Hội nghị lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công

Thứ năm - 29/08/2024 16:27
Toàn cảnh Hội nghị lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
Toàn cảnh Hội nghị lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
Ngày 26/8, tại Tp. Nha Trang (Khánh Hòa), Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC).
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản phát biểu tại Hội nghị
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản phát biểu tại Hội nghị

Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thiện dự án một luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, trong đó có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC). Mục tiêu sửa luật là để giải phóng nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Do đó, phạm vi sửa đổi, bổ sung lần này chỉ tập trung vào các vấn đề quan trọng, có tác động nhanh, tức thì đến việc đạt các mục tiêu nói trên.

Thông tin chi tiết về lý do đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng TSC, bà Trần Diệu An - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, yêu cầu về việc quản lý, sử dụng TSC cũng có sự thay đổi, một số quy định tại Luật Quản lý, sử dụng TSC đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với bối cảnh mới có nhiều thay đổi.

Dẫn chứng cụ thể về quy định thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, bà Trần Diệu An cho biết, hiện Luật Quản lý, sử dụng TSC quy định thẩm quyền phê duyệt là của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Do đó, quy định này đã làm hạn chế tính chủ động của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cấp dưới trong việc khai thác TSC tại đơn vị sự nghiệp công lập.
 

Bà Trần Diệu An - Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản phát biểu tại Hội nghị
Bà Trần Diệu An - Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản phát biểu tại Hội nghị


Bên cạnh đó, một số quy định về khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hiện nay còn chưa hợp lý, làm phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết; một số quy định về tính khấu hao, hao mòn TSC chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được thực tiễn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được giao quản lý TSC trong quá trình quản lý, sử dụng, khai thác tài sản…

Từ thực tiễn này cũng như để thực hiện sửa đổi, bổ sung những vướng mắc có tính cấp bách, tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng TSC, Cục Quản lý công sản đã đề xuất sửa đổi Điều 39 về bảo dưỡng, sửa chữa TSC theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm ban hành định mức chi bảo dưỡng, sửa chữa TSC cho thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng TSC gắn với việc xác định cụ thể căn cứ ban hành định mức, làm cơ sở để tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát.

Ngoài ra, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi, cập nhật hình thức xử lý TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Theo đó, qua thực tế triển khai xử lý TSC là nhà, đất, tài sản kết cấu hạ tầng hiện nay, hình thức chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý là hình thức được áp dụng khá phổ biến và là cơ sở để địa phương tiếp nhận, xử lý hiệu quả TSC là nhà, đất, tài sản kết cấu hạ tầng dôi dư, tạo nguồn thu cho NSNN, bổ sung nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, theo bà An, cần thiết phải bổ sung hình thức chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý vào các hình thức xử lý TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng.

Tăng tính tự chủ, trách nhiệm trong quản lý tài sản công

Liên quan việc phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành và địa phương trong quản lý và sử dụng TSC, theo ông Nguyễn Tân Thịnh, đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật quản lý, sử dụng TSC, mục tiêu của việc phân cấp, phân quyền là tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị địa phương trong quản lý TSC. Việc phân cấp, phân quyền cần phù hợp với điều kiện thực tế của từng bộ, ngành, địa phương và năng lực của các cơ quan, đơn vị được phân quyền. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, cùng với đó, cần có các cơ chế kiểm tra, kiểm soát để để đảm bảo việc phân cấp, phân quyền được thực hiện đúng và hiệu quả. Ông Nguyễn Tân Thịnh cũng nhấn mạnh, việc phân cấp, phân quyền không có nghĩa là các cơ quan cấp trên không chịu trách nhiệm về quản lý tài sản công, họ vẫn phải chịu trách nhiệm khi xảy ra vấn đề.

Tại Hội nghị, đại diện tỉnh sơn La đề xuất bổ sung Điều 47 a quy định về hình thức chuyển giao tài sản về địa phương xử lý, trong đó có 3 khoản. Khoản 1 quy định về hình thức chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý được áp dụng đối với tài sản công là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp và được thực hiện trong các trường hợp quy định cụ thể. Khoản 2 quy định cơ quan nhà nước có tài sản chuyển giao sẽ có trách nhiệm bàn giao tài sản cho tổ chức phát triển quỹ đất theo quy định của Luật Đất đai. Còn với khoản 3, Chính phủ sẽ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục để quyết định chuyển giao nhà đất về địa phương quản lý, xử lý.

Liên quan quy định bán tài sản công là trụ sở làm việc và cơ sở đơn vị sự nghiệp, đại diện tỉnh Sơn La cho biết, vẫn còn một phần nhỏ liên quan đến quy định về thu hồi tài sản, theo đó, đại diện Sơn La đề nghị bổ sung điều 41 quy định tổ chức phát triển quỹ đất sẽ có trách nhiệm tiếp nhận những tài sản công là nhà, đất phải thu hồi theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSC, điều này để các địa phương đỡ phải tranh luận hoặc “đùn đẩy” nhau trong nội dung tiếp nhận tài sản khi thu hồi.

Đại diện tỉnh Hà Giang đề nghị khi sửa đổi luật Quản lý, sử dụng TSC cần lưu ý tính đồng bộ đối với các Luật khác và các Nghi định có liên quan thì mới triển khai được một cách hiệu quả. Việc ban hành các Nghị định, Thông tư cần phải được tiến hành kịp thời, đồng bộ, tránh tình trạng chậm trễ.

Về cơ bản, các đại biểu tại Hội nghị đồng ý với các quy định sửa đổi, bổ sung được Cục Quản lý công sản đưa ra tại dự thảo. Nhiều ý kiến cho rằng, nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn hiện nay. Đối với các vấn đề các đại biểu chưa rõ tại dự thảo, đại diện Cục Quản lý công sản cũng đã có trao đổi, giải đáp cụ thể.

Tác giả: Tài Chính Sở

Nguồn tin: mof.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,569
  • Hôm nay141,106
  • Tháng hiện tại141,106
  • Tổng lượt truy cập425,516,371
KQ TTHC
sổ tay đảng viên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây