Theo đó, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh là đơn vị sự nghiệp y tế, trực thuộc Sở Y tế tỉnh; cấp chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền cao nhất của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh có tư cách pháp nhân, có trụ sở làm việc tại địa bàn tỉnh, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh thực hiện khám bệnh, chữa bệnh đa khoa và phục hồi chức năng; khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền; đào tạo, chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật và là cơ sở thực hành về y, dược cổ truyền của các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe và các đơn vị có nhu cầu.
Cụ thể, về khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh với các hình thức điều trị ngoại trú, điều trị nội trú, điều trị ban ngày bằng các phương pháp, kỹ thuật chuyên môn của y học hiện đại và các phương pháp, kỹ thuật chuyên môn y học cổ truyền; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; chăm sóc, truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe theo quy định. Chú trọng sử dụng thuốc nam, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt và các phương pháp điều trị khác theo đúng quy chế chuyên môn; tổ chức khám và cấp Giấy khám sức khỏe theo quy định tại Thông tư số 32/2023/TT-BYT ngày 31/12/2023 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh có nhiệm vụ: Triển khai nghiên cứu khoa học, nghiên cứu kế thừa, nghiên cứu ứng dụng và kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại; phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức nghiệm thu, đánh giá tính an toàn và hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học về y, dược cổ truyền trong tỉnh; phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho Giám đốc Sở Y tế xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch bảo tồn, phát triển y, dược cổ truyền trên địa bàn; chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học, bảo tồn, kế thừa, ứng dụng theo quy định của pháp luật.
Trong công tác dược, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, lập dự trù hằng năm về dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu, thuốc hóa dược nhằm cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trình Giám đốc bệnh viện. Đồng thời, tổ chức chế biến, bào chế vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu đáp ứng nhu cầu của người bệnh và nhân dân trên địa bàn đáp ứng điều kiện theo quy định; tổ chức sắc thuốc thang cấp cho người bệnh điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày, điều trị nội trú...
Cơ cấu tổ chức
Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh có Giám đốc và các Phó giám đốc; Giám đốc chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Y tế và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của bệnh viện; Phó Giám đốc được Giám đốc phân công phụ trách từng lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về những lĩnh vực được phân công.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chức danh Giám đốc, các Phó Giám đốc thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ của tỉnh và theo quy định của pháp luật.
Phòng chức năng, Bộ phận chuyên môn
1. Đối với bệnh viện có quy mô từ 100 giường bệnh đến dưới 150 giường bệnh sẽ có 20 phòng chức năng, bộ phận chuyên môn sau:
- Phòng Tổ chức cán bộ,
- Phòng Kế hoạch tổng hợp - Công nghệ thông tin
- Phòng Hành chính Quản trị
- Phòng Vật tư thiết bị y tế
- Phòng Tài chính - Kế toán
- Phòng Đào tạo, Nghiên cứu khoa học, Chỉ đạo tuyến
- Phòng Điều dưỡng
- Khoa Khám bệnh đa khoa hoặc Khoa Khám bệnh
- Khoa Hồi sức cấp cứu hoặc Hồi sức tích cực – Chống độc
- Khoa Nội tổng hợp hoặc Khoa Nội – Lão khoa
- Khoa Nhi
- Khoa Ngũ quan
- Khoa Ngoại tổng hợp
- Khoa Phụ
- Khoa Châm cứu – Dưỡng sinh
- Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng hoặc Khoa Phục hồi chức năng
- Khoa Cận lâm sàng
- Bộ phận Kiểm soát nhiễm khuẩn
- Khoa Dược
- Khoa Dinh dưỡng
2. Đối với bệnh viện có quy mô từ 150 giường bệnh đến dưới 300 giường bệnh: Bao gồm các khoa, phòng nêu tại mục 1 và các khoa, phòng sau:
- Phòng Kế hoạch tổng hợp
- Phòng Công nghệ thông tin
- Phòng Quản lý chất lượng hoặc Bộ phận Quản lý chất lượng
- Phòng Công tác xã hội hoặc Bộ phận Công tác xã hội
- Khoa Hồi sức cấp cứu hoặc Hồi sức tích cực – Chống độc
- Khoa Lão
- Khoa Xét nghiệm
- Khoa Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng
- Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn
- Khoa Dược hoặc Trung tâm bào chế, chế biến thuốc cổ truyền
3. Đối với bệnh viện có quy mô từ 300 giường bệnh đến dưới 500 giường bệnh: Bao gồm các khoa, phòng quy định tại mục 2 và các khoa, phòng sau:
- Phòng Quản lý chất lượng
- Phòng Công tác xã hội
- Khoa Da liễu
- Khoa Ung bướu
4. Đối với bệnh viện có quy mô từ 500 giường bệnh đến dưới 1000 giường bệnh: Bao gồm các khoa, phòng quy định tại mục 3 và các khoa, phòng sau:
- Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc
- Khoa Hồi sức cấp cứu
- Khoa Nội
- Khoa Nội Tim mạch
- Khoa Nội Tiêu hóa
- Khoa Nội Cơ – xương – khớp
- Khoa Nội Thận – tiết niệu
- Khoa Nội tiết
- Khoa Thần kinh
- Khoa Tâm lý lâm sàng
- Khoa Dược hoặc Khoa Dược lâm sàng
- Trung tâm bào chế thuốc
5. Đối với bệnh viện có quy mô từ trên 1000 giường bệnh: Bao gồm các khoa, phòng quy định tại mục 4 và Trung tâm thử nghiệm lâm sàng.
Dự thảo nêu rõ: Nhân lực của Bệnh viện thực hiện theo hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/02/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Mời bạn đọc xem toàn văn và góp ý dự thảo TẠI ĐÂY./.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
https://baochinhphu.vn/de-xuat-nhiem-vu-co-cau-to-chuc-cua-benh-vien-y-hoc-co-truyen-tinh-102241108173252886.htm