Thứ 5, 28/03/2024 23:04:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:01, 14/09/2020 GMT+7

Quan hệ đối tác ASEAN-Nhật Bản tiến triển bất chấp COVID-19

Nguồn TTXVN
Thứ 2, 14/09/2020 | 14:01:00 899 lượt xem
BPO - Các nước ASEAN cũng nổi lên là điểm đến phổ biến cho các công ty Nhật Bản dịch chuyển khỏi Trung Quốc kể từ năm 2018, đầu tiên là do căng thẳng Mỹ-Trung và hiện giờ là do COVID-19.

Quang cảnh Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Nhật Bản lần thứ 26. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)Quang cảnh Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Nhật Bản lần thứ 26

Những cuộc họp của ASEAN với các đối tác trong vai trò Chủ tịch của Việt Nam thông qua nền tảng kỹ thuật số trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng nổ là rất đáng chú ý vì tính thực chất, cam kết và liên tục.

Trong số các đối tác của ASEAN, Nhật Bản đang nổi lên là một đối tác quan trọng, đáng chú ý. VietnamPlus xin giới thiệu bài viết của Tiến sỹ Vijay Sakhuja, đăng trên trang mạng của Quỹ nghiên cứu quốc tế Kalinga.

Thương mại song phương và đầu tư trực tiếp nước ngoài

ASEAN và Nhật Bản là những đối tác thương mại quan trọng. Theo số liệu do Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tổng hợp, tổng kim ngạch thương mại song phương hai bên năm 2019 đạt 214 tỷ USD.

Vào tháng 6/2020, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã thông báo cho các nước ASEAN về những sửa đổi đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP), theo đó từ giờ sẽ cho phép nhiều dòng đầu tư và dịch vụ xuyên biên giới hơn.

Các nước ASEAN cũng nổi lên là điểm đến phổ biến cho các công ty Nhật Bản dịch chuyển khỏi Trung Quốc kể từ năm 2018, đầu tiên là do căng thẳng Mỹ-Trung và hiện giờ là do COVID-19.

Theo một khảo sát của JETRO, “chênh lệch giữa lượng đầu tư (của Nhật Bản) vào ASEAN và Trung Quốc tăng từ 10,2 tỷ yen vào năm 2017 lên 20,4 tỷ yen (191 triệu USD) vào năm 2019.”

Kế hoạch Hành động Phục hồi kinh tế ASEAN-Nhật Bản

Mối quan tâm đặc biệt trong quan hệ ASEAN-Nhật Bản hiện nay là việc thông qua Kế hoạch Hành động Phục hồi kinh tế ASEAN-Nhật Bản vào ngày 22-4-2020 dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Kajiyama Hiroshi.

“Tuyên bố chung về các sáng kiến về khả năng phục hồi kinh tế nhằm ứng phó với sự bùng phát của dịch bệnh do virus corona (COVID-19)” khẳng định hai bên có nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai chính sách nhằm đạt được ba mục tiêu một cách kịp thời: (a) duy trì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa ASEAN và Nhật Bản; (b) giảm thiểu các tác động tiêu cực của COVID-19 đối với nền kinh tế; (c) tăng cường khả năng phục hồi kinh tế thông qua AJERAP nhằm đối phó với những thách thức đối với nền kinh tế do COVID-19 gây ra.

Hai bên đều tin tưởng vào việc triển khai kịp thời AJERAP trên cơ sở “sự đa dạng, minh bạch và bền vững trong việc xây dựng chuỗi cung ứng vững chắc trong lĩnh vực công nghiệp.”

Dù sáng kiến AJERAP chỉ ở mức độ song phương, Nhật Bản cũng thúc đẩy các cam kết với ASEAN trong khuôn khổ cơ chế ASEAN+3 (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc).

Tuyên bố chung được đưa ra sau các cuộc họp hồi tháng 6/2020, Bộ trưởng các nước nhất trí hỗ trợ ASEAN phục hồi kinh tế sau đại dịch; đồng thời tuyên bố cam kết theo đuổi và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào năm 2020 thông qua “phối hợp giải quyết các vấn đề còn tồn tại của Ấn Độ bằng các cách thức đôi bên cùng có lợi, như đã được nêu trong Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo về RCEP hồi năm 2019 trong nỗ lực nhằm góp phần vào hội nhập kinh tế sâu rộng hơn tại khu vực.”

Hợp tác Quốc phòng và An ninh

Cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc phòng và an ninh giữa Nhật Bản và ASEAN. Nhật Bản đang hỗ trợ các cơ chế hợp tác và an ninh do ASEAN dẫn dắt, đồng thờinâng cao năng lực cho các nước thành viên ASEAN.

Năm 2006, Nhật Bản tham gia xây dựng Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền ở châu Á (ReCAAP) đầu tiên được thông qua vào năm 2006 tại Singapore, hiệp định khu vực đầu tiên giữa các chính phủ nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác chống cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền tại châu Á.

Vào tháng 11-2019, Nhật Bản đã công bố Tầm nhìn Ventiane 2.0 trong hội nghị không chính thức giữa các Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản-ASEAN nhằm tăng cường an ninh khu vực thông qua hợp tác quốc phòng ASEAN-Nhật Bản “tập trung vào việc đảm bảo pháp quyền, tăng cường an ninh hàng hải và đối phó với các mối đe doạ phi truyền thống.”

Gần đây, Nhật Bản đã thành lập Cục Chính sách Quốc phòng, một cơ quan mới thuộc Bộ Quốc phòng nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến đảo ASEAN và Thái Bình Dương, tăng cường hơn nữa “hợp tác an ninh phù hợp với định nghĩa về một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở của chính phủ Nhật Bản.”

Vào tháng 3-2020, hai bên khẳng định quan hệ đối tác chiến lược tại Cuộc họp lần thứ 14 Ủy ban hợp tác chung ASEAN-Nhật Bản nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác và xác định một số lĩnh vực ưu tiên hợp tác (cho năm 2020) thông qua “các chương trình và dự án hỗ trợ trong lĩnh vực hợp tác hàng hải, kết nối, các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, kinh tế và một số lĩnh vực khác như kinh tế kỹ thuật số, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), xử lý thảm họa.”

Nhật Bản cũng đi đầu trong đào tạo và cung cấp các nền tảng trên biển cho một số nước thành viên ASEAN nhằm giúp những nước này nâng cao năng lực chống lại các mối đe doạ trên biển.

Vào tháng 8-2020, Nhật Bản đã ký một thoả thuận cho Việt Nam vay 345 triệu USD để đóng sáu tàu tuần tra để “tăng cường khả năng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam” tại Biển Đông.

Trước đó, Nhật Bản cũng đồng ý giúp Philippines tái phát triển Vịnh Subic, trước đây là căn cứ hải quân của Mỹ, và nhất trí hợp tác “xây dựng một kế hoạch tổng thể, mang lại tiềm năng phát triển kinh tế ở khu vực Vịnh Subic.”

Cuối cùng, các sáng kiến trên của Nhật Bản trải dài trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là kinh tế, an ninh và y tế; đồng thời là biểu tượng cho mối quan hệ sâu sắc và bền chặt giữa ASEAN và Nhật Bản mà không ngừng được phát triển trong những thập kỷ vừa qua. Điều này sẽ càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh các nước ASEAN đang ở tâm điểm cuộc khủng hoảng do COVID-19 và căng thẳng Mỹ-Trung về vấn đề Biển Đông.

  • Từ khóa
35134

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu