Theo Bộ Công Thương, về cơ bản nội dung tại Chương II được kế thừa các quy định tại Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện và Nghị định số 51/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định đề xuất bổ sung thêm các quy định mới. Cụ thể, dự thảo đề xuất bổ sung quy định chi tiết về bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, đường cáp điện ngầm, trạm điện và công trình nguồn điện. Đây là những quy định trước đây đã từng được quy định tại Luật Điện lực năm 2004, nhưng Luật Điện lực mới đã rút ngắn để giao Chính phủ quy định chi tiết.
Dự thảo cũng đề xuất bổ sung quy định về hành lang bảo vệ an toàn đối với công trình điện gió (cả trên đất liền và trên biển).
Bên cạnh đó, dự thảo không đưa các quy định cụ thể về đền bù, bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất trong hành lang bảo vệ an toàn như đã quy định tại Nghị định14/2014/NĐ-CP và Nghị định 51/2020/NĐ-CP (do Điều 68 Luật Điện lực mới đã quy định việc bồi thường hỗ trợ đất trong hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực được thống nhất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Hiện nay đã có quy định chi tiết tại Nghị định số 88/2024/NĐ-CP).
Bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không
Về bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, dự thảo nêu rõ: Chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành công trình lưới điện có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn đối với công trình lưới điện thuộc phạm vi quản lý bao gồm khu vực thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện.
Trước khi xây dựng mới hoặc cơi nới, sửa chữa, cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không thì tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thỏa thuận bằng văn bản với đơn vị quản lý lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn đường dây dẫn điện trên không.
Trường hợp hai bên không thỏa thuận được về các biện pháp bảo đảm an toàn đường dây dẫn điện trên không thì đơn vị quản lý lưới điện thông báo cho chính quyền địa phương để giải quyết. Cơ quan cấp phép xây dựng chỉ cấp phép khi chủ đầu tư xây dựng nhà ở, côngtrình cung cấp văn bản thỏa thuận với đơn vị quản lý lưới điện.
Không cho phép tồn tại nhà ở và công trình có người sinh sống, làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp từ 500kV trở lên, trừ những công trình chuyên ngành phục vụ vận hành lưới điện đó.
Tổ chức, cá nhân khi tiến hành các công việc trên mặt đất, dưới lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không phải có sự thỏa thuận với đơn vị quản lý, vận hành công trình lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn.
Đường ra vào trạm điện phải bảo đảm cho phương tiện cứu hộ, chữa cháy di chuyển khi thực hiện nhiệm vụ
Đối với bảo vệ an toàn trạm điện, dự thảo Nghị định đề xuất quy định: Không được xây dựng nhà ở, công trình và trồng các loại cây khi ngã đổ vi phạm hành lang bảo vệ an toàn trạm điện; không xâm phạm đường ra vào của trạm.
Nhà và công trình xây dựng gần hành lang bảo vệ an toàn của trạm điện phải đảm bảo không làm hư hỏng bất kỳ bộ phận nào của trạm điện; không xâm phạm đường ra vào trạm điện; đường cấp thoát nước của trạm điện, hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm và đường dây dẫn điện trên không của trạm điện; không làm cản trở hệ thống thông gió của trạm điện; không để cho nước thải xâm nhập làm hư hỏng công trình điện.
Đường ra vào trạm điện phải bảo đảm cho phương tiện cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy di chuyển khi thực hiện nhiệm vụ. Cường độ điện trường tại khu vực có người thường xuyên làm việc trong trạm điện phải bảo đảm không vượt quá 5 kV/m.
Chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý vận hành trạm điện có trách nhiệm thực hiện đo, vẽ bản đồ cường độ điện trường. Tại các khu vực có cường độ điện trường lớn hơn 5 kV/m phải áp dụng quy định về thời gian cho phép làm việc trong một ngày làm việc theo quy định.
Hành lang bảo vệ an toàn công trình điện gió
Theo dự thảo Nghị định, hành lang bảo vệ an toàn công trình điện gió được xác định gồm: hành lang bảo vệ an toàn cột tháp gió, hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm hoặc cáp điện trên không từ cột tháp gió đến trạm biến áp, hành lang bảo vệ an toàn trạm biến áp và hành lang bảo vệ đường dây truyền tải, phân phối của công trình điện gió đến điểm đấu nối.
Đối với công trình điện gió trên đất liền hoặc gần bờ, hành lang bảo vệ an toàn cột tháp gió là nửa hình cầu có tâm là tâm của chân cột tháp gió, bán kính bằng khoảng cách tối đa từ tâm của chân cột tháp đến mép ngoài cùng cánh quạt tua bin.
Đối với công trình điện gió ngoài khơi, hành lang bảo vệ an toàn cột tháp gió là vùng xung quanh cột tháp gió có phạm vi 500m tính từ điểm nhô ra xa nhất của cột tháp gió, nhưng không có lãnh hải và các vùng biển riêng.
Không thiết lập vành đai an toàn xung quanh công trình điện gió trên biển ở nơi có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế.
Chủ đầu tư công trình điện gió trên biển phải có trách nhiệm thiết lập, duy trì hệ thống quản lý an toàn bảo đảm kiểm soát các rủi ro trong toàn bộ hoạt động của công trình điện gió trên biển, thiết lập các đăng tiêu và thực hiện thông báo hàng hải theo quy định pháp luật về hàng hải để cảnh báo cho các tàu thuyền hoạt động gần khu vực biết.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
https://baochinhphu.vn/de-xuat-quy-dinh-moi-bao-ve-an-toan-cong-trinh-dien-luc-102241220171123942.htm