Từ những năm 1995-2000, Chính quyền điện tử đã được các nước tiếp thu rộng rãi, thúc đẩy phát triển và coi như một giải pháp hữu hiện để tăng hiệu quả làm việc của chính quyền. Ngày nay, các nước đã coi phát triển chính quyền điện tử là bắt buộc. Bởi Chính quyền điện tử là chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Chính quyền điện tử làm tăng hiệu quả làm việc của các cơ quan chính quyền, tăng tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan chính quyền. Người dân, doanh nghiệp được các cơ quan chính quyền cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn bằng việc cung cấp thông tin, dịch vụ trực tuyến. Người dân trở thành trung tâm trong quá trình các cơ quan chính quyền cung cấp thông tin và dịch vụ.
Chính quyền điện tử phát triển ở 04 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1 - Thông tin: Trong giai đoạn đầu, chính quyền điện tử có nghĩa là hiện diện trên trang web và cung cấp cho công chúng các thông tin thích hợp. Giá trị mang lại ở chỗ công chúng có thể tiếp cận được thông tin của chính quyền, các quy trình trở nên minh bạch hơn, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ. Với sự tương tác giữa các cơ quan chính quyền (G2G), các cơ quan chính quyền cũng có thể trao đổi thông tin với nhau bằng các phương tiện điện tử, như internet, hoặc trong mạng nội bộ.
Giai đoạn 2 - Tương tác: Trong giai đoạn thứ hai, sự tương tác giữa chính quyền và công dân (G2C) và với doanh nghiệp (G2B) được thông qua nhiều ứng dụng khác nhau. Người dân có thể hỏi qua thư điện tử, sử dụng các công cụ tra cứu, tải xuống các biểu mẫu và tài liệu. Các tương tác này giúp tiết kiệm thời gian. Việc tiếp nhận đơn thư, kiến nghị có thể thực hiện trực tuyến 24 giờ trong ngày. Giai đoạn này thực hiện được khi thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế một cửa điện tử, cơ chế một cửa liên thông điện tử.
Giai đoạn 3 - Giao dịch: Với giai đoạn thứ ba, tính phức tạp của công nghệ tăng lên nhưng sự tương tác (G2C và G2B) cũng tăng. Các giao dịch hoàn chỉnh có thể thực hiện mà không cần đi đến cơ quan hành chính. Mở rộng các dịch vụ trực tuyến mức độ 3 và 4. Giai đoạn 3 là phức tạp bởi các vấn đề an ninh và cá thể hóa, chẳng hạn như chữ ký số (chữ ký điện tử) là cần thiết để cho phép thực hiện việc chuyển giao các dịch vụ một cách hợp pháp. Về khía cạnh doanh nghiệp, chính quyền điện tử hỗ trợ các ứng dụng mua bán trực tuyến. Ở giai đoạn này, các quy trình nội bộ (G2G) phải được thiết kế lại để cung cấp dịch vụ được tốt. Chính quyền cần những quy định pháp luật để cho phép thực hiện các giao dịch không sử dụng tài liệu bằng giấy.
Giai đoạn 4 - Chuyển hóa: Giai đoạn thứ tư là khi mọi hệ thống thông tin được tích hợp hoàn toàn, các dịch vụ điện tử không còn bị giới hạn bởi các ranh giới hành chính. Khi đó người dân có thể hưởng các dịch vụ G2C và G2B tại một bàn giao dịch (điểm giao dịch ảo). Ở giai đoạn này, tiết kiệm chi phí, hiệu quả và đáp ứng nhu cầu khách hàng đã đạt được các mức cao nhất có thể được.
Các giai đoạn phát triển của Chính quyền điện tử, góp phần cho mối tác động qua lại giữa người dân, doanh nghiệp, nhân viên chính quyền và các cơ quan chính quyền trở nên thuận tiện, thân thiện, minh bạch, đỡ tốn kém và hiệu quả hơn.