Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, thời gian qua, việc tổ chức công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN) trong hệ thống KBNN chưa được tập trung vào một đầu mối mà được phân công cho 2 bộ phận để thực hiện (phòng, bộ phận kiểm soát chi thực hiện kiểm soát chi vốn đầu tư; phòng, bộ phận kế toán thực hiện kiểm soát chi các khoản chi thường xuyên). Với mô hình tổ chức công tác kiểm soát chi NSNN như trên mặc dù tương đối phù hợp với đặc thù hoạt động của hệ thống KBNN trong giai đoạn vừa qua, nhưng vẫn có những tồn tại, hạn chế nhất định như: Chưa thật sự tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc giao dịch thanh toán với các đơn vị KBNN, đặc biệt là đối với trường hợp đơn vị sử dụng ngân sách được giao cả dự toán chi thường xuyên, chi đầu tư và những trường hợp chương trình, dự án được giao cả vốn đầu tư và kinh phí thường xuyên; chưa đảm bảo nguyên tắc tách bạch giữa nghiệp vụ kiểm soát chi và nghiệp vụ kế toán…
Tại Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 08/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của KBNN đã giao một số nhiệm vụ mới cho KBNN, trong đó có nhiệm vụ tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN hàng năm và tổ chức thực hiện tổng kế toán nhà nước. Do đó, việc KBNN triển khai nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án “Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN trong hệ thống KBNN” (Đề án) là rất cần thiết.
Đề án được KBNN bắt đầu triển khai xây dựng từ năm 2015 và đến ngày 10/7/2017, Tổng Giám đốc KBNN đã ban hành Quyết định số 3219/QĐ-KBNN về việc phê duyệt Đề án “Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua hệ thống KBNN”, đồng thời hoàn thiện và ban hành Quy trình nghiệp vụ thống nhất kiểm soát chi NSNN qua KBNN theo Quyết định số 4377/QĐ-KBNN ngày 15/9/2017 của Tổng Giám đốc KBNN.
Theo đánh giá của ông Vũ Đức Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, sau một thời gian triển khai thí điểm Đề án và triển khai trước tại một số đơn vị KBNN, bước đầu đã thu được một số kết quả:
Thứ nhất, về phía khách hàng đến giao dịch tại các đơn vị KBNN đã rất đồng tình, ủng hộ việc triển khai đề án của KBNN. Do làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền tại đơn vị được thí điểm nên khách hàng không bất ngờ và cảm thấy hài lòng về chủ trương thống nhất đầu mối kiểm soát chi của KBNN.
Thứ hai, việc triển khai thực hiện Đề án đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong hoạt động giao dịch, thanh toán các khoản chi NSNN với KBNN, các đơn vị, khách hàng chỉ gửi hồ sơ đề nghị thanh toán đến một công chức làm nhiệm vụ kiểm soát chi của KBNN nơi đơn vị mở tài khoản (bao gồm cả hồ sơ chi đầu tư và chi thường xuyên) theo đúng quy định “một cửa, một giao dịch viên”; đồng thời nhận lại kết quả từ chính công chức kiểm soát chi đó khi nộp hồ sơ.
Thứ ba, việc luân chuyển chứng từ chi NSNN trong nội bộ KBNN (giữa kiểm soát chi và kế toán) được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống TABMIS, nên có sự kiểm soát, giám sát của Lãnh đạo đơn vị KBNN, đảm bảo việc xử lý hồ sơ, chứng từ được nhanh, kịp thời; nhiều khoản chi, nhất là các khoản chi thường xuyên, chi an sinh xã hội, chi bằng tiền mặt, v,v... theo đề nghị của đơn vị đã được xử lý ngay trong ngày.
Bên cạnh đó, do làm tốt công tác chuẩn bị nên ngay từ những ngày đầu thực hiện đề án, các hoạt động giao dịch từ KBNN tỉnh đến KBNN huyện đã nhanh chóng ổn định, thông suốt. Việc tổ chức công tác kiểm soát chi, hạch toán kế toán được diễn ra bình thường, đảm bảo các bước đúng như trong quy trình của Đề án; mọi giao dịch với khách hàng, tiếp nhận chứng từ hồ sơ kiểm soát chi thường xuyên và đầu tư thuộc NSNN được cán bộ kiểm soát chi thực hiện một cách đầy đủ theo đúng quy trình, nhanh chóng, thuận tiện, không có trở ngại nào đối với khách hàng. Trên cơ sở các bước đã triển khai thực hiện và kết quả thí điểm tại một số đơn vị KBNN có thể khẳng định Đề án đã đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đã đặt ra. Đề án sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ tháng 10/2017.
Toàn cảnh buổi họp báo
Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên "Trước và sau khi triển khai Đề án thì thời gian xử lý hồ sơ diễn ra thế nào?" Ông Vũ Đức Hiệp cho biết: Sau khi triển khai Đề án thì tạm thời vẫn duy trì thời gian xử lý hồ sơ như cũ, đó là đối với chi thường xuyên thời gian tối đa là 3 ngày, các khoản chi an sinh xã hội, lương, chi cho con người, chi cấp bách thì xử lý hồ sơ trong 1 ngày. Riêng đối với chi đầu tư trước đây thời gian là 7 ngày, đến năm 2017 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công yêu cầu Bộ Tài chính, KBNN rút ngắn thời gian kiểm soát chi đầu tư xuống 4 ngày, nhưng với cải cách của KBNN đã rút xuống còn 3 ngày như đối với chi thường xuyên.
Cũng theo ông Hiệp, khi triển khai Đề án, kỳ vọng được đặt ra đó là rút ngắn được thời gian xử lý hồ sơ trong kiểm soát chi, quy trình được thực hiện một cách hợp lý, đơn giản hồ sơ chứng từ, hoàn thiện cơ chế chính sách, ứng dụng công nghệ thông tin, theo lộ trình được Bộ Tài chính đặt ra đến năm 2020 nhiều khoản chi NSNN sẽ thực hiện xử lý hồ sơ trong một ngày.
Với câu hỏi "Triển khai Đề án này mang lại lợi ích gì cho xã hội và khách hàng?". Ông Hiệp cho biết: Việc đối chiếu số liệu, phân loại, sắp xếp chứng từ đảm bảo chính xác, hoàn thành trong ngày. Việc tập trung nhiệm vụ kiểm soát các khoản chi NSNN vào một đầu mối theo nguyên tắc “một cửa, một giao dịch viên”, tạo thuận lợi cho khách hàng - đơn vị sử dụng NSNN, đồng thời là cơ sở thuận lợi cho KBNN trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, mở tài khoản, giao nhận hồ sơ, thanh toán qua mạng; góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hồ sơ, chứng từ kiểm soát chi bằng cách giảm bớt và lồng ghép một số hồ sơ, chứng từ có cùng chỉ tiêu về chi thường xuyên và chi đầu tư thành một chứng từ, đồng thời tạo tiền đề thuận lợi để KBNN triển khai dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi toàn quốc từ tháng 11/2017, tiến tới thực hiện kiểm soát chi điện tử theo đúng tinh thần Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, chứng từ chi NSNN tại hệ thống KBNN. Khi thực hiện Đề án tổ chức bộ máy của KBNN cấp huyện được tinh gọn hơn, không còn đơn vị cấp Tổ trong cơ cấu tổ chức tại KBNN cấp huyện và sẽ giảm khoảng hơn 1.300 đơn vị cấp Tổ, góp phần từng bước giảm dần số biên chế hiện có theo đúng chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính./.