(CTTĐTBP) - Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 292/QĐ-BYT ngày 06/02/2024 về ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do vi rút đường ruột gây ra, lây từ người sang người chủ yếu theo đường tiêu hóa, dễ gây thành dịch. Bệnh xảy ra quanh năm và gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 05 tuổi. Tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A6, A10, A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối.
Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71. Trên thế giới hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh.
Các triệu chứng lâm sàng thường gặp như: giai đoạn ủ bệnh từ 03 - 07 ngày; giai đoạn khởi phát từ 01 - 02 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Giai đoạn toàn phát có thể kéo dài 03 - 10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh như: loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước có đường kính 02 - 03mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt; sang (tổn) thương đa dạng hồng ban hoặc bóng nước ở lòng bàn tay, khuỷu tay, lòng bàn chân, gối, mông, cùi trỏ; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 07 ngày), sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm; sốt nhẹ; ăn, bú kém; biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 02 đến ngày 05, có thể đến ngày 07 của bệnh; giật mình chới với là dấu hiệu quan trọng báo hiệu biến chứng thần kinh. Trẻ sốt cao hoặc nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Giai đoạn lui bệnh thường từ 03 - 05 ngày sau giai đoạn toàn phát, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.
Về điều trị, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ. Do vậy, cần cấp cứu và xử trí kịp thời các trường hợp nặng; phân độ đúng và điều trị phù hợp theo phân độ; theo dõi sát để phát hiện sớm các biến chứng; bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng.
Về phòng bệnh, trên thế giới hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh. Áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa đối với bệnh lây qua đường tiêu hoá, đặc biệt chú ý tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây./.