Bảo đảm quyền được hỗ trợ tiền đóng học phí nâng trình độ chuẩn của giáo viên

Thứ hai - 05/08/2024 08:24
(CTTĐTBP) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
gv 17225861908141685320259
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đã thực hiện được gần 04 năm và giúp tăng đáng kể tỷ lệ giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định. Nhiều địa phương đã đạt mục tiêu đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên giai đoạn 1 (2020 – 2025) và dự kiến sẽ hoàn thành lộ trình đào tạo trước thời hạn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 71/2020/NĐ-CP còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc sau:

(i) Thứ nhất, phương thức đào tạo nâng trình độ chuẩn khó thực hiện ở nhiều địa phương:

Khoản 1 Điều 7 Nghị định 71 quy định việc đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu giữa các địa phương với cơ sở đào tạo giáo viên trên cơ sở kế hoạch thực hiện hàng năm của các địa phương. Hiện tại, phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đang thực hiện theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Nhưng Nghị định 32 khi triển khai trong thực tiễn còn bất cập.

(ii) Thứ hai, nhiều giáo viên phải tự tìm cơ sở đào tạo, tự chi trả kinh phí đào tạo để đạt yêu cầu trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định.

Theo báo cáo của địa phương, thực tế có nhiều giáo viên phải tự tìm cơ sở đào tạo, tự túc kinh phí đào tạo, thậm chí có địa phương có 100% giáo viên thuộc đối tượng nâng trình độ chuẩn phải tự túc kinh phí. Theo số liệu thống kê từ báo cáo của địa phương, tính từ thời điểm triển khai Nghị định 71, số giáo viên tự túc kinh phí đi học nhiều hơn số giáo viên được cử đi và được hỗ trợ kinh phí theo quy định, cụ thể như sau:
screenshot 1722820956
Như vậy, quyền được hỗ trợ học phí của giáo viên khi tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định 71 không thực hiện được. Mục tiêu chuẩn hóa về trình độ đào tạo của đội ngũ mặc dù đang có kết quả, nhưng mục tiêu hỗ trợ kinh phí đào tạo để giảm bớt áp lực về kinh tế lên đội ngũ nhà giáo khi phải học tập nâng trình độ chuẩn theo yêu cầu mới của Ngành thì chưa được đảm bảo.

(iii) Thứ ba, giáo viên mầm non chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo không được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP.

Xuất phát từ căn cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn nêu trên, việc Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP là việc cần thiết để bảo đảm quyền được hỗ trợ tiền đóng học phí, quyền được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian đào tạo nâng trình độ chuẩn của đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập, dân lập, tư thục và bảo đảm đạt mục tiêu 100% giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019.

Tập trung vào 03 chính sách nhằm khắc phục vướng mắc

Theo dự thảo, nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 03 chính sách nhằm khắc phục vướng mắc trong quá trình triển khai thực tiễn. Cụ thể như sau:

- Sửa đổi, bổ sung phương thức đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên (sửa đổi, bổ sung Điều 7 Nghị định 71):

+ Bỏ phương thức đấu thầu, giữ lại phương thức giao nhiệm vụ và đặt hàng cơ sở đào tạo theo kế hoạch được phê duyệt;

+ Bổ sung quy định giáo viên được chủ động lựa chọn, đăng ký học nâng trình độ chuẩn trực tiếp với cơ sở đào tạo công lập khi ngành hoặc chuyên ngành mà giáo viên đăng ký đào tạo không đủ điều kiện để địa phương mở lớp theo phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng. Việc đào tạo nâng trình độ chuẩn phải được sự đồng ý bằng văn bản của hiệu trưởng hoặc giám đốc cơ sở giáo dục nơi giáo viên đang công tác và báo cáo cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở giáo dục.

- Bổ sung quy định thanh toán học phí đào tạo cho những giáo viên (thuộc đối tượng được đào tạo theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP) đã tự đi học và được cấp bằng kể từ ngày 01/7/2020.

- Bổ sung quy định trong thời gian thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo, những giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019, làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp được hưởng chính sách theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định còn sửa đổi, bổ sung một số quy định khác có liên quan và để bảo đảm thực hiện đồng bộ với 03 nội dung sửa đổi nêu trên. Chẳng hạn: sửa đổi, bổ sung quy định về kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên phù hợp với các phương thức đào tạo sửa đổi; sửa đổi quyền của giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn để bảo đảm quyền được thanh toán học phí đào tạo nâng trình độ chuẩn; bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính để các phương thức đào tạo được triển khai thuận lợi hơn trong thực tiễn; bỏ các từ "đấu thầu" trong quy định tại Nghị định 71 để bảo đảm phù hợp với việc điều chỉnh phương thức đào tạo.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập894
  • Hôm nay22,346
  • Tháng hiện tại7,114,629
  • Tổng lượt truy cập490,978,067
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây