TRUYỀN THỐNG 76 NĂM CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LĨNH VỰC CÔNG TÁC DÂN TỘC (03/5/1946 - 03/5/2022)

Thứ sáu - 29/04/2022 16:27
        Ngày 3/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58/SL thành lập Bộ Nội vụ, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số - tổ chức tiền thân của Ủy ban Dân tộc ngày nay. Sau nhiều lần đổi tên, ngày 23/10/1992, thực hiện Thông báo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã quyết định hợp nhất Ban Dân tộc Trung ương với Văn phòng Miền núi và Dân tộc thành Ủy ban Dân tộc và Miền núi. Ngày 16/5/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2003/NĐ-CP đổi tên Ủy ban Dân tộc và Miền núi thành Ủy ban Dân tộc như hiện nay. Ngay những ngày đầu, cơ quan nhà nước về quản lý công tác dân tộc đã có chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác vận động đồng bào các dân tộc nhận rõ âm mưu chia rẽ của kẻ thù, tập hợp Nhân dân tham gia các tổ chức, đoàn thể, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, bảo vệ cơ sở cách mạng, làm cho vùng dân tộc thực sự là chỗ dựa vững chắc của Đảng và Chính phủ.

Các thành viên Chính phủ Liên hiệp kháng chiến (Ảnh tư liệu)
 
        Năm xưa, Bình Phước là chiến trường diễn ra cuộc chiến tranh ác liệt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh, sau này là Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã vận động đồng bào các dân tộc thiểu số theo Đảng, theo Bác Hồ, đoàn kết Kinh-Thượng, xóa bỏ hiềm khích, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tập trung chống kẻ thù xâm lược giành độc lập, tự do, bảo vệ chính quyền, thống nhất đất nước.
       Trước sự đàn áp, bóc lột và cai trị hà khắc của thực dân Pháp, sau đó là đế quốc Mỹ, đồng bào dân tộc thiểu số tại đây cùng với người dân Bình Phước đã nghe theo Đảng và Bác Hồ không ngừng nổi dậy đấu tranh đánh đuổi kẻ thù xâm lược, không sợ hy sinh, gian khổ làm nên những trang sử chói lọi không thể nào quên, như: khẩu hiệu của đồng bào S’tiêng sóc Bom Bo năm 1963 “toàn sóc Bom Bo giã gạo nuôi quân”, từ người già, trẻ nhỏ, gái trai đồng lòng giã gạo phục vụ bộ đội. Hay những đóng góp to lớn của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lộc Ninh tạo nên sức mạnh Chiến thắng ở chiến trường Lộc Ninh ngày 7-4-1972, trở thành huyện đầu tiên ở miền Nam được giải phóng, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với chiến trường miền Nam mà trực tiếp là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước… Yêu nước, căm thù giặc, gắn bó với quê hương và khát khao hòa bình, tự do, nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã hăng hái lên đường, trở thành bộ đội địa phương, dân quân, du kích, sát cánh cùng bộ đội chủ lực anh dũng, kiên cường đấu tranh giải phóng quê hương. Khi Mỹ - ngụy liên tục càn phá, muốn đẩy dân vào ấp chiến lược để tiêu diệt cách mạng, cắt đứt tình quân dân, vây bắt và khủng bố liên miên thì cả già trẻ, gái trai các dân tộc thiểu số đã âm thầm băng rừng vượt suối vào căn cứ theo cách mạng. Ở vùng đất mới, bà con bắt tay vào xây dựng lán trại, lao động sản xuất và đánh giặc. Thanh niên thì vào bộ đội, đi du kích, làm giao liên, còn phụ nữ và trẻ em thì ngày đêm giã gạo nuôi quân. Đồng bào dân tộc thiểu số không kể già, trẻ, gái, trai đã tham gia vào chiến dịch giải phóng miền Nam theo cách riêng của mình. Nhà nào cũng có con nuôi, em nuôi là bộ đội. Cứ sáng sớm, mỗi nhà đều có một lu nước sạch, một ít trái cây, không thì rổ khoai mì luộc bưng ra ven rừng, ven lộ đưa cho bộ đội. Nhà của đồng bào lúc nào cũng chật chội vì không đủ cho bộ đội về đóng quân. Các phương tiện vận tải như xe đạp, xe thồ, xe máy, xe bò, xe kéo đều được huy động phục vụ bộ đội. Hàng ngàn đồng bào đã xung phong đi dân công hỏa tuyến…
          Nhìn lại chặng đường lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, đồng bào các dân tộc Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Phước nói riêng đã có những đóng góp lớn lao bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với lòng dũng cảm hy sinh của quân dân cả nước, chúng ta đã đánh thắng thực dân và đế quốc xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thu non sông gấm vóc về một mối, viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Đại biểu là dân tộc thiểu số tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước
lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025
 
          Trải qua 76 năm, từ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, cơ quan công tác dân tộc trở thành một bộ phận quan trọng của Mặt trận Dân tộc thống nhất, vừa tổ chức tham mưu về dân tộc của Chính phủ kháng chiến, vừa vận động đồng bào các dân tộc huy động sức người, sức của ủng hộ kháng chiến, mặt khác vận động các tộc trưởng, tù trưởng, phìa tạo... đi theo kháng chiến, đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc thống nhất.
 

Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức buổi họp mặt, ôn ngày truyền thống
cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc

 
         Tiếp nối truyền thống tự hào, cùng với sự phát triển và hội nhập của đất nước, cơ quan công tác dân tộc đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, đưa công tác dân tộc lên một tầm cao mới. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp ngày càng trưởng thành về mọi mặt; ngày càng nỗ lực phát huy ưu điểm, khắc phục khó khăn, hạn chế; phấn đấu làm được nhiều điều hơn nữa cho đồng bào các dân tộc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhờ những chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng, công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi của nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Hiện nay, diện mạo nông thôn vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đã thay đổi căn bản; đời sống của đồng bào các DTTS từng bước được cải thiện; trình độ dân trí được nâng lên, tập quán và kỹ thuật sản xuất của đồng bào DTTS có sự chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa; tỷ lệ thôn bản có điện, đường, lớp học, nhà văn hóa, công trình thủy lợi tăng lên; đội ngũ cán bộ cơ sở được bồi dưỡng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được tăng cường; niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố.
         Từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay, và đặc biệt là từ khi tái lập tỉnh Bình Phước (tháng 01/1997), Cơ quan công tác dân tộc đã tham mưu Đảng bộ, UBND các cấp luôn quan tâm đến công tác dân tộc và chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Công tác quản lý nhà nước về dân tộc đã đạt được một số kết quả quan trọng: Công tác quy hoạch, kế hoạch, phân vùng phát triển kinh tế - xã hội được tăng cường và đổi mới; năng lực của cán bộ cơ quan công tác dân tộc được nâng lên rõ rệt; sự phối hợp giữa cơ quan công tác dân tộc và các địa phương, đơn vị ngày càng chặt chẽ.

Ông Ma Ly Phước - Tỉnh Ủy viên, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy
(Nguyên Trưởng Ban Dân tộc), trao Dê giống cho hộ DTTS tại xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh năm 2020
 
          Thông qua thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế…, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt được những thành tựu to lớn tương đối toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; các nguyên tắc về “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển”, quyền của các dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, toàn diện hơn; đoàn kết các dân tộc được tăng cường; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư; kinh tế phát triển theo hướng nhiều thành phần và sản xuất hàng hóa; sự nghiệp giáo dục, y tế, có tiến bộ; văn hóa truyền thống của các dân tộc được tôn trọng giữ gìn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện, nâng cao; tinh thần đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số được giữ vững; quan hệ đối ngoại nhân dân đồng bào các dân tộc thiểu số với nhân dân nước bạn Campuchia được tốt đẹp, tạo điều kiện để tỉnh Bình Phước phát triển bền vững và thực hiện tốt chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Trưởng Ban Dân tộc Lý Trọng Nhân và Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Ma Ly Phước
cùng lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo UBND xã Đường 10, khởi công

đường giao thông nông thôn tại xã Đường 10, huyện Bù Đăng năm 2020

            Trong 22 năm đã giúp 41 xã thoát nghèo, 44 xã không còn khó khăn, giảm hơn 21.300 hộ dân tộc thiểu số đói nghèo (23.000 hộ đói nghèo năm 1998 giảm còn 1.803 hộ nghèo cuối năm 2021). Giai đoạn 2016-2021 đã có 06 xã, 38 thôn hoàn thành Chương trình 135 (60% số xã; 44% số thôn); giảm 28 xã khó khăn; 70 xã hoàn thành CTMTQG xây dựng Nông thôn mới./.
 

Tác giả: Phòng Tuyên truyền và Địa bàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập947
  • Hôm nay103,964
  • Tháng hiện tại10,994,805
  • Tổng lượt truy cập470,887,492
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây