(CTTĐTBP) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và các biện pháp thi hành của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư
Dự thảo Nghị định này quy định chi tiết một số điều và các biện pháp thi hành của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, gồm: Bảo đảm cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư; Ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư; Chi phí trong lựa chọn nhà đầu tư; Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư; Phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu trong lựa chọn nhà đầu tư; Hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh; Yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm của thành viên tổ chuyên gia, tổ thẩm định trong lựa chọn nhà đầu tư; Xử lý tình huống trong lựa chọn nhà đầu tư; Thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và xử lý vi phạm; Lựa chọn nhà đầu tư qua mạng.
9 nhóm dự án phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư
Dự thảo Nghị định nêu rõ các dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực quy định tại điểm b khoản 3 Luật Đấu thầu, gồm:
1. Dự án [thí điểm] kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế theo quy định của pháp luật về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.
2. Dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.
3. Dự án xây dựng công trình quảng cáo đối với trường hợp địa điểm quảng cáo trong quy hoạch theo quy định của pháp luật về quảng cáo.
4. Dự án kinh doanh, khai thác quản lý chợ theo quy định của pháp luật về phát triển và quản lý chợ.
5. Dự án nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm theo quy định của pháp luật giao thông đường thủy nội địa.
6. Dự án công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay theo quy định của pháp luật về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.
7. Dự án công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.
8. Trường hợp doanh nghiệp liên doanh, liên kết với nhà đầu tư khác để thực hiện dự án đầu tư khi chuyển mục đích sử dụng đất.
9. Dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện dự án tại một địa điểm, gồm:
a) Dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường theo quy định của pháp luật về khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
b) Dự án đầu tư trường đua ngựa, đua chó, trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó theo quy định pháp luật về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế;
c) Dự án xây dựng nhà ở xã hội; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu
Nhà đầu tư tham dự thầu được đánh giá là độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu tư vấn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu quy định tại khoản 5 Điều 6 của Luật Đấu thầu khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
Nhà đầu tư tham dự thầu không có cổ phần hoặc vốn góp với nhà thầu tư vấn sau: Nhà thầu tư vấn thẩm tra, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, hồ sơ thiết kế, dự toán; Nhà thầu tư vấn lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm; lập, thẩm định hồ sơ mời thầu; đánh giá hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, hồ sơ dự thầu; thẩm định kết quả mời quan tâm, thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Nhà đầu tư tham dự thầu và nhà thầu tư vấn quy định nêu trên không cùng có tỷ lệ sở hữu từ 30% vốn cổ phần, vốn góp trở lên của một tổ chức, cá nhân khác đối với từng bên.
Trường hợp nhà đầu tư tham dự thầu với tư cách liên danh hoặc nhà thầu tư vấn được lựa chọn với tư cách liên danh, tỷ lệ sở hữu vốn của tổ chức, cá nhân khác trong liên danh được xác định bằng tổng tỷ lệ cổ phần, vốn góp tương ứng của từng thành viên trong liên danh.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.