Áp dụng cơ chế thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại phù hợp với quy hoạch sử dụng đất

Thứ tư - 13/11/2024 15:24
(Xây dựng) – Là nội dung được đề cập trong tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại (NƠTM) thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất (QSDĐ) hoặc đang có QSDĐ tại Chương trình Kỳ họp thứ 8, phiên họp Quốc hội sáng 13/11.
Áp dụng cơ chế thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại phù hợp với quy hoạch sử dụng đất
image00120241113143729
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: Quốc hội)
Tháo gỡ khó khăn nguồn cung NƠTM

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở bảo đảm sự nhất quán, kế thừa chính sách đã được thực hiện trước đây, đã được quy định tại Luật Nhà ở năm 2005, Luật Đất đai năm 2003 và 2013, tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án NƠTM (dưới quy mô khu đô thị).

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, từ ngày 01/7/2015, Luật Nhà ở năm 2014 quy định khác với Luật Đất đai, theo đó điều kiện sử dụng đất để thực hiện dự án NƠTM là đang có QSDĐ ở hoặc đất ở và đất khác; trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng thì phải là đất ở. Quy định này tiếp tục được kế thừa tại điểm b khoản 1 và khoản 6 Điều 127 Luật Đất đai năm 2024; làm bó hẹp các trường hợp thực hiện dự án NƠTM dưới quy mô khu đô thị, nhất là tại các khu vực mới, khu vực chưa có đất ở.

Trên thực tế, hạn mức giao đất ở qua các thời kỳ đối với hộ gia đình, cá nhân cao nhất là 400m2 còn lại là đất nông nghiệp trong cùng thửa đất nên nếu nhà đầu tư nhận chuyển nhượng QSDĐ trong khu dân cư cũng không thực hiện được. Bên cạnh đó, phần lớn các dự án bất động sản (BĐS) đều được triển khai trên quỹ đất ban đầu không phải là đất ở và quy hoạch chi tiết của dự án cũng gồm nhiều loại đất khác nhau như đất ở, đất giao thông, đất cây xanh,… nên quy định tại điểm b khoản 1 Điều 127 Luật Đất đai là không triển khai được trên thực tế.

Dự thảo Nghị quyết được xây dựng để tháo gỡ khó khăn về nguồn cung của các dự án BĐS trong bối cảnh giá BĐS tăng cao do một phần nguyên nhân là việc tiếp cận đất đai của nhà đầu tư còn khó khăn. Vì vậy, cần mở rộng điều kiện được nhận chuyển quyền sử dụng các loại đất để thực hiện dự án NƠTM, góp phần hạn chế khiếu kiện của người dân; đảm bảo công bằng trong tiếp cận đất đai giữa các nhà đầu tư, giữa các địa phương, duy trì ổn định nguồn cung về NƠTM, góp phần phát triển thị trường BĐS minh bạch, lành mạnh.

image00320241113143731
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Khanh trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: Quốc hội)

Điều kiện thực hiện các dự án NƠTM

Nghị quyết được áp dụng trên phạm vi toàn quốc đối với dự án của tổ chức kinh doanh BĐS trong trường hợp: Nhận QSDĐ; đang có QSDĐ; đang có QSDĐ và nhận QSDĐ; thực hiện dự án NƠTM trên diện tích đất của cơ sở phải di dời do ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Đối với điều kiện thực hiện dự án NƠTM thông qua thỏa thuận về nhận QSDĐ hoặc đang có QSDĐ, nhà đầu tư thực hiện dự án NƠTM đối với một hoặc các loại đất sau: Đất nông nghiệp; đất phi nông nghiệp không phải đất ở; đất ở và đất khác trong cùng thửa đất đối với trường hợp thỏa thuận về nhận QSDĐ.

image00520241113143732
Quang cảnh Phiên họp sáng 13/11. (Ảnh: Quốc hội)

