Kế hoạch Thực hiện Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng năm 2025 của ngành Y tế tỉnh Bình Phước

Chủ nhật - 19/01/2025 12:55
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng người khuyết tật; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Sở Y tế tỉnh Bình Phước ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng năm 2025 của ngành Y tế tỉnh Bình Phước với các nội dung cụ thể như sau:
1. Mục tiêu chung
Bảo đảm người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể năm 2025:
a) Tăng cường phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, đảm bảo trên 85% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật; 85% các huyện, thị xã, thành phố triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
b) Duy trì, củng cố, kiện toàn và phát triển hệ thống mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng, đảm bảo 90% cơ sở phục hồi chức năng (gồm: các bệnh viện, Trung tâm y tế có khoa phục hồi chức năng, khoa Y học cổ truyền-Phục hồi chức năng, tổ phục hồi chức năng) được duy trì, củng cố, kiện toàn và đầu tư phát triển.
c) Nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng, phấn đấu trên 90% cơ sở khám chữa bệnhtriển khai hoạt động phục hồi chức năng đạt mức chất lượng từ khá trở lên theo tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế; 100% các bệnh viện, trung tâm y tế cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng đạt chỉ tiêu phát triển chuyên môn kỹ thuật, dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
 d) Phát triển nguồn nhân lực phục hồi chức năng đạt tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực phục hồi chức năng tối thiểu 0,1 người/10.000 dân.

CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI NĂM 2025:

