Dự thảo quy định thư viện trong Công an nhân dân có chức năng, nhiệm vụ:
1. Xây dựng, phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng Công an; xử lý, lưu giữ, bảo quản tài nguyên thông tin chuyên ngành an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong và nước ngoài; tài liệu nội sinh.
2. Thực hiện liên thông, chia sẻ tài nguyên thông tin giữa các thư viện trong và ngoài hệ thống; Tổ chức sử dụng chung tài nguyên thông tin, sản phẩm và dịch vụ thông tin - thư viện; truyền bá tri thức, giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại; phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ huy, nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác của Công an nhân dân.
3. Ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, hiện đại hóa thư viện.
4. Xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số chuyên ngành về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
5. Tổ chức các hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc và góp phần tạo môi trường học tập suốt đời, nâng cao đời sống văn hoá chính trị tinh thần, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, hình thành lối sống lành mạnh cho cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân.
Tiêu chí thành lập thư viện
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ quy hoạch tổ chức bộ máy, biên chế của Bộ Công an, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương ra quyết định thành lập thư viện của đơn vị mình, trong quyết định phải nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đối tượng phục vụ và phân công người phụ trách, thư viện được thành lập khi có đủ các điều kiện:
1. Mục tiêu, đối tượng phục vụ của thư viện.
2. Tài nguyên thông tin phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ của thư viện.
3. Trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm cho hoạt động thư viện.
4. Cán bộ, nhân viên có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với hoạt động thư viện.
5. Tùy theo nhu cầu và tình hình thực tế, Công an các đơn vị, địa phương thành lập thư viện, phòng đọc, tủ sách đảm bảo các yêu cầu, điều kiện thành lập thư viện lực lượng vũ trang nhân dân theo loại hình thư viện được quy định tại Nghị định số 93/2020/NĐ-CP ngày 18/8/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện.
Liên thông thư viện trong Công an nhân dân
Theo dự thảo, liên thông thư viện trong Công an nhân dân đảm bảo các nội dung liên thông theo luật thư viện quy định.
Liên thông thư viện thực hiện theo phương thức: a) Phát triển liên thông hệ thống thư viện trong Công an nhân dân theo phân cấp từ Bộ đến Công an đơn vị, địa phương; b) Liên thông hệ thống thư viện trong Công an nhân dân với các thư viện trên địa bàn đóng quân hoặc các thư viện cùng chuyên ngành/loại hình.
Liên thông thư viện thực hiện theo cơ chế sau đây: a) Tuỳ theo phân công, phân cấp và loại hình thư viện, các thư viện chủ động xây dựng, chia sẻ và khai thác tài nguyên thông tin, phối hợp thư viện Công an nhân dân và các thư viện có cùng loại hình xây dựng cơ sở dữ liệu thư viện dùng chung trong và ngoài hệ thống góp phần xây dựng dữ liệu số quốc gia.
b) Hợp tác với các thư viện trong và ngoài hệ thống trong việc bổ sung, mua quyền truy cập và chia sẻ tài nguyên thông tin nước ngoài, phù hợp nhu cầu, mục đích sử dụng của đơn vị và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí của ngân sách Bộ Công an và các nguồn khác (nếu có).
c) Tài nguyên thông tin được xây dựng từ ngân sách Bộ Công an phải được liên thông, chia sẻ giữa các thư viện trong hệ thống.
Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an./.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
https://baochinhphu.vn/nang-cao-chat-luong-hieu-qua-hoat-dong-thu-vien-trong-cong-an-nhan-dan-102240801083251969.htm