Bên cạnh đó, thực hiện dự án NƠTM phải đáp ứng các điều kiện đó là: Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc nằm trong quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt; có văn bản của UBND cấp tỉnh chấp thuận cho phép tổ chức kinh doanh BĐS nhận chuyển QSDĐ đối với dự án thực hiện theo hình thức nhận QSDĐ; có văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chấp thuận cho phép tổ chức kinh doanh BĐS nhận chuyển quyền sử dụng đối với diện tích đất quốc phòng, đất an ninh hoặc diện tích đất có nguồn gốc là đất quốc phòng, đất an ninh để thực hiện dự án NƠTM phù hợp với quy hoạch sử dụng đất để phát triển nhà ở đã được phê duyệt đối với trường hợp dự án thực hiện theo hình thức nhận QSDĐ; Tổ chức kinh doanh BĐS phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh BĐS, pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan.

Nghiên cứu, làm rõ việc áp dụng cơ chế thí điểm phù hợp với các loại đất

Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhất trí với sự cần thiết xây dựng Nghị quyết như tờ trình của Chính phủ. Chủ trương thí điểm thực hiện dự án NƠTM thông qua thỏa thuận về nhận QSDĐ hoặc đang có QSDĐ là tiếp tục thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về: “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng QSDĐ để thực hiện dự án đô thị, NƠTM”; đồng thời, việc thí điểm nêu trên đã được cấp có thẩm quyền thống nhất về mặt chủ trương.

Về tên gọi của Nghị quyết, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị quyết này chỉ quy định thí điểm về trường hợp thực hiện dự án NƠTM thông qua thỏa thuận về nhận QSDĐ hoặc đang có QSDĐ mà đất đó không phải là đất ở, vì vậy, tên Nghị quyết phải là Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án NƠTM thông qua thỏa thuận về nhận QSDĐ hoặc đang có QSDĐ không phải đất ở.

image00720241113143734

Thực hiện các dự án NƠTM phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương… (Ảnh: T/L)

Trong khi đó, một số ý kiến khác đồng tình với tên gọi do Chính phủ đề xuất tại tờ trình vì mang tính chất bao quát tất cả các trường hợp thực hiện dự án NƠTM thông qua thỏa thuận về nhận QSDĐ hoặc đang có QSDĐ.

Nhiều ý kiến tán thành với tờ trình của Chính phủ, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết được thực hiện trên phạm vi toàn quốc để bảo đảm công bằng giữa các địa phương, không tạo cơ chế “xin - cho”…

Bên cạnh đó, nhiều địa phương báo cáo không có vướng mắc trong việc thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, một số địa phương không đề xuất các dự án, khu đất thí điểm; các địa phương thực hiện dự án NƠTM thông qua hình thức nhận chuyển nhượng QSDĐ hoặc đang có QSDĐ chủ yếu là các địa phương phát triển về kinh tế, tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu về đất ở cao.

Mặt khác, quá trình xem xét, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, Luật số 03/2022/QH15, Luật Đất đai năm 2024 đều chưa cho phép thực hiện dự án NƠTM đối với loại đất chưa có đất ở. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tính toán lộ trình triển khai, chỉ thực hiện thí điểm tại một số địa phương cụ thể, sau đó tổng kết, đánh giá trước khi đề xuất triển khai đồng bộ tại tất cả các địa phương trên phạm vi toàn quốc.

Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, nghiên cứu, làm rõ việc áp dụng cơ chế thí điểm thông qua thỏa thuận về nhận QSDĐ hoặc đang có QSDĐ đối với các loại đất bao gồm cả đất trồng lúa, đất lâm nghiệp, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo…; nghiên cứu, đánh giá việc áp dụng quy định của dự thảo Nghị quyết là đối với tất cả các trường hợp thỏa thuận nhận QSDĐ hay chỉ áp dụng đối với trường hợp thời điểm thỏa thuận nhận QSDĐ từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành…

Nguồn: baoxaydung.com.vn/Đan Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

sổ tay đảng viên
DVC Quốc gia
Ứng dụng chung
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
sxd-bao ve nen tang
sxd-gop y du thao
Portal_Ispeed
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập990
  • Hôm nay220,048
  • Tháng hiện tại3,162,669
  • Tổng lượt truy cập487,026,107
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
EMC Đã kết nối EMC