vẫn cao hơn 28,6% (12.000 đ/kg) so với đầu năm nay. Theo Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam (VPA), các yếu tố cung cầu sẽ hỗ trợ giá hạt tiêu trong thời gian tới bởi nguồn cung hạt tiêu thiếu hụt do mùa vụ 2020/21 dự kiến sẽ thu hoạch chậm hơn. Nhiều tín hiệu cho thấy là thị trường sẽ khởi sắc hơn trong năm 2021.
Mặt hàng thủy sản: Việc Trung Quốc tăng kiểm soát, lấy mẫu hàng thủy hải sản đông lạnh nhập khẩu để ngăn chặn dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn. Trong tháng 12/2020, giá cá tra thịt trắng loại 1 tại Đồng Tháp giảm 2.000 đ/kg so với cuối tháng 11/2020, xuống còn 21.000 đ/kg.
Từ ngày 10/11/2020, Trung Quốc đã áp dụng chế độ kiểm soát, xông khử trùng và truy xuất nguồn gốc 100% lô hàng thủy sản đông lạnh tại hầu hết các cảng lớn của nước này như: Thượng Hải, Vũ Hán, Thiên Tân, Thanh Đảo… Quá trình thực hiện việc lấy mẫu, trả mẫu kiểm tra, cấp giấy chứng nhận kéo dài khiến lượng hàng hóa lớn bị tắc tại cảng. Ngày 10/12/2020, Trung Quốc tiếp tục thông báo áp chế độ kiểm soát các lô hàng thanh long và thủy sản đông lạnh của Việt Nam nhập khẩu qua Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn của Việt Nam.
Mặt hàng cao su: Giá thu mua cao su của các công ty biến động trái chiều trong tháng 12/2020. Cụ thể, giá thu mua mủ nước tại vườn của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai tăng 3.100 đ/kg lên mức 37.500 đ/kg; giá thu mua các loại mủ chén khác dao động ở mức 8.700 - 12.500 đ/kg, tăng 800 đ/kg so với cuối tháng 11/2020. Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh đưa ra bảng giá thu mua với những điều chỉnh giảm từ 500 - 700 đ/kg so với cuối tháng 11/2020, dao động ở mức 7.900 - 11.500 đ/kg. Giá cao su trong nước giảm theo xu hướng chung của thị trường thế giới trong bối cảnh lo ngại nhu cầu cao su phục hồi chậm hơn khi một biến thể mới của virus corona đang lây lan nhanh chóng tại Anh khiến các quốc gia tại châu Âu tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tuy vậy, thị trường cao su vẫn được đánh giá tích cực khi bước sang năm 2021 bởi nguồn cung tại các nước Đông Nam Á giảm trong khi nhu cầu của Trung Quốc – thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới vẫn ở mức cao./.