Mục tiêu của Chương trình phối hợp công tác nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng cơ chế chính sách về giáo dục nghề nghiệp; Nghiên cứu các mô hình mẫu; tăng cường các hoạt động nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp.
Nội dung hợp tác nêu rõ, hai bên sẽ hối hợp nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng cơ chế chính sách về giáo dục nghề nghiệp trong đó có việc Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; Xây dựng đề án, nghiên cứu chính sách về phát triển đào tạo nghề thường xuyên; Triển khai Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (khi được Chính phủ phê duyệt); Xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp.
Ngoài ra, Hiệp hội GDNN và nghề CTXHVN sẽ tổ chức một số lớp đào tạo giáo viên, người dạy nghề giảng dạy kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp cho lao động nông thôn; đào tạo nghề và kiến thức kinh doanh khởi sự doanh nghiệp cho lao động nông thôn. Đồng thời, thực hiện tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp trên tạp chí, tạp chí điện tử “Nghề nghiệp và Cuộc sống” và các báo, tạp chí khác.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam cho rằng giáo dục nghề nghiệp đang bước vào giai đoạn mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi phải đổi mới về nội dung và yêu cầu về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, cũng như tính chất cạnh tranh của thị trường lao động dưới sự tác động của khoa học, công nghệ. Để đáp ứng yêu cầu công việc trong bối cảnh khoa học, công nghệ không ngừng phát triển, giáo dục nghề nghiệp bắt buộc phải đổi mới tư duy, phương pháp dạy và học.
Do đó, thời gian tới cần tạo sự đột phá về chất lượng nghề nghiệp và nâng tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề. Với những thay đổi căn bản, toàn diện, hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn tới sẽ có khác biệt so với hệ thống dạy nghề cũ trước đây.
Thay mặt Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, TS Nguyễn Hồng Minh cảm ơn sự phối kết hợp chặt chẽ của Hiệp hội, đặc biệt là của đồng chí Chủ tịch Hiệp hội, các đồng chí Phó Chủ tịch Hiệp hội đã đồng hành cùng Tổng cục trong mỗi bước phát triển để thực hiện đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp.
“Trong giai đoạn tới, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp mong muốn việc phối kết hợp giữa Tổng cục và Hiệp hội tiếp tục phát triển bền vững để đưa ra được những giải pháp hữu hiệu nhằm triển khai đồng bộ nhóm các giải pháp cần thực hiện đồng bộ để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, năm 2018 tập trung để: tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; Tăng cường đổi mới công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, xã hội về giáo dục nghề nghiệp, hoàn thành các chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2018; Sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chuẩn bị lộ trình đổi mới, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Xây dựng các chuẩn áp dụng trong giáo dục nghề nghiệp;Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, trong quản lý, đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” - TS Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh.