Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ năm - 05/04/2018 10:09
Đó là chủ đề của Chương trình giao lưu do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp cùng Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội vào sáng nay (4/4) nhằm chia sẻ kinh nghiệm từ 3 chuyên gia nghề hàng đầu của Australia về nghề chế biến món ăn, pha chế đồ uống tới sinh viên Việt Nam, đồng thời giúp cho các bạn sinh viên định hướng và khơi gợi niềm đam mê nghề nghiệp cũng như theo đuổi trong nghề du lịch.
Tham dự Chương trình giao lưu có TS. Trương Anh Dũng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Bà Joanna Wood – Tham tán Giáo dục và Khoa học, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam; Ông Trịnh Cao Khải – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cùng các bạn sinh viên chuyên ngành chế biến món ăn và quản trị nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống của nhà trường. Đặc biệt, để tạo nên bầu không khí giao lưu náo nhiệt và ý nghĩa là sự góp mặt của 3 Đại sứ nghề Australia gồm: Ông Stephen Lunn – Giáo viên Giáo dục Đào tạo Nghề ngành Khách sạn, Trường Cao đẳng Guilford, Chủ tịch Liên đoàn Ẩm thực Australia, Chủ sở hữu Trường Nấu ăn Chefaholic; Cô Samantha Masih – Nhân viên thực phẩm và dịch vụ ăn uống, Tập đoàn Mantra và Cô Emilia Montague – Nhân viên Dịch vụ nhà hàng, Tập đoàn Giải trí Ngôi sao, với thành tích đoạt Huy chương xuất sắc tại Hội thi Tay nghề thế giới, ngành Dịch vụ nhà hàng (năm 2017) Hiện thực hoá Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp giữa Việt Nam và Australia
Lễ ký Bản ghi nhớ về hợp tác Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam - Austrailia
Phát biểu tại buổi giao lưu, TS Trương Anh Dũng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, năm 2018 là năm có ý nghĩa đặc biệt giữa 2 nước Việt Nam và Australia. Là năm hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cũng là năm thiết lập mối quan hệ Đối tác chiến lược. “Vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng phụ trách Giáo dục nghề nghiệp và Kỹ năng Australia Karen Andrews đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp với 4 lĩnh vực hợp tác cụ thể, trong đó có việc thúc đẩy giao lưu, trao đổi sinh viên, giáo viên, nghiên cứu viên và các chương trình trao đổi khác giữa 2 nước. Buổi giao lưu của chúng ta ngày hôm nay chính là hoạt động cụ thể để hiện thực hoá Bản ghi nhớ hợp tác trong Giáo dục nghề nghiệp đã được ký kết, đồng thời cũng là hoạt động để thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Australia” – TS Trương Anh Dũng nhấn mạnh.
TS Trương Anh Dũng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng kỹ năng nghề giỏi và đạo đức nghề nghiệp tốt mới đem lại sự cao quý cho nghề nghiệp
TS Trương Anh Dũng mong rằng, chương trình giao lưu sẽ giúp các bạn sinh viên học hỏi được nhiều ở các bạn Australia về kỹ năng nghề. Tổng cục GDNN sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về GDNN để xã hội có nhận thức đúng và đầy đủ hơn về GDNN. Chia sẻ về câu chuyện chọn học nghề tại Australia, bà Joanna Wood – Tham tán Giáo dục và Khoa học, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho rằng, nhiều người vẫn tâm lý lo ngại về lương và triển vọng nghề nghiệp cho con em mình và cho rằng đại học là con đường duy nhất để có công việc ổn định và thành công. Theo khảo sát của Tổ chức Kỹ năng nghề Australia, cứ 5 bậc phụ huynh thì có 4 người muốn con theo học đại học thay vì học nghề. Tuy nhiên, bà cũng đưa ra một con số khiến chúng ta phải ngạc nhiên, đó là thu nhập trung bình của một bạn tốt nghiệp học nghề ra trường là 56.000 đô la Úc/năm và một bạn tốt nghiệp đại học là 54.000 đô la Úc/năm. Điều đó cho thấy, lựa chọn học nghề sẽ đem lại cơ hội, sự lựa chọn để theo đuổi ngành nghề thành công. "Australia với dân số hơn 60 triệu người, trong đó có khoảng 4,2 triệu người tham gia học nghề. Đó là tỷ lệ tương đối lớn. Và những người tốt nghiệp từ học nghề ra có thể có nhiều lựa chọn và thành công như trở thành giáo viên, nhà kinh doanh, lãnh đạo các tổ chức ... Cơ hội là rất rộng mở" - bà Joanna Wood nói
Bà Joanna Wood – Tham tán Giáo dục và Khoa học, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phát biểu tại chương trình giao lưu
Đánh giá về nhu cầu nhân lực khách sạn nhà hàng của Việt nam, bà Joanna Wood cho biết, theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, mỗi 1 năm Việt Nam sẽ cần 40.000 lao động có tay nghề trong lĩnh vực du lịch, khách sạn. Đây là triển vọng lớn cho Việt Nam, tuy nhiên thực tế là các doanh nghiệp đang phải đào tạo lại các học sinh, sinh viên mới ra trường để đáp ứng được yêu cầu của công việc. Nguyên nhân là do ở trong trường các bạn được học nhiều về lý thuyết hơn là thực hành và các kỹ năng mềm như làm việc nhóm. “Ý thức được điều đó, trong chương trình đào tạo nghề ở Australia đã lồng ghép việc học kỹ năng mềm trở thành một phần của chương trình học chính khóa để khi các bạn sinh viên ra trường sẽ sở hữu cả kỹ năng làm việc và kỹ năng sống. Cá nhân tôi tin tưởng tới đây, trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cũng như trong hệ thống các trường GDNN ở Việt Nam đang phát triển theo mô hình như vậy” - Bà Joanna Wood nói. Học nghề là sự hòa quyện giữa kỹ năng học và thực hành
Đại sứ nghề Australia Stephen Lunn cho rằng, Giáo dục đào tạo nghề đã mang lại sự tự do, tính linh hoạt và sự đa dạng để tạo ra một sự nghiệp thú vị và được đền đáp xứng đáng
Chia sẻ với các bạn sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Đại sứ nghề Australia Stephen Lunn cho biết mình bắt đầu con đường trở thành đầu bếp ở tuổi 15 và ông không thể tưởng tượng rằng công việc này sẽ đưa ông đến khắp nơi trên thế giới và đạt tới đỉnh cao của nghề nghiệp. Nhưng đó chính là những điểm mà sự nghiệp của Stephen đã đưa ông tới. Sau 33 năm trong ngành khách sạn, ông không muốn thay đổi điều gì khác. Lời khuyên của Stephen cho bất kỳ người trẻ tuổi nào đang cân nhắc sự nghiệp của mình trong ngành khách sạn là cần trang bị một thái độ đúng đắn “Kỹ năng có thể học được nhưng thái độ thì không” – Stephen nói. Những gì tôi muốn thấy ở sinh viên của tôi là niềm đam mê, sự cống hiến và cam kết. Nếu họ cho thấy họ muốn ở đó, điều này sẽ mang lại những kết quả thuận lợi, các nhà tuyển dụng sẽ đầu tư vào họ và sẽ giúp họ học càng nhiều càng tốt. Nhận ra những khó khăn trong việc đưa ra quyết định về nghề nghiệp của những người trẻ tuổi, Stephen mang đến các buổi học trình diễn cho học sinh lớp 9 và 10 để họ có một cái nhìn về ngành trước khi chọn những môn học cho năm lớp 11. “Bằng cách đó, học sinh biết họ đăng ký môn học như thế nào khi bắt đầu năm lớp 11 và họ đăng ký vì những ký do chính đáng. Những học sinh bắt đầu một nghề vào cuối năm lớp 12 gần như bước vào một sự nghiệp chứ không chỉ là một công việc”. Stephen tin rằng một trong những điều tốt nhất khi lựa chọn nghề nghiệp là những con đường khác nhau mà Giáo dục đào tạo nghề có thể mang lại. “Theo kinh nghiệm của tôi, khả năng là vô tận. Giáo dục đào tạo nghề đã mang lại cho tôi sự tự do, tính linh hoạt và sự đa dạng để tạo ra một sự nghiệp thú vị và được đền đáp xứng đáng” – Stephen nhấn mạnh.
Emilia Montague (áo đen) đang trình diễn cách pha chế Cocktail
Với Emilia Montague thì Giáo dục đào tạo nghề đã giúp cô trở nên tự tin hơn rất nhiều. Cô chia sẻ: “ Khi bắt đầu quá trình học nghề tại TAFE, tôi từng rất ngại ngùng và không tự tin khi nói chuyện với người khác. Tuy nhiên, khi ở TAFE, việc học các bài thực hành trong môi trường mà cả giáo viên và học sinh đều sẵn sàng giúp đỡ bạn thật tuyệt vời. Điều này đã đưa tôi ra khỏi vùng “an toàn” của chính mình và giờ đây tôi có thể nói chuyện với bất cứ ai” Sự tự tin của Emilia được nâng cao đến mức một trong những giáo viên của cô gợi ý cô nên nộp hồ sơ dự thi cuộc thi Tay nghề Australia trong mảng dịch vụ nhà hàng. Đại diện cho bang Queensland, Emilia dành chiến thắng trong bảng khu vực năm 2015 và sau đó dành danh hiệu quốc gia trong cùng năm đó. Cô tiếp tục tranh tài ở đấu trường quốc tế, đại diện cho Australia năm 2017 tại Hội thi tay nghề thế giới tại Abu Dhabi. Emilia cảm thấy rằng, Giáo dục đào tạo nghề là con đường có nhiều lợi thế một phần vì các giáo viên có kỹ năng nghề nghiệp và lôi cuốn học sinh bằng chính những câu chuyện của họ. Hội thi tay nghề Australia và Chương trình Đại sứ Hướng nghiệp Australia đã mở ra nhiều cơ hội cho Emilia. Ở Pinnacle People, Emilia là một trong 5% số nhân viên được lựa chọn để cung cấp dịch vụ khách sạn cho các tổ chức và cá nhân quan trọng. Emilia cũng là một thành viên của Hội Cựu sinh viên Giáo dục đào tạo nghề. Cô rất quyết tâm quảng bá cho Giáo dục đào tạo nghề và những lợi ích mà Giáo dục đào tạo nghề mang lại. Emilia chia sẻ “Học nghề khác với học đại học nhưng cũng có giá trị không kém, đặc biệt là sự hòa quyện giữa kỹ năng học và thực hành”.
Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: