Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số là công cụ quan trọng để hỗ trợ thực thi công lý

Thứ năm - 20/06/2024 08:39
(CTTĐTBP) - Ngày 16/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã dự Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành của ngành tòa án nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành của ngành tòa án nhân dân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
    Hội nghị do Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức, kết nối trực tuyến với hơn 800 điểm cầu tòa án nhân dân các cấp trong toàn quốc. Cùng dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và ngành tòa án.
    Tại Hội nghị các đại biểu được giới thiệu khung chuyển đổi số cấp bộ, ngành; kết quả công tác chuyển đổi số của ngành tòa án nhân dân và phương hướng nhiệm vụ thời gian tới; bài học kinh nghiệm từ thành công chuyển đổi số của ngành tòa án.
    Hội nghị cũng nghe các tham luận với các chủ đề "xét xử trực tuyến, bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống tòa án", "Trợ lý ảo - công cụ đắc lực cho thẩm phán", "Quản lý hoạt động tố tụng trên nền tảng số góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của tòa án"… Đặc biệt, Hội nghị được xem trực tiếp một số phiên tòa xét xử trực tuyến đang diễn ra tại một số địa phương.
    Tích cực triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp
    Thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng nền tư pháp nói chung, ngành tòa án nhân dân nói riêng và Chương trình chuyển đổi số quốc gia, thời gian qua, ngành tòa án nhân dân tích cực triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp, xét xử góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành tòa án nhân dân.
    Trong đó, ngành đã triển khai xây dựng nhiều nền tảng số trong quản lý hoạt động của ngành tòa án nhân dân như: Về các hoạt động tố tụng, quản lý công việc, công tác chỉ đạo điều hành, quản lý nhân sự, quản lý và lưu trữ hồ sơ vụ án, quản lý tài sản, họp, hội nghị trực tuyến, thống kê, tổng hợp, giám sát thông tin về tòa án trên không gian mạng và giám sát và điều hành hoạt động tòa án nhân dân…
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số là công cụ quan trọng để hỗ trợ thực thi công lý - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
    Ngành tòa án đã đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm cung cấp dịch vụ tư pháp công theo hướng hiện đại, thuận lợi, tiết kiệm và công khai, minh bạch trên môi trường điện tử; triển khai nhiều dịch vụ tư pháp công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, với hơn 1,4 triệu bản án, quyết định được công bố và phục vụ hơn 180 triệu lượt truy cập tra cứu, khai thác.
    Cùng với đó, xét xử trực tuyến đã được triển khai tại tòa án các cấp, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội. Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, tòa án nhân dân các cấp đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức xét xử trực tuyến được gần 20.000 vụ án, tiết kiệm khoảng 100 tỷ đồng.
    Ngành tòa án bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo và xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán; đã tích hợp trên 168.000 văn bản, trên 1,4 triệu bản án, trên 24.000 câu giải đáp tình hình pháp lý. Đến nay đã có trên 5,7 triệu lượt hỏi đáp, trung bình từ 10.000-15.000 lượt/ngày.
Thủ tướng cho biết công tác xây dựng tòa án điện tử luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tiến trình cải cách tư pháp... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
    Chuyển đổi số đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng đối tượng
    Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là xu thế tất yếu và là yêu cầu khách quan trong công cuộc phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chuyển đổi số là công việc vừa mang tính chiến lược lâu dài, vừa phải thường xuyên theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và triển khai quyết liệt, hiệu quả, thực chất.
    "Việt Nam xác định chuyển đổi số phải toàn dân, toàn diện, với người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực. Do đó, chuyển đổi số đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng đối tượng", Thủ tướng cho biết.
    Theo Thủ tướng Chính phủ, Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, làm cơ sở để chuyển đổi cách sống, làm việc và phương thức sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp dựa trên công nghệ số.
    Thời gian qua, công tác chuyển đổi số quốc gia được tập trung chỉ đạo, có bước chuyển biến rất tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các nền tảng chuyến đổi số quốc gia được củng cố và phát triển trên tất cả 6 phương diện: thể chế số, hạ tầng số, dữ liệu số, dịch vụ số, kỹ năng số và bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.
    Đến nay, có 81,7% hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng rộng, 100% xã, phường, thị trấn kết nối Internet cáp quang; 82,9% thuê bao di động đã sử dụng điện thoại thông minh.
    Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối, chia sẻ với 18 bộ, cơ quan và 63 địa phương. Đã đơn giản hóa 763/1.084 (trên 70%) thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Cung cấp hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
    Hiện, có 77% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và trên 1 triệu đối tượng chính sách đã nhận trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản. Thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử được triển khai mạnh mẽ. Hiện có 8,2 triệu khách hàng sử dụng Mobile Money.
    Đề án 06 đã cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu, tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng/năm. Triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp điện tử tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế. Đến nay 100% học sinh nộp hồ sơ và xét điểm ưu tiên thông qua dữ liệu dân cư; 100% các cơ sở khám chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt…
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
    Xây dựng tòa án điện tử là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt
    Thủ tướng cho biết công tác xây dựng tòa án điện tử luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tiến trình cải cách tư pháp - là nhiệm vụ cấp thiết để hệ thống tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào pháp luật, vào công lý và sự ưu việt của chế độ ta.
    Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và chúc mừng những kết quả đạt được của ngành tòa án nhân dân, nhất là trong công tác chuyển đổi số; góp phần quan trọng đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ công lý, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
    Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ một số khó khăn, thách thức trong chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số ngành tòa án nhân dân nói riêng như công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế phục vụ chuyển đổi số còn chậm; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính chưa đáp ứng nhu cầu; chất lượng cung cấp dịch vụ tư pháp công trực tuyến chưa cao; hạ tầng số chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu, số hóa dữ liệu còn nhiều hạn chế; an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức…
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
    Xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá và chuyển đổi số là công cụ quan trọng
    Chỉ rõ nhiều bài học kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn, Thủ tướng Chính phủ trước hết nhấn mạnh, người đứng đầu có vai trò quyết định; phải luôn quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là nhiệm vụ xây dựng tòa án điện tử theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương.
    Thứ hai, phải luôn nâng cao hiệu lực, hiệu quả và chất lượng hoạt động tư pháp, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp; xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm; coi xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá và nhấn mạnh chuyển đổi số là công cụ quan trọng để hỗ trợ thực thi công lý.
    Thứ ba, phải luôn nâng cao năng lực quản trị tòa án trên nền tảng số, cung cấp cho người dân nhiều dịch vụ tư pháp tiện ích, góp phần năng cao chất lượng hoạt động, xây dựng hình ảnh tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân; bảo vệ công lý cho nhân dân; bảo vệ công bằng, quyền con người, quyền công dân.
    Thứ tư, phải luôn ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, tính chính xác các phán quyết, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm, bảo đảm thấu tình, đạt lý, nhân văn, thuyết phục, xây dựng ngành tòa án nhân dân ngày càng hiện đại, tiến cùng, bắt kịp, vượt lên với xu hướng phát triển của Việt Nam và trên thế giới.
    Thứ năm, mỗi cán bộ, công chức ngành tòa án nhân dân, nhất là người đứng đầu phải coi việc đẩy nhanh chuyển đổi số và xây dựng tòa án điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, đồng thời đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực vào quá trình tất yếu này.
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình tặng Thủ tướng bộ sách lịch sử ngành tòa án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
    Theo Thủ tướng, thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp; nhìn chung khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; những yếu tố mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập sẽ ngày càng tác động sâu rộng, nhất là trong điều kiện nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu còn hạn chế. Do đó, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành toà án nhân dân là rất quan trọng, rất vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề.
    Mong muốn ngành tòa án tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành tòa án nhân dân là "Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư", hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành tòa án tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số - coi đây là một trong những công cụ quan trọng nhất, hỗ trợ đắc lực nhất, hiệu quả nhất trong tất cả các mặt công tác của ngành toà án nhân dân.
    Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành tòa án tiếp tục phát huy mạnh mẽ chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử với tinh thần "5 đẩy mạnh" gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng trong xây dựng tòa án điện tử và bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin trong mọi tình huống; đẩy mạnh tạo lập dữ liệu số, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ liên tục, thông suốt, đồng bộ để nâng cao năng lực quản trị và thực thi của tòa án trên nền tảng số; đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số và bồi dưỡng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển tòa án điện tử; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong ngành tòa án nhân dân để mọi cán bộ, công chức, thẩm phán đồng lòng hưởng ứng tham gia tiến trình chuyển đổi số và xây dựng tòa án điện tử.
Thủ tướng và các đại biểu dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
    Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành tòa án nhân ân, phát triển tòa án điện tử. Trong đó, sớm trình Quốc hội thông qua Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), tạo tiền đề cho các hoạt động tố tụng trực tuyến; quy định về chứng cứ điện tử; cơ sở khoa học và tính pháp lý của phục hồi chứng cứ điện tử, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể tiến hành tố tụng điện tử.
    Cùng với đó, đổi mới mô hình hoạt động sang quản lý trên nền tảng số; tăng cường công khai, minh bạch các hoạt động của tòa án, nhất là trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân Tối cao và các trang thông tin điện tử của các tòa án nhân dân cấp cao, tòa án các cấp.
    Nâng cao năng lực quản trị, thực thi tòa án trên nền tảng số; đẩy mạnh hiện đại hóa ngành tòa án nhân dân, nhất là phát triển hạ tầng số; xây dựng trung tâm dữ liệu, số hóa hồ sơ, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu; phấn đấu 100% các lĩnh vực công tác của tòa án nhân dân được chuyển đổi, quản trị thống nhất trên nền tảng số.
    Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh khai thác, sử dụng, phát triển nền tảng xét xử trực tuyến, hướng tới 100% tòa án nhân dân đủ điều kiện về trang thiết bị, nhân lực tổ chức xét xử trực tuyến được phép; sớm nghiên cứu đề xuất hoàn thiện nền tảng pháp lý về tố tụng điện tử.
    Đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ tư pháp công trực tuyến, đơn giản hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân; đồng thời nghiên cứu tích hợp với ứng dụng định danh cá nhân giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi mà không cần đến trực tiếp tòa án.
    Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, ngành toà án nhân dân sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW của Trung ương, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là: "Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân"./.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,163
  • Hôm nay223,547
  • Tháng hiện tại9,670,287
  • Tổng lượt truy cập493,533,725
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Bqlkkt_phong chong covid
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây