Hoc tap bac

NHỮNG BỨT PHÁ TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIẢM 1.000 HỘ NGHÈO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Thứ hai - 17/05/2021 11:23
Bình Phước là tỉnh miền núi, biên giới, với dân số 994.679 người, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) có 195.635 người, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh, với 41 thành phần dân tộc sống đan xen thành cộng đồng tại 111 xã, phường, thị trấn, trong đó có 15 xã biên giới, 9 xã và 55 thôn đặc biệt khó khăn.
Đầu năm 2019, toàn tỉnh có 8.614 hộ nghèo, chiếm 3,55% trên tổng số hộ dân, trong đó hộ nghèo DTTS là 4.545 hộ, chiếm 52,76% tổng số hộ nghèo, chiếm 10,71% trên tổng số hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Đặc điểm hộ nghèo DTTS thường sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, các nhu cầu thiết yếu không được đảm bảo, trình độc học vấn của đồng bào DTTS còn hạn chế, ít có cơ hội tiếp cận thông tin, phương thức làm ăn hiệu quả nên tình trạng lập gia đình sớm, sinh con khi tuổi đời còn khá trẻ, sinh nhiều con làm cho đời sống của họ ngày càng khó khă hơn.
Đứng trước thực trạng đó, để đồng bào DTTS tiếp tục ổn định cuộc sống và sản xuất, an tâm, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhằm tăng cường sự đoàn kết dân tộc, củng cố quốc phòng an ninh và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS, Tỉnh ủy, HĐND chỉ đạo UBND tỉnh phấn đấu mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo DTTS. Và bắt đầu từ năm 2019, Chương trình mỗi năm giảm 1000 hộ nghèo DTTS được thực hiện, trở thành chương trình đặc thù riêng của tỉnh, tạo được sự bứt phá trên nhiều phương diện:
Huy động nguồn lực địa phương đạt mức cao nhất cho công tác giảm nghèo
Từ năm 2011 đến 2018, tổng kinh phí hỗ trợ cho công tác giảm nghèo là 1.306,635 tỷ đồng, nhưng phần lớn là ngân sách trung ương và nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi 1.157,3 tỷ đồng (chiếm 88,57%), nguồn vận động 145,608 tỷ đồng (chiếm 11,14%) và ngân sách địa phương 3,727 tỷ đồng (chiếm 0,29%). Như vậy, trong giai đoạn này, bình quân mỗi năm, tỉnh chỉ bố trí khoảng 500 triệu đồng và huy động được 18,2 tỷ đồng nguồn vận động để thực hiện công tác giảm nghèo.
 Tuy nhiên, chỉ riêng năm 2019, ngoài nguồn kinh phí Trung ương phân bổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là 107,926 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 40 tỷ đồng, vận động gần 20 tỷ đồng để hỗ trợ cho 1.000 hộ nghèo DTTS. Tiếp tục, năm 2020, kinh phí địa phương đã bổ sung nguồn lực, đưa nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh tăng lên 73,24 tỷ đồng, đồng thời tăng hỗ trợ từ nguồn vận động lên 35 tỷ đồng. Đến năm 2021, nguồn kinh phí địa phương bố trí 66,3 tỷ đồng, nguồn vận động 26 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ tính trong 03 năm kể từ khi thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS, tổng ngân sách tỉnh đã bố trí 179,54 tỷ đồng (bình quân mỗi năm bố trí 59,8 tỷ đồng, gấp 120 lần giai đoạn 2011-2018), nguồn vận động 81 tỷ đồng (bình quân mỗi năm vận động hỗ trợ 27 tỷ đồng, nhiều hơn 1,48 lần giai đoạn 2011-2018).
Số lượng hộ DTTS giảm nghèo hàng năm đạt mức cao nhất
Trước khi thực hiện Chương trình, số hộ nghèo DTTS giảm với tốc độ chậm hơn và chưa thực sự bền vững, năm 2017 giảm được 888 hộ; năm 2018 giảm được 804 hộ.
Sau khi thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS, kết quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS luôn đạt được theo xu hướng tăng dần cả về số lượng và chất lượng, cụ thể năm 2019, giảm 1.194 hộ (tăng 148% so với 2018); năm 2020, giảm được 1.548 hộ (tăng 130% so với 2019). Kết quả giảm nghèo của hộ nghèo DTTS đã trở thành bước đệm cho công tác giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững hơn, cuộc sống của người nghèo được tiếp cận gần hơn với các nhu cầu thiết yếu, các dịch vụ xã hội ngày càng đầy đủ và chất lượng hơn.
Đa dạng chính sách hỗ trợ
Trước đây, mỗi hộ nghèo chỉ được tiếp nhận hỗ trợ từ các chính sách (y tế, giáo dục, nhà ở, tiền điện, vay vốn,..) theo hình thức thụ động từ trên xuống vì đó là chính sách chung cho tất cả người nghèo (các chính sách hỗ trợ không phân biệt hộ nghèo là người kinh hay hộ nghèo DTTS). Nhưng đối với Chương trình này, sự thiếu hụt của các hộ nghèo DTTS được hỗ trợ đầy đủ hơn, đặc biệt là phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của từng hộ nghèo. Ở giai đoạn đầu Chương trình, chỉ thực hiện hỗ trợ 14 nhu cầu với 11 chính sách, đến nay đã tăng lên 25 nhu cầu tích hợp trong 8 nhóm chính sách, cụ thể: hỗ trợ đất ở; nhà ở (xây nhà, sửa nhà); nhà vệ sinh, nước sinh hoạt (đào giếng, khoan giếng, bồn đựng nước, bơm nước); điện lưới (kéo điện, điện năng lượng mặt trời); vay vốn; đào tạo nghề; ti vi (tiếp cận thông tin); hỗ trợ tạo việc làm tăng thu nhập như hỗ trợ chăn nuôi (trâu, bò, dê, lợn, vịt, gà), nông cụ (máy phát cỏ, máy cưa, bình xịt thuốc), trồng trọt (trồng nấm, trồng điều), hỗ trợ phương tiện đi lại (xe máy)…
 Xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thực tế, các hộ nghèo DTTS được hỗ trợ nhà ở, điện, nước, nhà vệ sinh, tivi, đào tạo nghề, vay vốn. Đặc biệt, hộ nghèo được quyền chủ động lựa chọn cách thức đa dạng hóa sinh kế để tạo việc làm tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình.
Trước khi thực hiên Chương trình, hộ dân tham gia xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo “chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi dê sinh sản, chăn nuôi gà thả vườn” theo nguồn vốn Trung ương phân bổ còn hạn chế (từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm) và phải thực hiện đúng theo quy định quản lý và sử dụng nguồn vốn mô hình giảm nghèo. Số lượng người tham gia phần lớn là người kinh đăng ký tham gia mô hình, còn người nghèo DTTS ít có nhu cầu tham gia mô hình nên đã gây khó khăn trong việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nghèo DTTS.
Nhưng hiện nay, với nhu cầu tạo việc làm, chính sách không quy định một hình thức hỗ trợ cứng nhắc như trước kia (chỉ được chọn nuôi bò hoặc trâu), mà các hộ dân chủ động lựa chọn và quyết định phương tiện sản xuất với sự hướng dẫn của địa phương, từ đó phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dân, đồng thời giúp chính sách phù hợp với điều kiện, đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình của từng khu vực và đặc biệt là phù hợp với điều kiện thực tế của từng hộ gia đình. Từ đó khắc phục được cơ bản các nguyên nhân dẫn đến nghèo.
Sự tham gia, phối hợp nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị, từ cấp tỉnh đến cơ sở
Khi nói đến công tác giảm nghèo, nhiều người thường nghĩ đó là nhiệm vụ của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế, đây lại là nhiệm vụ được gắn kết bởi cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành của tỉnh và các địa phương. Từ khâu tuyên truyền, vận động đến tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát đều được phân công cụ thể, phù hợp chức năng, nhiệm vụ, thể hiện bằng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và biên giới giai đoạn 2020 - 2025 tỉnh Bình Phước, với 30 thành viên gồm Lãnh đạo UBND tỉnh, UBMTTQ, các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND 11 huyện, thị xã, thành phố để đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện, đồng bộ, tránh tình trạng “vừa đánh trống vừa thổi còi” gây ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình.
Năm đầu tiên (2019) thực hiện Chương trình, nguồn kinh phí được giao cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh tổ chức hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo DTTS, tuy nhiên sau 1 năm thực hiện từ những hạn chế trong việc phân bổ nguồn vốn, các địa phương hoàn toàn thụ động, đứng ở khâu trung gian (giữa người dân và cơ quan thực thi cấp tỉnh) gây khó khăn trong việc hỗ trợ nhu cầu đến các hộ dân. Từ năm 2020 đến nay, toàn bộ nguồn vốn thực hiện Chương trình đều phân bổ về các địa phương chủ động lập kế hoạch hỗ trợ cho các hộ dân nghèo DTTS; các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra giám sát đối với các hạng mục thực hiện của Chương trình và kịp thời báo cáo tiến độ thực hiện, cũng như cập nhật những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện về cơ quan Thường trực Chương trình để kịp thời báo cáo và tham mưu UBND tỉnh (định kỳ 2 tuần/ lần) tiến độ thực hiện cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình.
Như vậy, sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình (2019-2021), với sự tập trung mọi nguồn lực, sự chung tay của toàn hệ thống chính trị, đoàn thể và người dân, đặc biệt là người nghèo DTTS đã tạo bước đột phá trong Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS tỉnh Bình Phước, điều đó ngày càng thể hiện qua kết quả giảm nghèo ngày càng bền vững hơn, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Giảm nghèo nhanh, bễn vững hướng đến đạt chỉ tiêu giảm nghèo
Kết quả sau 02 năm thực hiện, toàn tỉnh giảm 2.742 hộ nghèo DTTS, vượt 137% kế hoạch đề ra (2.000 hộ), đưa hộ nghèo DTTS từ 4.545 xuống còn 1.803 hộ, chiếm 3,95% trên tổng số hộ DTTS, hướng tới đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ  nghèo chung cho toàn tỉnh mỗi năm giảm 2.000 - 2.500 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
Thông qua Chương trình đã làm thay đổi về nhận thức, phương thức, hình thức, diện mạo nông thôn, giảm tình trạng thất nghiệp,.. góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thứ nhất, thay đổi về nhận thức.
Cán bộ, chính quyền địa phương được nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xem nhiệm vụ giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, bố trí đối ứng nguồn vốn của huyện, xã để thực hiện Chương trình; quyết liệt trong chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát; chính quyền cơ sở, các tổ chức hội, đoàn thể phải vào cuộc, tập trung vận động, hướng dẫn hộ nghèo cách làm cụ thể.
Hỗ trợ hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo DTTS phải có địa chỉ cụ thể, phải gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương, cộng đồng.
Giảm nghèo bền vững cho hộ nghèo DTTS phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân để tập trung mọi nguồn lực thực hiện Chương trình hiệu quả.
Người nghèo dân tộc thiểu số: Thay đổi nhận thức, phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân; thay đổi suy nghĩ, cách làm, thói quen của người dân trong thực hiện công tác giảm nghèo để giảm dần tư duy cho không, gây ỷ lại, phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Thứ hai, thay đổi diện mạo nông thôn ở vùng có nhiều đồng bào DTTS
Cải thiện các điều kiện thiết yếu cơ bản của hộ nghèo, như nhà ở, nhà vệ sinh, nước sinh hoạt, điện… góp phần cho người dân ổn định, an cư lạc nghiệp, đảm bảo cuộc sống người dân với các điều kiện cơ bản nhất, hướng đến đạt các tiêu chí xã nông thôn mới.
Thứ ba, giảm tình trạng thất nghiệp của hộ nghèo DTTS bằng cách hỗ trợ con giống, cây trồng, nông cụ và phương tiện đi lại, giới thiệu việc làm để tạo công công ăn việc làm tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình góp phần ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đạt được những thành tựu ban đầu sau hơn 02 năm thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS mỗi năm, một phần quan trọng là do Chương trình đã ngày càng hoàn thiện hơn về nội dung, phương thức quản lý, phân cấp thực hiện Chương trình ngày càng phù hợp, sát với tình hình thực tiễn địa phương và nguyện vọng chính đáng của hộ nghèo DTTS trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh giảm nghèo trong thời gian tới là công việc của cả trí tuệ và trái tim”. Chính vì vậy, nội dung và phương thức thực hiện Chương trình năm 2021 sẽ tiếp tục thực hiện trên nền tảng phát huy những thành tựu, khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua để thực hiện Chương trình ngày càng phù hợp với thực tiễn địa phương, nguyện vọng của đối tượng thụ hưởng, từ đó phát huy tối đa động lực của địa phương nói chung và người nghèo nói riêng, vươn lên thoát nghèo ngày càng bền vững hơn.
 

Tác giả: Hồng Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,004
  • Hôm nay73,256
  • Tháng hiện tại9,519,996
  • Tổng lượt truy cập493,383,434
sldtbxh_cchc
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây