Quy định biện pháp thi hành Nghị định quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” và việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến

Thứ tư - 19/06/2024 08:50
Ngày 12/6/2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BNV quy định biện pháp thi hành Nghị định số 28/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 của Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” và việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2024. 
 
 
Thông tư số 02/2024/TT-BNV áp dụng đối với Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, có thời gian tại ngũ từ đủ 24 tháng trở lên; Thanh niên xung phong hy sinh khi làm nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, đã được công nhận liệt sĩ; Tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” và việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến.
Thông tư số 02/2024/TT-BNV quy định, việc xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”:
1) Đối với Thanh niên xung phong đã được công nhận liệt sĩ, hồ sơ đề nghị truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” được nộp tại nơi cư trú của thân nhân Thanh niên xung phong.
2) Trường hợp hồ sơ đề nghị xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” không hợp lệ hoặc cần bổ sung đầy đủ theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn Thanh niên xung phong hoặc thân nhân của Thanh niên xung phong hoàn thiện hồ sơ và nộp hồ sơ đúng quy định.
3) Tại các địa điểm vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, danh sách cá nhân đề nghị xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” ngoài việc niêm yết công khai theo quy định tại Nghị định số 28/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 của Chính phủ thì thực hiện niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.
4) Sở Nội vụ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có ý kiến về các hình thức khen thưởng Thanh niên xung phong đã được tặng thưởng được khai tại Bản khai đề nghị tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong” và báo cáo các trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn trước Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp tỉnh khi họp xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.
5) Thanh niên xung phong đã hy sinh, từ trần, sau khi được Chủ tịch nước quyết định truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, việc tổ chức trao tặng được thực hiện tại nơi thân nhân Thanh niên xung phong sinh sống.
Việc xét khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến:
1) Việc xét, đề nghị khen thưởng thành tích kháng chiến phải đảm bảo chính xác, khách quan, có đủ căn cứ pháp lý, khen thưởng đúng người, đúng thành tích. Khi thẩm định hồ sơ đề nghị khen thưởng thành tích kháng chiến cần lưu ý đến mức độ thành tích; cá nhân được đề nghị khen thưởng thành tích kháng chiến thì phải tham gia kháng chiến tích cực và liên tục, đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Điều lệ khen thưởng thành tích kháng chiến và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2) Việc thẩm định hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền xét, đề nghị khen thưởng thành tích kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ phải thực hiện theo các quy định của Điều lệ khen thưởng thành tích kháng chiến chống Pháp ban hành kèm theo Nghị quyết số 6-NQ/TVQH ngày 29/8/1960 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ ban hành kèm theo Nghị quyết số 47-NQ/HĐNN7 ngày 29/9/1981 của Hội đồng Nhà nước và các văn bản hướng dẫn đã được ban hành.
Việc khen thưởng thành tích kháng chiến chống Mỹ: 
1) Đối với đề nghị khen thưởng của cán bộ chủ chốt và nhân viên ban ngành xã ở miền Bắc thì căn cứ vào danh sách cán bộ nhân viên các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và hợp tác xã từ ngày 20/7/1954 đến ngày 30/4/1975 được xây dựng làm căn cứ khen thưởng (Danh sách nhân sự địa phương đã được lập theo quy định). Không sử dụng xác nhận của cá nhân làm căn cứ khen thưởng, chỉ sử dụng như tài liệu tham khảo.
2) Đối với đề nghị khen thưởng của quân nhân phục viên, xuất ngũ phải có quyết định phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành; trong trường hợp đã mất giấy tờ thì có thể lấy giấy xác nhận của Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện (hoặc đơn vị quản lý cũ) về quá trình tại ngũ trong đó ghi rõ căn cứ vào tài liệu nào, quyển sổ bao nhiêu, số thứ tự trong danh sách; ngày nhập ngũ, ngày xuất ngũ, thời gian tham gia chiến trường B, C, K (nếu có) và ngày, tháng, năm được biên chế vào đơn vị hoặc đăng ký quân dự bị tại Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, kèm theo bản sao danh sách có tên của người được xác nhận (bản photocopy có dấu của Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện hoặc đơn vị quản lý cũ).
3) Đối với đề nghị khen thưởng của đảng viên phải có bản sao y Lý lịch đảng viên và xác nhận về việc sinh hoạt Đảng của đảng viên của đảng ủy cơ sở nơi quản lý đảng viên đó. Không sử dụng bản sao y lý lịch đảng viên do Ủy ban nhân dân xã, phường xác nhận.
4) Đối với đề nghị khen thưởng của cán bộ công nhân viên phải có lý lịch cán bộ, công nhân viên, quyết định hưu trí, thôi việc, mất sức lao động hoặc Sổ lao động. Cán bộ công nhân viên, quân nhân... phải có giấy xác nhận của các cơ quan đã từng công tác từ năm 1983 đến nay về quá trình công tác, khen thưởng, kỷ luật và lý do chưa được khen thưởng kháng chiến. Nếu chỉ có quyết định hưu trí, thôi việc, mất sức lao động hoặc Sổ lao động thì chưa đủ căn cứ. Nếu người đó chỉ công tác tại một cơ quan từ khi triển khai khen thưởng đến nay thì Hội đồng thi đua, khen thưởng cơ sở phải nêu lý do chưa được xét khen thưởng.
5) Những người dưới 18 tuổi chỉ được công nhận và xét khen thưởng thành tích tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước khi tham gia vào tổ chức và được tổ chức công nhận có trong biên chế mà người đó đã tham gia hoạt động. Những người dưới 18 tuổi, không phải là người hoạt động trong tổ chức kháng chiến thì không thuộc đối tượng xét, khen thưởng thành tích kháng chiến.
6) Đối với những người giúp đỡ kháng chiến trong Bản khai thành tích của cá nhân và các xác nhận nêu cụ thể việc giúp đỡ kháng chiến theo đúng quy định.
7) Xác nhận của tập thể, cá nhân là cán bộ phụ trách, là người giao nhiệm vụ, người cùng tham gia, người chắc chắn biết rõ việc giúp đỡ kháng chiến đối với người kê khai thành tích phải phù hợp với tư liệu trong “Lịch sử kháng chiến ở địa phương” hoặc “Lịch sử Đảng bộ ở địa phương”.
8) Hồ sơ đề nghị khen thưởng phải có giấy xác nhận của địa phương nơi cư trú về việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và Biên bản của Hội đồng khen thưởng kháng chiến cơ sở xã, phường xét duyệt.
Thông tư số 02/2024/TT-BNV cũng quy định rõ: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện việc xét, đề nghị tặng, truy tặng Huân, Huy chương kháng chiến đối với các hồ sơ đủ điều kiện, tiêu chuẩn; giải thích rõ cho các trường hợp đã khai báo nhưng không đủ căn cứ, điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng để giải quyết dứt điểm việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến còn tồn đọng./.
Nguồn: http://banthiduakhenthuongtw.gov.vn/

Tác giả: Lê Văn Tâm - Ban TĐKT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,274
  • Hôm nay167,121
  • Tháng hiện tại6,879,985
  • Tổng lượt truy cập490,743,423
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây