(CTTĐTBP) - Ngày 05/3/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 771/UBND-NC hướng dẫn thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải ở cơ sở chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024.
Tại văn bản này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương phải xác định công tác PBGDPL là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị, cơ quan, đơn vị được giao quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực nào thì có trách nhiệm chủ trì việc PBGDPL về ngành, lĩnh vực đó. Cần tập trung đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL bảo đảm phù hợp với từng nhóm đối tượng địa bàn, lấy người dân làm trung tâm, hướng về cơ sở. Thực hiện trách nhiệm được giao theo đúng quy định của Luật PBGDPL, các văn bản quy định chi tiết và văn bản hướng dẫn của các Bộ, cơ quan, tổ chức trung ương; tăng cường PBGDPL cho Nhân dân về ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý.
Thực hiện thông tin, phổ biến đầy đủ, toàn diện các văn bản, chính sách cho cán bộ, Nhân dân, tập trung vào các luật, pháp lệnh, văn bản mới thông qua năm 2023, 2024; những nội dung pháp luật thiết thực với người dân, doanh nghiệp, các vấn đề xã hội quan tâm, cần định hướng, dư luận xã hội; pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống tội phạm; an toàn giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm; pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống bạo lực học đường, vi phạm pháp luật trên không gian mạng; trái phiếu doanh nghiệp, lao động; bảo vệ trẻ em; thực hiện dân chủ ở cơ sở; cấp Phiếu lý lịch tư pháp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về tình hình triển khai và kết quả thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đối số quốc gia giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) tạo sự đồng thuận trong xã hội và Nhân dân tham gia thực hiện. Đồng thời, chú trọng thực hiện truyền thông dự thảo chính sách, nhất là những vấn đề nóng hoặc có nhiều ý kiến khác nhau cần định hướng dư luận xã hội; gắn PBGDPL với xây dựng, hoàn thiện thể chế và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành pháp luật.
Tiếp tục có các giải pháp đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, vận hành hiệu quả Cổng Thông tin điện tử tổng hợp PBGDPL tỉnh Bình Phước và Cổng/Trang Thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với thực hiện chuyển đổi số trong PBGDPL; khai thác triệt để các ứng dụng, phần mềm có tính năng trực tuyến, tương tác, mạng xã hội... để PBGDPL; nhân rộng và phát huy hình thức PBGDPL trên Facebook, Zalo; thường xuyên gửi tin, bài cho Sở Tư pháp để đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử tổng hợp PBGDPL tỉnh. Đồng thời, tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông, PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Định kỳ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL, truyền thông dự thảo chính sách cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ, công chức tham mưu quản lý nhà nước về PBGDPL; tập trung hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác PBGDPL bằng hình thức phù hợp; thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác PBGDPL tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo thực hiện đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy, học tập môn học pháp luật và giáo dục công dân theo hướng tiên liến, hiện đại, phù hợp; nâng cao hiệu quả PBGDPL ngoài giờ lên lớp; tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL cho giáo viên, giảng viên dạy môn giáo dục công dân, pháp luật. Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác PBGDPL trong nhà trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Hướng dẫn hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 09/11 (Ngày Pháp luật Việt Nam) phù hợp, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, trọng tâm là triển khai các hoạt động hưởng ứng thiết thực tại cơ sở bằng những hình thức phù hợp, cụ thể.
Công tác hòa giải ở cơ sở
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung truyền thông, phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và Nhân dân về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTUMTTQVN ngày 18/11/2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, nhằm bảo đảm xây dựng đội ngũ hòa giải viên hoạt động hiệu quả.
Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, cung cấp tài liệu, tháo gỡ khó khăn vướng mắc; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo, thống kê; kịp thời khen thưởng đối với tổ hòa giải, hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở. Thu hút đội ngũ luật sư, luật gia, bộ đội Biên phòng, Công an xã, thẩm phán, hội thẩm nhân dân tham gia hỗ trợ nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở. Nghiên cứu giải pháp huy động tối đa các tuyên truyền viên tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở.
Công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, trong đó tập trung truyền thông, quán triệt nâng cao nhận thức của cán hộ, công chức, người dân về mục đích, ý nghĩa của nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác này bằng hình thức phù hợp, duy trì kết quả đạt chuẩn, đồng thời hỗ trợ cấp xã khắc phục các tiêu chí còn hạn chế hoặc chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Kiểm tra việc tổ chức đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật không đúng quy định pháp luật. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở chuẩn tiếp cận pháp luật; nghiệp vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên./.