Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 21-24/6/2021

Thứ bảy - 26/06/2021 14:10

(CTTĐTBP) - Kiên quyết ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm quy định về chống khai thác IUU; quy định mới về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; cơ chế quản lý tài chính đối với Sở Giao dịch chứng khoán; đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 21-24/6/2021.


Cơ chế quản lý tài chính đối với Sở Giao dịch chứng khoán

Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2021/NĐ-CP quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Theo quy định, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chỉ được đầu tư ra ngoài doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Hình thức và thẩm quyền đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Quy định mới về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) nhằm khắc phục những hạn chế tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.

Cụ thể, về nguồn tài chính, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định nguồn tài chính của đơn vị SNCL theo hướng tổng hợp chung tất cả các nguồn lực, chưa có sự tách bạch rõ nguồn thu từ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao và các hoạt động kinh doanh dịch vụ.

Để khắc phục hạn chế nêu trên, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP bổ sung quy định cụ thể nguồn tài chính của đơn vị SNCL theo hướng tách rõ nguồn thu. Cụ thể, nguồn thu hoạt động sự nghiệp gồm:

- Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công;

- Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công;

- Thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công.

Để bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất chung về việc phân phối kết quả từ hoạt động liên doanh liên kết của đơn vị SNCL, Nghị định 60/2021/NĐ-CP bổ sung quy định về tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết.

Kiên quyết ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm quy định về chống khai thác IUU

Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 17/CT-TTg về cơ chế phối hợp liên ngành giữa các ban, bộ, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển trong trao đổi, xử lý thông tin nhằm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) ở vùng biển nước ngoài.

Thủ tướng yêu cầu nguyên tắc trao đổi, xử lý thông tin:

a) Tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình.

b) Chủ động, thường xuyên trao đổi thông tin; đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời.

c) Bảo đảm sự đoàn kết, hỗ trợ, phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan.

d) Thông tin, dữ liệu trao đổi giữa các cơ quan chỉ sử dụng cho mục đích nghiệp vụ của cơ quan được cung cấp.

đ) Những trường hợp phát sinh trong quá trình phối hợp xử lý thông tin phải được bàn bạc, thống nhất giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2026”.

Đề án trên được tổ chức triển khai trong toàn hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, bao gồm Trung tâm Học viện, các Học viện Chính trị khu vực (I, II, III, IV), Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

Mục tiêu của Đề án là xây dựng hệ thống các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị một cách tổng thể, bảo đảm tính đồng bộ, khoa học, cập nhật và hiện đại (gồm khung chương trình, cấu trúc nội dung chuyên đề, bài giảng, giáo trình giảng dạy, giáo án điện tử...), đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ, công chức, viên chức trong bối cảnh đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Triển khai kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp

Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 82-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% công ty nông, lâm nghiệp được xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính, đất đai và kinh doanh có lãi; đạt được tiêu chí phổ biến về quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế.

Thủ tướng phê duyệt quy hoạch bảo quản, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên.

Mục tiêu của Quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, góp phần hình thành điểm thăm quan về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam, điểm du lịch văn hóa, lịch sử đặc sắc của tỉnh Thái Nguyên và vùng Việt Bắc.

Thành lập 2 Hội đồng thẩm định Báo cáo tiền khả thi 2 Dự án đường giao thông

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư và Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị-Chi Lăng) thuộc Dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo phương thức đối tác công tư.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Chủ tịch 2 Hội đồng trên. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên ngành.

Quy định mới về Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) các cấp trước bối cảnh, yêu cầu của thực tiễn triển khai công tác PBGDPL hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 21/2021/QĐ-TTg quy định mới về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Phối hợp PBGDPL thay thế Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19/5/2013 và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg ngày 20/9/2017.

Theo đó, Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương do Thủ tướng Chính phủ thành lập gồm:

Phó Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng. Bộ trưởng Bộ Tư pháp là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng. Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đồng thời, mời Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Theo quy định mới, Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương được bổ sung một số nhiệm vụ như: Tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng, thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL; truyền thông chính sách pháp luật để tạo sự thống nhất, đồng thuận xã hội, huy động nhân dân tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật hiệu quả; triển khai công tác PBGDPL trong các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng cần có sự phối hợp liên ngành để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tình hình thực tế

Văn phòng Chính phủ có Thông báo 167/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tại Thông báo này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng dịch bệnh lây lan thời gian qua có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cần phải đánh giá nghiêm túc, làm rõ nguyên nhân chủ quan, đúc rút thành bài học kinh nghiệm, nhất là từ những địa phương đã và đang có dịch với các địa phương chưa có dịch để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh 3 mục tiêu:

1- Ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi nhanh dịch bệnh, sớm ổn định tình hình, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường.

2- Bảo đảm mục tiêu kép: Phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân và bảo đảm điều kiện cho phục vụ sản xuất, kinh doanh; duy trì sản xuất, kinh doanh để có nguồn lực phòng, chống dịch và phục vụ nhân dân.

3- Tập trung hỗ trợ các tỉnh có tâm dịch, trước hết là Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương để dập dịch thành công, trong đó đặc biệt lưu ý đến mục tiêu ngăn chặn dịch lây lan vào các khu công nghiệp, bệnh viện.

Sớm ban hành Thông tư hướng dẫn đăng ký, lưu hành vaccine COVID-19

Văn phòng Chính phủ có Thông báo 168/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo về việc ban hành Thông tư hướng dẫn đăng ký, lưu hành trong trường hợp cấp bách đối với vaccine COVID-19 và Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 năm 2021.

Theo đó, về Dự thảo Thông tư hướng dẫn đăng ký, lưu hành trong trường hợp cấp bách đối với vaccine COVID-19 (Dự thảo Thông tư), Phó Thủ tướng kết luận: (i) Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về việc xây dựng Thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn (văn bản số 3614/VPCP-KGVX ngày 31/5/2021); (ii) Giao Bộ Tư pháp rà soát quy định của pháp luật hiện hành về thẩm quyền cấp đăng ký lưu hành thuốc để làm rõ thẩm quyền quyết định các nội dung liên quan đến quy định về Giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm và yêu cầu về thử nghiệm lâm sàng nêu tại Dự thảo Thông tư, gửi đến Bộ Y tế trong ngày 25/6/2021; (iii) Trên cơ sở đó, yêu cầu Bộ Y tế bám sát ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ý kiến các đại biểu dự họp để hoàn thiện Dự thảo Thông tư, bảo đảm khả thi, đáp ứng yêu cầu, ban hành sớm theo đúng quy định và thẩm quyền./.

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,085
  • Hôm nay90,767
  • Tháng hiện tại1,439,895
  • Tổng lượt truy cập446,835,017
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây