Đề xuất quy định về dịch vụ công tác xã hội trong cơ sở khám, chữa bệnh

Thứ sáu - 27/09/2024 09:10
(CTTĐTBP) - Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn công tác xã hội trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
ctxh 17273408876571044725426
Bộ Y tế đề xuất quy định về dịch vụ công tác xã hội trong cơ sở khám, chữa bệnh

Theo dự thảo, công tác xã hội trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là hoạt động trợ giúp người bệnh, thân nhân người bệnh và nhân viên y tế giải quyết các vấn đề tâm lý xã hội để hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh.

Dịch vụ công tác xã hội trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề tâm lý xã hội của người bệnh, thân nhân người bệnh (người bệnh). Dịch vụ công tác xã hội trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: dịch vụ công tác xã hội cơ bản và dịch vụ công tác xã hội chuyên môn sâu.

Các dịch vụ công tác xã hội cơ bản trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Dự thảo nêu rõ, các dịch vụ công tác xã hội cơ bản trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do người làm công tác xã hội thực hiện, bao gồm một hoặc nhiều dịch vụ công tác xã hội sau:

1- Hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về công tác xã hội cho người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm:

- Tư vấn, cung cấp thông tin, giới thiệu về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh và hỗ trợ giải đáp ý kiến thắc mắc của người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh.

- Cung cấp các dịch vụ trợ giúp khẩn cấp cho người bệnh (đặc biệt là trẻ em) là nạn nhân của bạo lực, bạo hành, xâm hại, thảm họa hoặc nghi ngờ là nạn nhân của bạo lực, bạo hành, xâm hại và các trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp khác:

Đánh giá nguy cơ, nhu cầu của người bệnh; sàng lọc và phân loại người bệnh. Trường hợp cần thiết thì chuyển gửi người bệnh tới các cơ quan chức năng có liên quan.

Đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp của người bệnh về chăm sóc y tế, nước uống, thực phẩm, quần áo, đồ dùng thiết yếu, hỗ trợ về tâm lý xã hội trong khả năng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Tổ chức hỏi thăm người bệnh để đánh giá nhu cầu; sàng lọc, phân loại người bệnh; đề xuất lập hồ sơ quản lý trường hợp cần sử dụng dịch vụ công tác xã hội chuyên môn sâu (trong trường hợp cần thiết và phù hợp).

- Hỗ trợ, tư vấn cho người bệnh về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người bệnh, các chương trình, chính sách xã hội về bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội trong khám bệnh, chữa bệnh.

- Kết nối người bệnh được tiếp cận các dịch vụ, nguồn lực tại địa phương (nếu có).

- Phối hợp, hướng dẫn các tổ chức, tình nguyện viên có nhu cầu thực hiện, hỗ trợ về công tác xã hội trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2- Thực hiện, phối hợp với các khoa, phòng liên quan triển khai thực hiện công tác truyền thông của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

- Truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh.

- Xây dựng nội dung, tài liệu để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, các dịch vụ và hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đến người bệnh và cộng đồng thông qua tổ chức các hoạt động, chương trình, sự kiện, hội nghị, hội thảo;

- Cập nhật và tổ chức phổ biến các chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác khám chữa bệnh và dịch vụ công tác xã hội cho người bệnh.

3- Vận động tiếp nhận tài trợ: Thực hiện vận động, tiếp nhận tài trợ về kinh phí, vật chất theo các quy định hiện hành để hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, người bệnh không có khả năng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh và người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo.

4- Đào tạo, bồi dưỡng:

- Tổ chức, tạo điều kiện cho người làm công tác xã hội và người hành nghề công tác xã hội của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tham gia đào tạo, cập nhật kiến thức công tác xã hội, kiến thức cơ bản về y tế, bồi dưỡng về chuyên môn kỹ thuật, đạo đức nghề nghiệp.

- Tổ chức cập nhật kiến thức công tác xã hội và cấp giấy chứng nhận cập nhật kiến thức công tác xã hội.

- Tổ chức việc thực hành công tác xã hội và cấp giấy xác nhận thực hành công tác xã hội.

Các dịch vụ công tác xã hội chuyên môn sâu trong cơ sở khám, chữa bệnh

Theo dự thảo, các dịch vụ công tác xã hội chuyên môn sâu trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do người hành nghề công tác xã hội chủ trì, phối hợp với nhân viên y tế và nhân viên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện, bao gồm một hoặc nhiều dịch vụ sau: phòng ngừa, can thiệp, trị liệu tâm lý xã hội, tư vấn, tham vấn, hỗ trợ tâm lý xã hội cho người bệnh.

Quy trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội chuyên môn sâu

Theo dự thảo, quy trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội chuyên môn sâu trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo 5 bước như sau:

- Bước 1. Tiếp nhận, thu thập thông tin và đánh giá nhu cầu trợ giúp của người bệnh: Thu thập các thông tin cơ bản của người bệnh, thân nhân người bệnh và các thông tin liên quan khác của người bệnh (nếu có); đánh giá toàn diện nhu cầu trợ giúp của người bệnh (theo thứ tự ưu tiên); tổ chức sàng lọc và phân loại người bệnh.

- Bước 2. Xây dựng kế hoạch trợ giúp đối với người bệnh: Xây dựng kế hoạch trợ giúp phù hợp với người bệnh và nhu cầu của người bệnh; chủ trì, phối hợp với người bệnh và các cá nhân, tổ chức liên quan để xây dựng cụ thể về mục tiêu, nội dung hoạt động, khung thời gian, nguồn lực để xây dựng kế hoạch trợ giúp người bệnh; lập hồ sơ quản lý trường hợp.

- Bước 3. Thực hiện kế hoạch trợ giúp người bệnh: Bao gồm thực hiện một hoặc nhiều dịch vụ công tác xã hội chuyên môn sâu sau: phòng ngừa, can thiệp, trị liệu tâm lý xã hội, tư vấn, tham vấn, hỗ trợ tâm lý xã hội cho người bệnh thông qua sự phối hợp với các khoa, phòng, đơn vị trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức có liên quan ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Bước 4. Theo dõi, rà soát, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch trợ giúp.

- Bước 5. Kết thúc quá trình trợ giúp và lưu trữ hồ sơ.

Hình thức tổ chức, nhân lực thực hiện dịch vụ công tác xã hội trong cơ sở khám, chữa bệnh

Về hình thức tổ chức, theo dự thảo, căn cứ quy mô giường bệnh, điều kiện về nhân lực, kinh phí và phạm vi hoạt động chuyên môn, Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ đạo tổ chức thực hiện hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định tổ chức thực hiện một trong các mô hình dịch vụ công tác xã hội sau đây: 1- Tổ Công tác xã hội; 2- Phòng Công tác xã hội; 3- Trung tâm Công tác xã hội.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bố trí bộ phận hỗ trợ khẩn cấp (có sự phối hợp giữa các khoa, phòng, đơn vị) cho người bệnh (đặc biệt là trẻ em) là nạn nhân của bạo lực, bạo hành, xâm hại, thảm họa hoặc nghi ngờ là nạn nhân của bạo lực, bạo hành, xâm hại và các trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp khác.

Dự thảo nêu rõ, việc bố trí số lượng nhân lực thực hiện dịch vụ công tác xã hội của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/02/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Nhân lực thực hiện dịch vụ công tác xã hội của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các viên chức, người lao động có chuyên ngành công tác xã hội; chuyên ngành khoa học sức khỏe, chuyên ngành khoa học xã hội và các chuyên ngành phù hợp khác được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công tác xã hội.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
https://baochinhphu.vn/de-xuat-quy-dinh-ve-dich-vu-cong-tac-xa-hoi-trong-co-so-kham-chua-benh-102240926160013889.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,152
  • Hôm nay45,700
  • Tháng hiện tại7,137,983
  • Tổng lượt truy cập491,001,421
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây