Cụ thể hóa quan điểm, đường lối, định hướng và nội dung Nghị quyết Đại hội XIII, đáp ứng yêu cầu phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Bình Phước đã có những hướng đi sáng tạo, phù hợp, bảo đảm nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và góp phần vào sự đổi thay của tỉnh và đất nước. Hiện nay, vùng lõi nghèo, chậm phát triển của cả nước là vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Vì vậy, nếu vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển, sẽ góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện mục tiêu chung của quốc gia. Để thúc đẩy vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển, từ ngày 18/11/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Đề án cũng được tiến hành tại Bình Phước và có những tiến triển khả quan.
KHỞI SẮC Ở KHU ĐỊNH CANH ĐỊNH CƯ
Sau gần 10 năm về vùng kinh tế mới, gia đình ông Kim Phi Công ở khu định công định cư xã Lộc Thành đã thật sự thay da đổi thịt. Ngôi nhà đại đoàn kết được cấp từ năm 2014 nay được ông Công sửa sang, hoàn thiện lại, kiên cố, khang trang và hiện đại hơn. Trong ngôi nhà mới, ông cũng đã sắm sửa, trang bị nhiều thiết bị đáp ứng đầy đủ nhu cầu vật chất và hưởng thụ tinh thần của các thành viên trong gia đình. Có được cơ ngơi đó là cả một quá trình dài, ông Phi Công cùng gia đình không ngừng đổi mới sáng tạo và chăm chỉ trong lao động sản xuất. Ông Công chia sẻ: Khi về định cư ở đây, ngoài việc hỗ trợ nhà ở, 1 ha đất công tác, chúng tôi còn được hỗ trợ cặp bò sinh sản. Song sau ba năm chăn nuôi không mang lại hiệu quả cao, tôi xin chuyển đổi sang chăn nuôi dê sinh sản và thương phẩm. Nguồn vốn từ việc bán bò, tôi đầu tư chuồng trại, con giống chăm sóc đàn dê. Hiện nay, sau những đợt xuất bán, đàn dê còn 12 con bao gồm cả đực cái để vừa tạo giống tăng đàn vừa xuất bán dê thịt cho thương lái. Nhờ sự quan của Đảng, Nhà nước đã luôn tạo bệ đỡ kịp thời để gia đình chúng tôi nỗ lực vươn lên thay đổi cách nhìn, cách nghĩ tìm tới cuộc sống tươi đẹp, giàu mạnh hơn. Hiện nay, ông Công là một trong những hộ có đời sống khá trong vùng góp sức làm thay đổi diện mạo khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Kim Phi Công, khu định công định cư xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh
bên căn nhà mới đã sửa lại căn nhà mới khang trang, hiện đại
Ông Điểu Phước cũng về định cư tại dự án 33 xã Lộc Thành từ năm 2014. Bên cạnh được cấp đất, cấp nhà, ông cũng như bao hộ dân ở khu định công định cư xã Lộc Thành được cấp bò sinh sản để tạo cơ nghiệp. Chăn nuôi trâu bò là phương thức phát triển kinh tế truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng. Cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ xã, ông Điểu Phước đã chăm sóc cặp bò sinh trưởng, phát triển tốt và không ngừng tăng đàn từ 2 con bê ban đầu lên 6 con như hiện nay. Niềm vui lớn là đàn bò giúp tăng thu nhập cho gia đình. Ông Phước cho biết, giá thị trường hiện nay một con bê con khoảng 9-10 triệu đồng, con bò trị giá khoảng 12-15 triệu đồng/con. Cùng với 1 ha điều cho thu nhập mỗi mùa vụ khoảng 40-50 triệu đồng cũng đủ để gia đình ông Điểu Phước thoát ra khỏi dông sách hộ nghèo của xã.
Ông Điểu Phước, khu định công định cư xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh
chăm chỉ chăm sóc đàn bò sinh sản cũng mang lại ổn định cuộc sống nơi vùng đất mới
Ông Nguyễn Cao Thanh Sang, Phó bí thư Thường trực xã Lộc Thành, cho biết: Khu định công định cư xã Lộc Thành có 62 hộ dân là đồng bào S’tiêng và Khmer không có đất ở, đất sản xuất từ các xã Lộc Thiện và Lộc Thành được tập hợp, đoàn kết về đây sinh sống. Bên cạnh việc được cấp nhà ở, 1 ha đất sản xuất, các hộ dân sinh sống tại đây còn được trao phương tiện sản xuất, con giống để thay đổi cuộc sống. Đến nay, sự thay da đổi thịt với hệ thống cơ sở vật chất khang trang từ đường sá, điện lưới, hệ thống đèn năng lượng mặt trời, nước sinh hoạt và các nhu cầu sinh hoạt khác đều tăng cao. Trong khu định công định cư đã không còn hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều. Có thể nói, dự án định công định cư càng khẳng định, chính sách mà Đảng, Nhà nước luôn quyết tâm thực hiện đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực khó khăn là một chủ trương đúng đắn và hợp lòng dân.
THAY ĐỔI CÁCH NGHĨ, NẾP SỐNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Giúp dân thay đổi dần những thói quen cũ ảnh hưởng đến môi trường sống, xây dựng thôn sóc xông sạch đẹp, nâng cao sức khỏe cộng đồng, thời gian qua toàn huyện Lộc Ninh đã kiên quyết và hoàn thành di dời 100% chuồng, trại, điểm buộc gia súc gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn 15/15 xã của huyện. Hoàn thành mục tiêu đó, UBND huyện đã bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách, lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án và huy động các tổ chức, cá nhân trong huyện hỗ trợ vật tư, thiết bị, phương tiện và công lao động. Lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, chính quyền các cấp cũng đã phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, già làng, người có uy tín tích cực vận động, tuyên truyền, gắn với kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Ông Nguyễn Cao Thông Sang, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, cho biết: trong thời gian thực hiện di dời chuồng trại gia súc ra khỏi khu dân cư, cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã phải nằm trong ban chỉ đạo và thường trực có mặt tại các điểm, thôn, ấp đông đồng bào thiểu số có số lượng gia súc lớn. Và chúng tôi tập trung di dời những hộ có số lượng đàn gia súc cao trước, những hộ có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trước. Sau đó, tiếp tục di dời những chuồng trại khác. Và do đặc thù của địa phương, nên xã đã chủ trương di dời trên 115 hộ có chuồng trại, với hơn 1000 con trâu bò di dời ra khỏi khu dân cư gây ô nhiễm môi trường về một điểm tập trung gần bờ hồ của xã. Và chủ trương đó cũng tạo được sự đồng thuận trong đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Trong khi đó, ông Điểu Thiết ở ấp Chàng Hai, xã Lộc Quang (Lộc Ninh) sau khi được già làng, người có uy tín Lâm Hay vận động, thuyết phục đã đồng tình di dời chuồng bò với hơn 7 con sinh sống ra khu vực xa nhà ở. Ông Điểu Thiết, nói: Sau khi di dời chuồng bò ra khỏi khu vực nhà ở, chúng tôi công nhận không còn bị mùi hôi thối. Tôi cũng đã dọn dẹp chuồng cũ thành khu vực chứa xe chở hàng rất thuận tiện.
ĐỔI MỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRONG VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS
Là chức sắc trong vùng đồng bào thiểu số có đạo, ông Điểu Săng ở thôn 5, xã Đồng Nai (Bù Đăng) càng hiểu và quyết tâm đi đầu trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây trồng để nâng cao chất lượng vườn cây, từ đó tăng thu nhập cho gia đình. Với mô hình xen công tiêu, điều, cà phê, mỗi năm cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí trở thành điển hình để ông tiếp tục vận động, khuyến khích thuyết phục đồng bào có đạo trong vùng làm theo những chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Điểu Săng, thôn 5, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, cho biết: Từ khi Nhà nước quan tâm, trong các cuộc họp ban ngành tổ chức ở thôn, gia đình tôi đều tham gia học tập và nắm bắt cơ hội trồng tiêu, điều ghép, cà phê. Vừa được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, vừa được hỗ trợ vốn, mô hình của gia đình luôn đạt năng suất và đem lại lợi nhuận. Do đó, hiện nay, gia đình tôi đã mua được xe tải chở nông sản, xe ô tô đi chơi…cuộc sống thay đổi. Qua đó, tôi cũng tăng tiếng nói để tuyên truyền cho đồng bào, tín đồ trong vùng.
Cũng nằm trong tổ hợp phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Điểu Nhi được coi là nông dân sản xuất giỏi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Năm 2018, khi xã chủ trương thí điểm mô hình điều ghép năng suất cao, ông Nhi đã quyết định cắt bỏ 2ha điều già cỗi chuyển đổi trồng điều ghép, 3 ha trồng cà phê. Chăm chỉ lao động, cẩn thận chăm sóc và biết áp dụng khoa học kỹ thuật, vườn cây của ông Nhi cho thu nhập từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông cũng giữ nguyên 4 ha cao su đang cho khai thác. Gần đây ông tiếp tục thử nghiệm trồng 1ha sầu riêng. Mạnh dạn thay đổi thói quen công tác lâu đời và không ngừng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, ông Nhi đang tự tin sẽ trở thành hộ giàu trong vùng. Ông Điểu Nhi, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, chia sẻ: Nhà nước hỗ trợ thuốc, phân, Đảng Nhà nước quan tâm rất là nhiều. Thời gian tới, mong Nhà nước tiếp tục kết nối tiếp xúc nhiều thêm tạo điều kiện và khoa học kỹ thuật để bà con trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có công ăn việc làm.
Ông Điểu Săng, thôn 5, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng
thu nhập cao từ mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình
Những tấm gương điển hình đổi mới sản xuất hay những mô hình phát triển kinh tế bền vững, xây dựng đời sống mới trên đây đã khẳng định chủ trương đường lối đúng đắn của đảng ta trong đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.