1. Tăng cường công tác phối hợp, thực hiện chính sách pháp luật và đầu tư về phục hồi chức năng:
- Tổ chức triển khai các quy định, chính sách pháp luật về phục hồi chức năng thuộc ngành y tế và các sở, ngành liên quan.
- Tiếp tục đầu tư, bố trí một số giường bệnh theo chức năng chăm sóc người khuyết tật trong hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh các cấp và Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.
- Rà soát, đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất cho Khoa Y học cổ truyền- Phục hồi chức năng tại Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; đầu tư trang thiết bị cho các Tổ phục hồi chức năng đang lồng ghép trong các Khoa Đông y tại các Trung tâm Y tế và các Trạm Y tế đảm bảo đúng quy định.
- Đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất cho khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh theo đúng quy định
2. Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm khuyết tật, quản lý, điều trị, chăm sóc người khuyết tật và người bệnh
- Tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật.
- Phát triển mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trên phạm vi toàn tỉnh.
- Tổ chức phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người khuyết tật là các đối tượng đặc biệt: người có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam, dioxin, người cao tuổi, người tâm thần và trẻ tự kỉ, người có nhu cầu thụ hưởng về sử dụng dịch vụ phục hồi chức năng.
- Củng cố và phát triển Trạm y tế tuyến xã đảm bảo cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
- Hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý sức khỏe người khuyết tật kết nối với hệ thống thông tin quản lý sức khỏe cá nhân; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và cung ứng dụng cụ phục hồi chức năng.
- Thực hiện phục hồi chức năng tại nhà cho người khuyết tật, theo dõi định kỳ, hướng dẫn phục hồi chức năng cho người khuyết tật, đánh giá sự tiến bộ của người khuyết tật, tư vấn và tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ y tế giáo dục, lao động và các hoạt động xã hội khác;
- Triển khai chương trình phát hiện sớm, can thiệp sớm và phục hồi chức năng đối với người khuyết tật dựa vào cộng đồng, đặc biệt là tuyến cơ sở về các kỹ năng phát hiện sớm, can thiệp sớm.
- Lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người khuyết tật tại các Trạm y tế xã, phường, thị trấn và thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người khuyết tật tại nơi cư trú.
3. Sử dụng kỹ thuật vận động trị liệu, vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu, chỉnh hình, thiết bị y tế, dụng cụ phục hồi chức năng và các biện pháp can thiệp khác
- Phát triển chuyên môn kỹ thuật, tăng cường ứng dụng phương pháp mới, kỹ thuật mới, chuyên sâu qua việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kỹ thuật mới hằng năm tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập; phối hợp điều trị, chuyển tuyến trong lĩnh vực phục hồi chức năng; thực hiện các chương trình, đề án, dự án về phục hồi chức năng.
- Tập huấn kiến thức cơ bản về phục hồi chức năng cho các cán bộ y tế phụ trách công tác phục hồi chức năng tại các trạm y tế tuyến xã. Tập huấn cho mạng lưới nhân viên y tế dân số, y tế thôn, bản, y tế trường học, giáo viên mầm non về phát hiện can thiệp sớm cho trẻ em khuyết tật về vận động, tự kỷ, chậm phát triển về trí tuệ. Phấn đấu đạt tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực phục hồi chức năng tăng tối thiểu 0,1 người/10.000 dân. Từng bước chuyển giao kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng đến với người khuyết tật, gia đình và cộng đồng.
- Chủ động cử cán bộ đi đào tạo các chức danh chuyên môn tại các cơ sở tuyến trên về phục hồi chức năng theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 46/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ sở phục hồi chức năng, cấp chứng chỉ hành nghề và bổ sung phạm vi hành nghề phục hồi chức năng cho cán bộ y tế đã qua đào tạo để đáp ứng nhu cầu cho các cơ sở khám chữa bệnh; tăng cường công tác đào tạo theo quy định để đảm bảo nhân lực về phục hồi chức năng; tiếp tục đào tạo chuyên sâu sau đại học tại các cơ sở y tế trên cả nước, cử cán bộ đào tạo lại, đào tạo liên tục để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác phục hồi chức năng trong tỉnh, đặc biệt về vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu.
- Tổ chức tập huấn về phục hồi chức năng đối với từng loại bệnh cho các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng tại tuyến tỉnh và Trung tâm y tế tuyến huyện nhằm tăng cường năng lực chuyên môn đối với cán bộ thuộc chuyên ngành phục hồi chức năng;
- Đào tạo bồi dưỡng kiến thức cơ bản về phục hồi chức năng cho các cán bộ y tế phụ trách công tác phục hồi chức năng tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
- Đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức và cộng tác viên trợ giúp người khuyết tật; tập huấn cho gia đình người khuyết tật về kỹ năng, phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng cho người khuyết tật; tập huấn các kỹ năng sống cho người khuyết tật hoà nhập cộng đồng.
- Tập huấn, đào tạo cho nhân viên y tế thôn, ấp cộng tác viên, nhân viên công tác xã hội, cán bộ y tế trường học, giáo viên nhà trẻ và mẫu giáo tại địa phương về phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ em khuyết tật;
4. Tư vấn cho người bệnh và gia đình người bệnh về phục hồi chức năng, tâm lý, giáo dục, hướng nghiệp và hòa nhập cộng đồng
- Tổ chức tuyên truyền pháp luật cho người bệnh và gia đình người bệnh về phục hồi chức năng, tâm lý, giáo dục, hướng nghiệp và hòa nhập cộng đồng và những chủ trương, chính sách, chương trình trợ giúp người khuyết tật;
- Các khoa Phục hồi chức năng, Tổ phục hồi chức năng phối hợp chặt chẽ với các khoa lâm sàng để tiến hành tư vấn phục hồi chức năng cho người bệnh ngay từ giai đoạn sau cấp cứu và trong quá trình nằm viện; ứng dụng các kỹ thuật phục hồi chức năng, kết hợp phục hồi chức năng với y học cổ truyền đáp ứng yêu cầu về phục hồi chức năng ngày càng cao của người bệnh và người khuyết tật.
- Triển khai các hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng theo nhu cầu của người khuyết tật.
5. Tuyên truyền phòng ngừa khuyết tật, bệnh tật
- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát hành các tài liệu tuyên truyền như tờ rơi, áp phích; tổ chức truyền thông trực tiếp, thông qua các cuộc họp, hội nghị về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, văn bản chỉ đạo của tỉnh về bảo vệ, chăm sóc trợ giúp người khuyết tật; các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, do tai nạn thương tích và do các nguy cơ khác gây ra; phòng, chống phân biệt đối xử đối với người khuyết tật.
- Xây dựng và cung cấp các chương trình, tài liệu truyền thông về phục hồi chức năng; đa dạng hóa phương thức, cách thức trên các kênh truyền thông.
- Nêu gương, biểu dương những tập thể, cá nhân tích cực trong công tác bảo trợ người khuyết tật; người khuyết tật tiêu biểu vươn lên trong cuộc sống.
6. Công tác chỉ đạo tuyến
a) Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật phục hồi chức năng và đào tạo cán bộ cho tuyến huyện, tạo điều kiện để mọi người dân được tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ y tế có chất lượng cao, góp phần thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe;
b) Phân công Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh làm đầu mối, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển phục hồi chức năng và công tác chỉ đạo tuyến trên toàn tỉnh trong lĩnh vực khám, chữa bệnh chuyên ngành phục hồi chức năng, cụ thể như sau:
- Tiếp nhận sự chỉ đạo và giám sát của đơn vị tuyến trên về chuyên môn nghiệp vụ trong các hoạt động chỉ đạo tuyến công tác khám, chữa bệnh.
- Xây dựng kế hoạch đề nghị đơn vị chỉ đạo tuyến trên hỗ trợ đào tạo cán bộ, đăng ký nhu cầu chuyển giao các quy trình kỹ thuật.
- Chuẩn bị đầy đủ về nhân sự, trang thiết bị, vật tư cần thiết khi tiếp nhận chuyển giao quy trình kỹ thuật từ đơn vị chỉ đạo tuyến trên.
- Hợp tác với đơn vị chỉ đạo tuyến trên khi tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật tại đơn vị mình.
7. Công tác quản lý bệnh viện
- Đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện phù hợp với đặc thù về phục hồi chức năng.
- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ phục hồi chức năng, đa dạng hóa các nguồn đầu tư theo đúng các quy định.
- Cập nhật dữ liệu lên Hệ thống Quản lý sức khỏe và Phục hồi chức năng Người khuyết tật theo quy định.
8. Hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài tỉnh
- Vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện, tổ chức phi Chính phủ tham gia các đợt khám chữa bệnh phục hồi chức năng, phẫu thuật tim, lắp tay chân giả ... cho người nghèo, người khuyết tật.
- Phối hợp với các Hội (Hội Đông y; Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ em mồ côi và bệnh nhân nghèo; Hội Người mù; Hội Người cao tuổi, Hội Nạn nhân chất độc da cam ...), các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh trong việc tham gia công tác phục hồi chức năng.
Gửi kèm Kế hoạch chi tiết./.

 

Tác giả: Sở Y tế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập806
  • Hôm nay77,146
  • Tháng hiện tại9,523,886
  • Tổng lượt truy cập493,387,324
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây