Một số điểm nổi bật về phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng của tỉnh Bình Phước giai đoạn 2016-2020

Thứ ba - 14/09/2021 10:35
Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về “tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, trong 05 năm qua (2016-2020), Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Bình Phước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, thông qua việc ban hành các chính sách, quy định về thi đua, khen thưởng như: Tỉnh ủy ban hành văn bản chỉ đạo “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình tiêu biểu, điển hình tiên tiến xuất sắc giai đoạn 2016 - 2020; Quy định về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh; đồng thời, ban hành quy định tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề mới về trên địa bàn tỉnh; quy định về xét khen thưởng cho công nhân, nông dân, người dân tộc thiểu số; quy định về tổ chức chia Cụm, Khối thi đua, hoạt động và bình xét, xếp hạng thi đua trên địa bàn tỉnh. Các văn bản được ban hành phù hợp với quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và tình hình thực tế của địa phương.
Để đẩy mạnh các phong trào thi đua trong toàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và các dịp đặc biệt. Các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh phát động đã được triển khai sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần cổ vũ, động viên Nhân dân hăng hái thi đua hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, các phong trào thi đua phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại; thi đua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật về giống, công nghệ sản xuất; phong trào thi đua tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao… diễn ra sôi nổi, rộng khắp, tạo bước chuyển mới trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai sâu rộng, đồng bộ, nội dung phong phú và hình thức đa dạng đã huy động được sự tham gia tích cực của người dân; sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, chung tay xây dựng nông thôn mới và đạt được kết quả thiết thực, có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc. Giai đoạn 2016 - 2020 giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư với trên 3.900 km đường bê tông triển khai theo cơ chế "Nhà nước và Nhân dân cùng làm". Có 60/90 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 67%; có 5/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu đề ra (Nghị quyết là 50% xã và 01 huyện). Thành công này góp phần làm thay đổi rõ rệt diện mạo vùng nông thôn, đời sống người dân được cải thiện, nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể…  
Trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng đã tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua với mục tiêu, nội dung thiết thực gắn với nhiệm vụ chính trị được giao như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Đảm bảo chất lượng công trình xây dựng”, phong trào “Lao động hiệu quả - Phát triển bền vững - Hội nhập thành công” và các phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo, đưa nhanh khoa học và công nghệ vào cuộc sống được triển khai hiệu quả, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển công nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các phong trào “Thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách”, “Chống thất thu thuế”, “Thi đua lao động giỏi, huy động vốn, nâng cao chất lượng tín dụng” …, trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, dịch vụ được đẩy mạnh, góp phần duy trì được mức tăng trưởng khá, phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân, đảm bảo lưu thông hàng hóa và xuất khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng thu ngân sách nhà nước và đảm bảo an sinh xã hội. Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” đã được các sở, ban, ngành, địa phương triển khai tích cực, góp phần thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, phục vụ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững.
Các phong trào thi đua trong lĩnh vực kinh tế góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý đã được triển khai trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 7,25%, tăng 0,12% so với nhiệm kỳ trước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu ngân sách của tỉnh tăng gấp hơn 2 lần so với Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra, tốc độ tăng thu bình quân đạt 22%.
          Trong lĩnh vực phát triển văn hoá, xã hội, các phong trào thi đua đã góp phần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đảm bảo an sinh xã hội, tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” trong ngành Giáo dục đã thu hút được đông đảo đội ngũ giáo viên và học sinh hưởng ứng, chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên; giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có chuyển biến tích cực. Phong trào thi đua “Nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân”, “Thực hiện 12 điều y đức”, “Hiến máu nhân đạo”, “Ngành Y tế chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19”… trong toàn ngành Y tế tiếp tục được duy trì và triển khai hiệu quả góp phần nâng cao và đổi mới chất lượng về mọi mặt của hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, xây dựng “Quỹ vì người nghèo”… đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, mang tính nhân văn sâu sắc nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của toàn xã hội. Các chương trình mục tiêu Quốc gia và của tỉnh về giải quyết việc làm, giảm nghèo và các vấn đề xã hội đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” với sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã được triển khai hiệu quả ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh, bộ mặt các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn của tỉnh đã thay đổi đáng kể; chất lượng cuộc sống của người dân nói chung và hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện rõ rệt. Năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 2,55%, giảm 3,6% so với đầu giai đoạn, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra. Các hoạt động thông tin, truyền thông, phát thanh, truyền hình có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, có nhiều chương trình phát thanh, truyền hình mới, chất lượng, nội dung, hình thức ngày càng phong phú, đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo sự lan tỏa trong xã hội.
Phong trào thi đua trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tư pháp và đối ngoại đạt nhiều kết quả, góp phần quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phong trào “Thi đua quyết thắng” của lực lượng vũ trang tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Học tập thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” trong lực lượng Công an nhân dân được duy trì hiệu quả. Các phong trào thi đua trong các cơ quan tư pháp, nội chính như phong trào “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”; “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”… đã phát huy tác dụng tốt, góp phần quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ pháp luật. Trong lĩnh vực đối ngoại, các phong trào thi đua như: “Đoàn kết, dân chủ, trí tuệ”, “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để triển khai ngoại giao toàn diện và hội nhập quốc tế”,
Phong trào thi đua trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp đã góp phần củng cố hệ thống chính trị và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, tạo được chuyển biến tích cực trong các tổ chức đảng và đảng viên, nâng cao trách nhiệm và sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng đảng. Trong các cơ quan Nhà nước, phong trào thi đua trọng tâm hướng vào việc nâng cao chất lượng phục vụ, cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm phiền hà cho nhân dân. Phong trào thi đua “Kỷ cương, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả” và “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” đã được triển khai sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, phát huy được nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tận tụy trong phục vụ nhân dân.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức hội, đoàn thể các cấp phát động, triển khai nhiều phong trào thi đua, các cuộc vận động với nhiều cách làm sáng tạo, hướng về cơ sở như: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt”, “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”; phong trào “Tuổi trẻ Bình Phước tự hào tiến bước dưới cờ Đảng”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Thanh niên tình nguyện”; phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Cựu chiến binh giúp nhau thoát nghèo, gắn với việc học tập và làm theo gương Bác Hồ, xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Thi đua lao động giỏi với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao”; “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, … đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, thiết thực, có sức lôi cuốn, cổ vũ mạnh mẽ, nhiều mô hình được xây dựng có hiệu quả, ngày càng được nhân rộng, huy động được tiềm năng, sức sáng tạo và sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân và đoàn viên, hội viên.
Sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của tỉnh nhà trong 05 năm qua. Từ các trong phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện hàng ngàn tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong toàn tỉnh đang hàng ngày miệt mài nghiên cứu, công tác, học tập, lao động sản xuất… góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiêu biểu cho phẩm chất anh hùng, truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường của người Bình Phước.
Những kết quả đạt được từ các phong trào thi đua yêu nước trong những năm qua thể hiện rõ hiệu quả của việc thực hiện Đề án phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh. Công tác xây dựng điển hình tiên tiến được thực hiện từ cơ sở và thực hiện đồng bộ cả 04 khâu: phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân điển hình tiên tiến, thực sự trở thành nội dung trọng tâm trong đổi mới phương thức tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua. Các chương trình phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động để kịp thời động viên, khích lệ và nhân rộng các điển hình thông qua nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh; tổ chức gặp mặt, nói chuyện, giao lưu với các điển hình tiên tiến; tổ chức các cuộc thi viết về gương người tốt, việc tốt; đẩy mạnh việc đăng tải, giới thiệu các mô hình hay, các gương điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua, các cuộc vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên các trang mạng xã hội,... tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, xã hội và tạo khí thế thi đua sôi nổi trong thực hiện các phong trào thi đua và các nhiệm vụ công tác, qua đó góp phần khích lệ, nêu gương, động viên mọi tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Công tác khen thưởng được đổi mới, chặt chẽ hơn, bám sát về tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định; quan tâm khen thưởng đột xuất, khen thưởng người lao động trực tiếp là chủ yếu, giảm dần số lượng khen thưởng cá nhân lãnh đạo, quản lý; khen thưởng đúng người, đúng việc, có tính thuyết phục và sức lan tỏa cao. Bên cạnh đó, các quy định, hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh ngày càng hoàn thiện, chất lượng, có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Hội đồng Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát huy được vai trò tham mưu, tư vấn cho cấp ủy Đảng và chính quyền trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, và xét việc đề nghị khen thưởng. Cơ quan thường trực và các Thành viên hội đồng nêu cao trách nhiệm, chủ động tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Từ đó, các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng đã thực sự trở thành động lực to lớn, góp phần tích cực vào việc vào việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.
Phát huy những kết quả đạt được trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2020 cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh là nền tảng, động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X. Trên cơ sở đó, tỉnh Bình Phước xác định phương hướng phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn 2021 - 2025 là quyết tâm xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Giữ vững ổn định xã hội; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; tăng thu nhập, giảm đói, nghèo; toàn dân đoàn kết  đẩy lùi dịch bệnh côvid19, xây dựng đô thị hiện đại, nông thôn mới văn minh; quốc phòng - an ninh vững chắc với một số nội dung chủ yếu về công tác thi đua khen thưởng như sau:
- Thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế: Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng tâm hiệp lực, người người thi đua, ngành ngành thi đua. Chú trọng phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người lao động nhằm không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh...
- Thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội: Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”,  thi đua “Dạy tốt, học tốt”, thi đua nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả khoa học - công nghệ vào sản xuất, thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, “Lao động giỏi vì sức khỏe nhân dân, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển ngành Y tế”, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng”... kết hợp các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với giải quyết việc làm nhằm thu hút lao động vào làm việc ở mọi lĩnh vực; tập trung giảm nghèo ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua phát triển kinh tế gắn chặt với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả phong trào “Thi đua quyết thắng”, đảm bảo quốc phòng toàn dân, thực hiện tốt công tác tuyển quân, nhập ngũ. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”. Tăng cường công tác giáo dục quốc phòng đi đôi với xây dựng lực lượng vũ trang của tỉnh ngày càng vững mạnh; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan Tư pháp; đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống và trấn áp các loại tội phạm giữ vững ổn định chính trị ngay từ cơ sở.
Củng cố, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; duy trì, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các địa phương và các bên đối tác nước ngoài.
  - Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa VII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo trong tình hình mới; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, thực hiện chính quyền điện tử. Tiếp tục phát huy vai trò phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
 - Đổi mới nâng cao chất lượng các phong trào thi đua và công tác khen thưởng; phong trào phải bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương để làm nội dung thi đua; phong trào cần được tập trung về cơ sở và được tổ chức, phát động với những hình thức phong phú, có chủ đề, có tiêu chí thi đua cụ thể.
    - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến và tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp, tôn vinh, biểu dương điển hình trong các phong trào thi đua. Thông qua các phong trào thi đua lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để khen thưởng kịp thời; chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp.
      - Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và vai trò tham mưu của cơ quan chuyên trách, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp, các ngành, các địa phương./.
 

Tác giả: Nguyễn Tuấn - Phó Trưởng ban Ban TĐKT tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập993
  • Hôm nay174,406
  • Tháng hiện tại10,788,701
  • Tổng lượt truy cập470,681,388
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây