Dự thảo bổ sung Điều 6a quy định: Lựa chọn đối tác để thực hiện liên doanh, liên kết khi sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết như sau:
Nguyên tắc lựa chọn đối tác để thực hiện liên doanh, liên kết: Tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm theo đúng tiêu chí quy định tại khoản 3 Điều 47 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, khoản 42 Điều 1 Nghị định số 114/2024/NĐ-CP và Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; Bảo đảm tính chính xác, độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan; Tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia liên doanh, liên kết tự chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của các thông tin trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn và phải chịu hậu quả bất lợi do kê khai không đầy đủ, không chính xác thông tin quy định.
Đơn vị có tài sản liên doanh, liên kết thông báo công khai về việc lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, khoản 42 Điều 1 Nghị định số 114/2024/NĐ-CP trong thời hạn ít nhất là 03 ngày làm việc trước ngày quyết định lựa chọn.
Trên cơ sở các hồ sơ đăng ký tham gia liên doanh, liên kết của các tổ chức, cá nhân, đơn vị có tài sản tự đánh giá hoặc thành lập tổ đánh giá để chấm điểm theo tất cả các tiêu chí quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
Đánh giá tiêu chí lựa chọn đối tác liên doanh liên kết theo phương pháp chấm điểm
Cụ thể, việc đánh giá tiêu chí lựa chọn đối tác liên doanh liên kết được thực hiện theo phương pháp chấm điểm với thang điểm tối đa là 100 điểm chia cho 5 nhóm tiêu chí:
Nhóm tiêu chí cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc liên doanh, liên kết (20/100 điểm): Nhóm tiêu chí này bao gồm cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc liên doanh, liên kết nhằm xác định mức độ sẵn sàng cho việc liên doanh, liên kết, tránh trường hợp đối tác không có các cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp.
Nhóm tiêu chí năng lực, kinh nghiệm của đối tác đăng ký tham gia liên doanh, liên kết (30/100 điểm): Nhóm tiêu chí này bao gồm thời gian hoạt động trong lĩnh vực liên quan, số lượng công nhân viên và lao động theo hợp đồng của tổ chức, kết quả kinh doanh trong lĩnh vực liên quan và mức thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc mức đóng góp vào ngân sách nhà nước trong năm trước liền kề.
Nhóm tiêu chí này nhằm đánh giá kinh nghiệm của đối tác trong lĩnh vực liên doanh liên kết, khả năng sẵn sàng về nhân lực, năng lực kinh doanh trong lĩnh vực liên doanh liên kết và mức đóng góp vào ngân sách nhà nước. Qua đó, lựa chọn được đơn vị có trách nhiệm đóng góp cho ngân sách và có năng lực kinh doanh.
Nhóm tiêu chí hiệu quả của phương án tài chính (30/100 điểm): Nhóm tiêu chí này nhằm đảm bảo đối tác phải đề xuất rõ ràng các nội dung của phương án tài chính về các khoản doanh thu, các khoản chi phí và chênh lệch thu chi và cam kết chia sẻ lợi nhuận. Từ đó, tăng cường tính cam kết về lợi nhuận và số tiền thu được về cho đơn vị thông qua hoạt động liên doanh, liên kết.
Nhóm tiêu chí phương án xử lý tài sản sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết (10/100 điểm): Trong quá trình liên doanh, liên kết có khả năng phát sinh việc hình thành tài sản. Theo quy định thì tài sản hình thành trong quá trình liên doanh, liên kết được phân chia cho các bên theo tỷ lệ góp vốn. Tuy nhiên, trường hợp đối tác chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước thì sẽ được ưu tiên hơn so với các trường hợp khác.
Các tiêu chí khác (10/100 điểm): Để đảm bảo quyền của đơn vị sự nghiệp công lập trong lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết phù hợp với mục đích liên doanh, liên kết, tình hình thực tế của đơn vị, dự thảo quy định nhóm tiêu chí khác để đơn vị sự nghiệp công lập tự xác định.
Lựa chọn tổ chức, cá nhân có tổng số điểm cao nhất của tất cả các tiêu chí cộng lại
Tổ chức, cá nhân được lựa chọn là tổ chức, cá nhân có tổng số điểm cao nhất của tất cả các tiêu chí cộng lại. Trường hợp có từ hai tổ chức, cá nhân trở lên có tổng số điểm cao nhất bằng nhau lựa chọn tổ chức, cá nhân có điểm số phương án tài chính cao hơn; trường hợp phương án tài chính bằng điểm nhau thì đơn vị có tài sản xem xét, quyết định lựa chọn một trong các tổ chức đó.
Trường hợp hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia liên doanh, liên kết mà chỉ có một tổ chức, cá nhân đăng ký thì đơn vị có tài sản xem xét, quyết định lựa chọn tổ chức, cá nhân đó nếu đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 3 Điều 47 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, khoản 42 Điều 1 Nghị định số 114/2024/NĐ-CP, Thông tư này và pháp luật có liên quan.
Trường hợp trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ mà tổ chức, cá nhân thuộc một trong các trường hợp quy định dưới đây thì thực hiện như sau:
a) Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm quy định trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động liên doanh, liên kết thì cứ mỗi hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân đó bị trừ 5% tổng số điểm;
b) Tổ chức, cá nhân bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật về tội vi phạm quy định trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động liên doanh, liên kết thì tổ chức, cá nhân đó bị trừ 20% tổng số điểm;
c) Tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp đã bị từ chối xem xét, đánh giá hồ sơ đề nghị tham gia liên doanh, liên kết do cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo thông tin về tiêu chí trong hồ sơ đăng ký tham gia liên doanh, liên kết thì tổ chức, cá nhân đó bị trừ 70% tổng số điểm.
Từ chối đánh giá hồ sơ của tổ chức, cá nhân cố ý cung cấp thông tin không chính xác
Dự thảo nêu rõ, trường hợp có cơ sở xác định tổ chức, cá nhân cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo thông tin về tiêu chí trong hồ sơ thì đơn vị có tài sản từ chối xem xét, đánh giá hồ sơ của tổ chức, cá nhân đó.
Sau khi có kết quả lựa chọn đối tác tham gia liên doanh, liên kết mà đơn vị có tài sản nhận được thông tin của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc có kết quả xác minh khẳng định tổ chức, cá nhân được lựa chọn cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo thông tin về tiêu chí trong hồ sơ đăng ký tham gia thì thực hiện như sau:
a) Trường hợp chưa ký hợp đồng liên doanh, liên kết thì đơn vị có tài sản hủy bỏ kết quả lựa chọn tổ chức, cá nhân đó:
b) Trường hợp đã ký hợp đồng liên doanh, liên kết thì đơn vị có tài sản hủy bỏ kết quả lựa chọn tổ chức, cá nhân đó; đồng thời đơn phương chấm dứt hợp đồng liên doanh, liên kết đối với tổ chức, cá nhân đó trong trường hợp tại Hợp đồng liên doanh, liên kết có nội dung thỏa thuận về vấn đề này hoặc đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu theo quy định của pháp luật.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
https://baochinhphu.vn/de-xuat-quy-dinh-moi-ve-lua-chon-doi-tac-lien-doanh-lien-ket-su-dung-tai-san-cong-102240925085953769.htm