Hơn 9,87 triệu khách hàng đăng ký, sử dụng dịch vụ Mobile-Money
NHNN cho biết, thời gian qua, triển khai thực hiện Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money), các doanh nghiệp viễn thông được thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ này trên cơ sở tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng.
Sau thời gian gần 03 năm, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm đã nỗ lực phát triển dịch vụ và đạt được kết quả khả quan, đảm bảo an toàn, góp phần vào việc phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam.
Đến cuối tháng 9/2024, tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile-Money là hơn 9,87 triệu khách hàng (Viettel chiếm 73%, VNPT-Media chiếm 21%, MobiFone chiếm 6%), trong đó số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là gần 7,1 triệu khách hàng (chiếm 71,73% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ). Tổng số tài khoản Mobile-Money đang hoạt động đến cuối tháng 9/2024 là hơn 6,56 triệu tài khoản, đạt tỉ lệ khoảng 66,46% tổng số tài khoản đăng ký; có 11.939 điểm kinh doanh được thiết lập, trong đó số lượng điểm kinh doanh thuộc vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là 7.529 điểm, chiếm khoảng 63% tổng số điểm kinh doanh được thiết lập.
Tuy nhiên, dịch vụ Mobile-Money đang được các đơn vị tổ chức triển khai theo hình thức thí điểm với căn cứ là Quyết định số 316/QĐ-TTg, do đó, để chính thức đưa dịch vụ này chính thức trở thành một hình thức thanh toán hợp pháp, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho dịch vụ này bằng một Nghị định, làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện.
Tạo hành lang pháp lý chính thức cho một dịch vụ thanh toán mới Mobile-Money
Mục đích xây dựng xây dựng Nghị định nhằm tạo hành lang pháp lý chính thức cho một dịch vụ thanh toán mới (dịch vụ Mobile-Money), góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng; tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam.
Đồng thời, tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng.
Bên cạnh đó, nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile-Money, trách nhiệm của các bộ, cơ quan liên quan trong quản lý, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile-Money. Quy định cụ thể hóa các hành vi vi phạm, các điều kiện kinh doanh, các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ các bên liên quan,... làm cơ sở để cơ quan quản lý thực hiện chức năng quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile-Money.
Thiết lập và kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng của các chủ thể tham gia cung ứng dịch vụ.
Đề xuất 5 chính sách
Nội dung kết cấu của dự thảo Nghị định dự kiến gồm 5 Chương, 24 Điều, trong đó:
Chương I: Quy định chung (06 điều)
Chương II: Hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile-Money (18 điều)
Chương III: Trách nhiệm của các bên liên quan (13 điều)
Chương IV: Điều khoản thi hành (03 điều).
Nghị định được xây dựng với 5 nhóm chính sách chính như sau:
Chính sách 1: Chính sách về phạm vi điều chỉnh của Nghị định. Mục tiêu của chính sách là tạo lập khuôn khổ pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile-Money nhằm hạn chế rủi ro và sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ; quy định cụ thể về phạm vi áp dụng của Nghị định quy định về dịch vụ Mobile-Money.
Chính sách 2: Chính sách về đối tượng áp dụng và phạm vi cung ứng dịch vụ với mục tiêu mở rộng, cho phép các đối tượng khách hàng ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi người dân chưa có điều kiện tiếp cận dịch vụ tài chính (unbanked) và mạng lưới ngân hàng chưa thể vươn tới có thể sử dụng dịch vụ; tiết kiệm đáng kể chi phí và gia tăng trải nghiệm khách hàng sử dụng dịch vụ.
Chính sách 3: Chính sách về mở và sử dụng tài khoản Mobile-Money.
Chính sách 4: Chính sách về hồ sơ, trình tự thủ tục, điều kiện cung ứng dịch vụ Mobile-Money.
Chính sách 5: Chính sách về trách nhiệm của các bên liên quan.
Mời bạn đọc xem toàn văn hồ sơ đề nghị và góp ý tại đây./.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
https://baochinhphu.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-chinh-thuc-cho-dich-vu-dung-tai-khoan-vien-thong-thanh-toan-hang-hoa-dich-vu-102241105121348468.htm