Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực tăng trưởng nền kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân. Tuy nhiên, quá trình phát triển nền kinh tế công nghiệp đã tạo ra nhiều áp lực lên môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng sống của cộng đồng. Trước thực tế này, đòi hỏi Việt Nam phải đưa ra các biện pháp cụ thể để tập hợp và huy động các nguồn lực để quản lý và hạn chế các tác động tiêu cực với môi trường, bảo đảm sức khỏe của con người và các sinh vật khác.
Liên quan đến nguồn lực về bảo vệ môi trường đã được quy định cụ thể tại Điều 148, Luật Bảo vệ Môi trường và Điều 153, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường. Ban Quản lý Khu kinh tế giới thiệu một số quy định liên quan đến nguồn lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường như sau:
1. Ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho bảo vệ môi trường.
Ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho bảo vệ môi trường bao gồm các nội dung sau:
- Chi sự nghiệp bảo vệ môi trường: bao gồm chi thực hiện nhiệm vụ của trung ương và chi thực hiện nhiệm vụ của địa phương.
- Chi các hoạt động kinh tế.
- Chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
- Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ.
- Chi quản lý hành chính.
2. Ngân sách nhà nước chi đầu tư phát triển cho bảo vệ môi trường:
- Chi thực hiện nhiệm vụ của trung ương.
- Chi thực hiện nhiệm vụ của địa phương.
3. Nguồn vốn xã hội hóa cho bảo vệ môi trường:
- Nguồn vốn của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường.
- Nguồn đóng góp, tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
Việc huy động nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường quy định tại Điều 151 và Điều 152, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan, trừ các nhiệm vụ quy định tại các điểm a, b và c khoản 9 Điều 151, điểm a và điểm b khoản 9 Điều 152, các nhiệm vụ bảo vệ môi trường thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng, nhiệm vụ thực hiện cần bảo đảm bí mật nhà nước.
Bộ Tài chính ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành hướng dẫn việc lập, phân bổ dự toán ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về bảo vệ môi trường; hướng dẫn mức chi, phương pháp lập dự toán đối với các nhiệm vụ chi từ nguồn sự nghiệp bảo vệ môi trường.
Tố Như