Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay, việc quản lý về trợ giúp pháp lý được thực hiện ở Trung ương và địa phương. Ở Trung ương, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý. Ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Tính đến hết năm 2023, hệ thống có 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với 1.228 người làm việc (trong đó 676 trợ giúp viên pháp lý, 420 chuyên viên pháp lý, 61 kế toán và 71 người làm việc khác); 97 Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đặt ở cấp huyện, liên huyện. Bên cạnh đó, còn có 643 luật sư và 32 cộng tác viên ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; 174 tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý và 26 tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp.
Sau hơn 26 năm thành lập, đặc biệt là từ khi đổi mới công tác trợ giúp pháp lý và sau 6 năm triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đến nay, hệ thống trợ giúp pháp lý đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: Thể chế về trợ giúp pháp lý ngày càng được hoàn thiện; tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được sắp xếp, tăng cường; người thực hiện trợ giúp pháp lý ngày càng nâng cao chất lượng; hoạt động trợ giúp pháp lý ngày càng đi vào nề nếp, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là các vụ việc, nhất là các vụ việc tham gia tố tụng. Chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý được nâng cao, góp phần bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Truyền thông về trợ giúp pháp lý ngày càng hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng; ứng dụng công nghệ thông tin bước đầu để nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện trợ giúp pháp lý. Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trợ giúp pháp lý được tăng cường, đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp và vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn...
Bên cạnh đó, công tác trợ giúp pháp lý vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đòi hỏi cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả, vai trò của hoạt động trợ giúp pháp lý để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và yêu cầu của công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo yêu cầu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới" như sau:
- Thực tế vẫn còn một số đối tượng thực sự có nhu cầu trợ giúp pháp lý, không có đủ điều kiện để sử dụng dịch vụ pháp lý có thu phí nhưng chưa được quy định là người thuộc diện trợ giúp pháp lý như hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật bị buộc tội, người thuộc hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình hoặc trường hợp khác thực sự có nhu cầu trợ giúp pháp lý nhưng chưa được quy định thuộc diện trợ giúp pháp lý... Đồng thời, xét trong xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì có một vài diện người được trợ giúp pháp lý theo quy định hiện hành sẽ dần ít đi (ví dụ như người có công với cách mạng...), do đó cần nghiên cứu mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
- Số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng vẫn còn thấp so với số lượng người thuộc diện được trợ giúp pháp lý và số lượng án xét xử trong toàn quốc. Chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý còn chưa đồng đều. Số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan quản lý trợ giúp pháp lý đánh giá chưa được nhiều, công tác thẩm định, đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý còn chưa được quan tâm đúng mức...
- Nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý còn ít so với nhu cầu được trợ giúp pháp lý của người dân, nhất là số lượng Trợ giúp viên pháp lý ở một số địa phương còn chưa được bảo đảm, trong khi đó sự tham gia trợ giúp pháp lý của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, người hành nghề luật vẫn còn chừng mực. Việc đầu tư nguồn lực phát triển mạng lưới Chi nhánh trợ giúp pháp lý chưa bảo đảm.
- Kinh phí dành cho công tác trợ giúp pháp lý ở một số địa phương còn chưa được bố trí đầy đủ, nhất là so với nhu cầu vụ việc trợ giúp pháp lý; kinh phí triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình mục tiêu quốc gia cấp cho các địa phương theo mỗi chương trình khác nhau và chưa được đồng đều nên việc triển khai còn chưa được đồng bộ, kịp thời... Việc bố trí cơ sở vật chất ở một số Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước chưa được quan tâm đúng mức, nhất là cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động trợ giúp pháp lý, xây dựng điểm cầu thành phần và tham gia phiên tòa trực tuyến, phương tiện làm việc phục vụ hoạt động nghề nghiệp bảo đảm tính kịp thời, chủ động...
Xuất phát từ cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn và bối cảnh nêu trên, việc ban hành và tổ chức thực hiện Đề án "Nâng cao vai trò, hiện đại hóa, phát triển trợ giúp pháp lý đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" để triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới là cần thiết.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Nâng cao vai trò, hiện đại hóa, phát triển trợ giúp pháp lý đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" dự kiến gồm 3 điều:
Điều 1 phê duyệt Đề án "Nâng cao vai trò, hiện đại hóa, phát triển trợ giúp pháp lý đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" với những nội dung của Đề án.
Điều 2 về hiệu lực thi hành của Quyết định.
Điều 3 về các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thi hành Quyết định.
Một số nội dung cơ bản của Đề án
Mục tiêu đến năm 2030 như sau: Thể chế công tác trợ giúp pháp lý tiếp tục được hoàn thiện phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện và nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý. Mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Cơ quan có thẩm quyền về trợ giúp pháp lý ở Trung ương (Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp) và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ở địa phương được nâng cao năng lực. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, bố trí sử dụng nguồn lực đáp ứng yêu cầu công tác trợ giúp pháp lý; sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác trợ giúp pháp lý ngày càng chặt chẽ, tích cực.
Hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Dịch vụ công thiết yếu trợ giúp pháp lý được cung cấp theo phương thức đơn giản, thủ tục thuận tiện cho người dân, tăng mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trợ giúp pháp lý trên môi trường điện tử, ứng dụng các phương thức hiện đại kết nối với các dịch vụ, hoạt động của Chính phủ, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan, tổ chức có liên quan. 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý được xác định là dịch vụ công trực tuyến tại tất cả các địa phương và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Số hóa 100% hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý kết thúc.
Phấn đấu trở thành nước có hoạt động trợ giúp pháp lý phát triển trong khu vực, chủ động tích cực hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý với các quốc gia, tổ chức quốc tế.
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp./.