Dự thảo Nghị định quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp

Thứ ba - 16/05/2023 15:26

(CTTĐTBP) - Bộ Tư pháp đang dự thảo Nghị định quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.

Dự thảo Nghị định này quy định về các nguyên tắc, nội dung, hình thức và quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức Việt Nam trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.

Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 73-KL/TW xác định những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Theo đó, cần tiếp tục tăng cường, đổi mới hiệu quả quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, trong đó giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, thực hiện các giải pháp để đảm bảo an ninh chính trị, độc lập, chủ quyền trong hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, chú trọng lựa chọn và thúc đẩy những nội dung hợp tác mà Việt Nam cần; quan tâm hợp tác các nội dung để hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi và bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm; chú trọng nâng cao vai trò làm chủ, chủ động của phía Việt Nam trong lựa chọn đối tác, nội dung, hình thức hợp tác; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vi phạm.

Đồng thời, qua hơn 8 năm thi hành Nghị định số 113/2014/NĐ-CP đã đạt được những kết quả nhất định như quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật được tăng cường, đi vào nền nếp; hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương bám sát, phù hợp với định hướng, nguyên tắc của Đảng và Nhà nước, qua đó đã hỗ trợ tích cực cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật và tư pháp, trình độ hiểu biết cũng như kỹ năng của các chuyên gia pháp luật Việt Nam đã được nâng lên đáng kể, tiếp cận được với những kiến thức, kinh nghiệm quốc tế phục vụ công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số quy định của Nghị định số 113/2014/NĐ-CP còn chưa phù hợp và việc triển khai thi hành Nghị định số 113/2014/NĐ-CP còn một số khó khăn, vướng mắc như sau:

- Phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 113/2014/NĐ-CP chưa rõ ràng, còn có sự trùng lặp về quy trình, thủ tục thực hiện một số hoạt động hợp tác quốc tế đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác như việc lập, phê duyệt chương trình, dự án, phi dự án về pháp luật có sử dụng nguồn vốn ODA nên khi pháp luật chuyên ngành về ODA có sự thay đổi đã khiến cho quy định của Nghị định 113/2014/NĐ-CP không đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan.

- Quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong quản lý, thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật chưa được rõ ràng, cụ thể, chủ yếu gắn với trách nhiệm về quản lý, sử dụng vốn ODA mà chưa gắn với những đặc thù, tác động của hợp tác quốc tế về pháp luật.

- Việc thực hiện Nghị định số 113/2014/NĐ-CP có nơi, có lúc còn lúng túng, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương ở một số nơi còn thiếu chặt chẽ, ảnh hưởng đến hiệu quả hợp tác cũng như công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật.

- Nhận thức và việc tuân thủ các quy định của Nghị định số 113/2014/NĐ-CP chưa có sự đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức, địa phương. Các điều kiện bảo đảm để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật (bao gồm cả nguồn nhân lực và ngân sách) còn hạn chế.

Trên cơ sở những vướng mắc, tồn tại nêu trên, Bộ Tư pháp đã có Tờ trình số 38/TTr-BTP ngày 12/8/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 113/2014/NĐ-CP và Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 5695/VPCP-PL thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 113/2014/NĐ-CP.

Với cơ sở chính trị, pháp lý và thực tế nêu trên, việc xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 113/2014/NĐ-CP là cần thiết để đảm bảo cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng trong hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật trong đó chú trọng thực hiện các nhiệm vụ về bảo đảm lợi ích quốc gia-dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền trong hoạt động xây dựng pháp luật, thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, trật tự và phòng ngừa những nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn có thể có trong hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật.

Nguyên tắc trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp

Theo đó, dự thảo Nghị định quy định nguyên tắc trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp như sau: tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đảm bảo độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Chủ động đề xuất, thực hiện và quản lý các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, chủ trương, định hướng của Đảng về đối ngoại, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quy định pháp luật có liên quan.

Bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả, thiết thực và trách nhiệm giải trình trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp. Thủ trưởng cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan trung ương của các tổ chức và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình theo quy định pháp luật liên quan.

Nội dung và hình thức hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp

Hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp bao gồm các hoạt động trong các lĩnh vực sau: a) Xây dựng pháp luật; b) Thi hành pháp luật; c) Chia sẻ, nâng cao kiến thức, năng lực trong lĩnh vực pháp luật; d) Cải cách tư pháp, bao gồm hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp, cơ quan thi hành án, bổ trợ tư pháp, đào tạo các chức danh tư pháp và nghề tư pháp.

Hình thức hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp: a) Ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; b) Xây dựng và thực hiện các dự án, phi dự án; c) Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn hoặc các khóa bồi dưỡng theo hình thức gặp gỡ trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam hoặc theo hình thức trực tuyến với ít nhất một điểm cầu thuộc lãnh thổ Việt Nam; d) Cung cấp chuyên gia pháp luật, văn bản, tài liệu pháp luật.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,189
  • Hôm nay70,073
  • Tháng hiện tại1,825,536
  • Tổng lượt truy cập447,220,658
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây