(CTTĐTBP) - Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.
Dự thảo nêu rõ trình tự, thủ tục xác định công nghệ. Theo đó, nhà đầu tư nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc cổng dịch vụ công trực tuyến 01 bộ hồ sơ đề nghị xác định công nghệ đến Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Sở Khoa học và Công nghệ thuộc UBND cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP (Cơ quan chủ trì) để được xem xét, xác định công nghệ.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ: Bộ Khoa học và Công nghệ gửi hồ sơ đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan để lấy ý kiến phối hợp; Sở Khoa học và Công nghệ thuộc UBND cấp tỉnh gửi hồ sơ đến Sở Tài Nguyên và Môi trường và cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc UBND cấp tỉnh để lấy ý kiến phối hợp.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến bằng văn bản về việc xác định công nghệ, gửi Cơ quan chủ trì.
Trường hợp cơ quan phối hợp có văn bản đề nghị nhà đầu tư bổ sung giải trình hoặc sửa đổi, bổ sung hồ sơ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của cơ quan phối hợp, Cơ quan chủ trì có văn bản đề nghị nhà đầu tư giải trình, sửa đổi, bổ sung nội dung của hồ sơ.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đầy đủ các ý kiến của các cơ quan phối hợp (và giải trình, sửa đổi, bổ sung hồ sơ của nhà đầu tư nếu có), Cơ quan chủ trì có văn bản xác định công nghệ nêu rõ dự án đầu tư có hoặc không sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trong hoạt động xác định công nghệ, hướng dẫn các địa phương thực hiện xác định công nghệ theo quy định.
Tổ chức giám định thực hiện giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư theo quy định; bảo đảm nguyên tắc độc lập, khách quan, khoa học trong hoạt động; tuân thủ quy định của pháp luật về giám định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của kết quả giám định; đồng thời chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động giám định.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.