Hoàn thiện pháp luật về dẫn độ phù hợp với bối cảnh, tình hình mới

Thứ ba - 11/07/2023 08:23
(CTTĐTBP) -  Bộ Công an đang dự thảo Hồ sơ xây dựng Luật Dẫn độ để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
 
dando 16889847529591658380122
Ảnh minh họa

Bộ Công an cho biết, từ khi Luật Tương trợ tư pháp (Luật TTTP) và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành, hoạt động dẫn độ đã có nhiều chuyển biến, hỗ trợ tích cực cho hoạt động tố tụng của cơ quan Nhà nước Việt Nam và nước ngoài trong việc giải quyết các vụ án, trừng trị nghiêm minh các đối tượng phạm tội, qua đó bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm sự ổn định xã hội, trật tự, kỷ cương.

Tuy nhiên, cùng với những yêu cầu mới phát sinh của quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế, yêu cầu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, sau hơn 14 năm thực hiện, Luật TTTP đã bộc lộ những hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dẫn độ, gồm: Luật TTTP điều chỉnh bốn lĩnh vực nhưng mỗi lĩnh vực lại có phạm vi điều chỉnh, đối tượng tác động, mục đích và bản chất khác nhau, gồm TTTP về dân sự, TTTP về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù nên Luật khó bảo đảm áp dụng đồng bộ, dẫn đến việc các quy định chung của Luật không điều chỉnh được những đặc thù riêng trong từng lĩnh vực...

Một số quy định của Luật TTTP về dẫn độ chưa tương thích với pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế (ĐƯQT) mà Việt Nam là thành viên hoặc chưa được nội luật hóa trong Luật TTTP, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai tổ chức thực hiện…; chưa thống nhất với quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan hoặc các quy định trong BLTTHS năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan chưa được cụ thể hóa trong Luật TTTP…

Một số quy định trong Luật TTTP còn mâu thuẫn với nhau như quy định về hợp pháp hoá lãnh sự đối với giấy tờ, tài liệu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài...; chưa phù hợp với thực tiễn và điều kiện thực tế ở Việt Nam, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện như: quy định cơ quan quản lý công tác dẫn độ (Bộ Tư pháp) không đồng thời là Cơ quan trung ương, cơ quan đầu mối về hoạt động dẫn độ (Bộ Công an); quy định trách nhiệm chủ trì đề xuất áp dụng nguyên tắc có đi có lại của Bộ Ngoại giao; quy định về ngôn ngữ và thời hạn xử lý hồ sơ và các vấn đề khác liên quan đến việc bảo đảm điều kiện về con người…; chưa dự báo được hết các vấn đề có thể phát sinh trên thực tế như: giải quyết trường hợp yêu cầu dẫn độ của nhiều nước đối với một người mà yêu cầu dẫn độ được gửi đến sau khi Tòa án nhân dân có thẩm quyền đã thụ lý yêu cầu dẫn độ trước; giải quyết trường hợp người bị dẫn độ là công dân Việt Nam bị nước ngoài yêu cầu dẫn độ để thi hành án; giải quyết trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn khỏi Việt Nam trước khi có căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn; việc kết hợp thủ tục dẫn độ và thủ tục yêu cầu nước ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự trong TTTP về hình sự…

Trong bối cảnh đó, đòi hỏi pháp luật về dẫn độ phải là khuôn khổ pháp luật đồng bộ, hiện đại, phù hợp với thực tiễn và xu thế quốc tế, tạo thuận lợi tối đa cho hợp tác tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài. Vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về dẫn độ là yêu cầu khách quan nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong hoạt động dẫn độ. Việc xây dựng Luật Dẫn độ là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hoàn thiện pháp luật TTTP, về cải cách tư pháp, về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phù hợp với cách tiếp cận chung hiện nay của thế giới trong lĩnh vực TTTP là phân tách các ĐƯQT trong từng lĩnh vực cụ thể cũng như xây dựng các luật riêng trong từng lĩnh vực cụ thể.

Bên cạnh đó, theo Bộ Công an, việc xây dựng Luật dẫn độ sẽ được thực hiện trên cơ sở tách các quy định về dẫn độ trong Luật TTTP năm 2007, có sửa đổi, kế thừa các quy định về dẫn độ còn phù hợp của Luật TTTP, đồng thời với việc nghiên cứu nội luật hoá quy định của ĐƯQT về dẫn độ, luật hoá các vấn đề phát sinh từ thực tiễn công tác dẫn độ và đồng bộ hoá giữa các quy định của Luật dẫn độ mới với các đạo luật chuyên ngành có liên quan đến dẫn độ ở Việt Nam.

Đánh giá tác động của chính sách

Trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật và thông lệ quốc tế, quá trình đàm phán, ký các hiệp định song phương về dẫn độ và thực tiễn triển khai thực hiện công tác dẫn độ cùng với các quy định pháp luật trong nước; sau khi tham khảo các ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, học giả, Ban soạn thảo đã xác định được các chính sách quan trọng cần được đánh giá tác động, cụ thể là:

Chính sách 1: Hoàn thiện pháp luật về dẫn độ phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; nội luật hóa quy định của điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; luật hóa những vấn đề phát sinh từ thực tiễn trong dẫn độ.

Chính sách 2: Hoàn thiện quy trình, thủ tục thực hiện dẫn độ.

Chính sách 3: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành trong thực hiện dẫn độ.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5,116
  • Hôm nay400,909
  • Tháng hiện tại8,003,682
  • Tổng lượt truy cập453,398,804
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây