Đường dây nóng
*Hỗ trợ, tư vấn TTHC, dịch vụ công: 0271.1022
*Ứng cứu sự cố an ninh thông tin mạng trên địa bàn tỉnh: 0844.68.93.93
*Hỗ trợ, giải đáp chính sách thuế: 02713.879.193, 02713.888.891
*Phản ánh, kiến nghị vốn vay, hoạt động bảo hiểm ngân hàng: 02713.870.047

Dự kiến vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia trong quý II/2024

Thứ bảy - 23/03/2024 09:43
Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết, đã chuẩn bị các yếu tố để có thể sẵn sàng vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia trong quý II/2024.
Bộ KH&CN đặt mục tiêu vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia trong quý II/2024
Bộ KH&CN đặt mục tiêu vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia trong quý II/2024


Hiện nay, ở Việt Nam, tình trạng loạn phần mềm truy xuất nguồn gốc, loạn app đang diễn ra khá phổ biến; hệ thống truy xuất nguồn gốc ở nước ta chưa thống nhất theo tiêu chuẩn GS1 của Tổ chức Mã số mã vạch quốc tế. Thay vào đó, khâu quản lý, truy xuất tại Việt Nam thường sử dụng các mã phân định, có cấu trúc tự động, chỉ có ý nghĩa khi dùng trong nội bộ.

Điều này dẫn đến thực trạng việc quản lý nguồn gốc khó khăn, dễ xảy ra hiện tượng trùng mã giữa các hệ thống truy xuất nguồn gốc khác nhau. Cách làm này còn gây khó khăn trong việc tương tác, trao đổi thông tin giữa các hệ thống khi truy vết sản phẩm trong chuỗi cung ứng.

Tháng 1/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Ðề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Ðề án 100). Một trong 5 nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra là thiết lập, xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia (Cổng thông tin).

Kết nối các hệ thống truy xuất nguồn gốc trong nước và quốc tế 

Ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) cho biết, mỗi ngành đều quản lý một khâu hoặc một dòng sản phẩm khác nhau trong xã hội. Mỗi địa phương lại có những đặc trưng sản phẩm riêng, có thể chỉ thực hiện một khâu trong chuỗi hình thành nên giá trị sản phẩm. 

Cổng thông tin đóng vai trò như cầu nối để kết nối tất cả thành phần tham gia, cụ thể là giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Các bên tham gia trong chuỗi cung ứng đều thông qua Cổng thông tin để kết nối, hình thành chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị sản phẩm.

Theo đó, Cổng thông tin sẽ kết nối các hệ thống truy xuất nguồn gốc trong nước và quốc tế; quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa trong nước và quốc tế; chia sẻ dữ liệu truy xuất nguồn gốc giữa các hệ thống. Thực hiện, giám sát, đánh giá các công việc liên quan quản lý truy xuất nguồn gốc; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc. Cổng thông tin cũng dựa trên số liệu báo cáo, thống kê và công nghệ để phân tích trợ giúp cơ quan quản lý đưa chính sách kịp thời, phù hợp.

Trong thời gian qua, Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia đã nỗ lực triển khai Đề án 100 và đạt được một số kết quả tích cực, như: Hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc dần được hoàn thiện; nhận thức xã hội về truy xuất nguồn gốc được nâng cao.

Hệ thống các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc đã được xây dựng và công bố. Ðến nay, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp các bộ có liên quan xây dựng và công bố 30 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về truy xuất nguồn gốc.

Tuy nhiên, việc đưa Cổng thông tin vào hoạt động chính thức vì còn vướng một số thủ tục liên quan đến tài chính, đấu thầu…

Ông Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết, việc xây dựng Cổng thông tin do Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia làm chủ đầu tư đã hoàn thành vào năm 2022; trong 10 tháng vận hành thử nghiệm, hệ thống này đã có sự kết nối với một số địa phương và hơn 4.000 doanh nghiệp tham gia.

Theo ông Hà Minh Hiệp, đây là nội dung quan trọng được lãnh đạo Bộ KH&CN rất quan tâm và đặt mục tiêu đưa vào vận hành Cổng thông tin trong quý II/2024.

Tại Hội nghị giám đốc sở KH&CN toàn quốc triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã nêu "2 việc cần làm ngay" của ngành KHCN trong quý II. Một trong số đó là sớm đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia trong quý II. Đây là việc nhiều địa phương rất quan tâm, phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại của hàng hóa và cũng là lời hứa của Bộ trưởng với Quốc hội.

Đến nay, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã chuẩn bị một số yếu tố để sẵn sàng đưa vào vận hành chính thức Cổng thông tin.

Theo đó, hệ thống này được xây dựng dựa trên khung kiến trúc của Chính phủ điện tử, bảo đảm tính đồng bộ và có thể kết nối với các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp. Hạ tầng mới của hệ thống cũng vừa được cập nhật, có thể hỗ trợ hơn 70.000 doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia đã thành lập các nhóm hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh/thành phố để bảo đảm tính sẵn sàng của hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc trong việc kết nối, đồng bộ với Cổng thông tin.

Ngoài ra, Trung tâm Mã số mã vạch cũng phối hợp với một số bộ, ngành để thực hiện việc kết nối hệ thống quản lý thông tin về truy xuất nguồn gốc của các ngành lĩnh vực có liên quan.

Để có thể duy trì Cổng thông tin, theo ông Hà Minh Hiệp, rất cần sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, Bộ KH&CN đã ban hành 30 tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc, do đó, rất mong muốn các bộ, ngành, địa phương thực hiện tuyên truyền, phổ biến, tổ chức đào tạo chuyên sâu bài bản để triển khai trong phạm vi quản lý.

Hơn nữa, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đang được sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn quản lý. Những vấn đề đặt ra trong quản lý chất lượng gắn với truy xuất nguồn gốc cũng sẽ được đưa vào trong luật. Ngoài ra, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã dự thảo thông tư quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và đang trình lãnh đạo Bộ xem xét, ban hành.

Cũng theo ông Hà Minh Hiệp, tại Diễn đàn Tổ chức Mã số mã vạch quốc tế diễn ra vào tháng 2 vừa qua tại Bỉ, một số ý kiến đã đưa ra ý tưởng mới để sử dụng cổng truy xuất này. Trước đây, hệ thống này được xây dựng với mục tiêu để truy xuất nguồn gốc nhưng hiện nay có thể sử dụng cổng này như một công cụ để tính toán về phát thải khí nhà kính, carbon.

"Chúng tôi đang giao cho Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia nghiên cứu vấn đề. Đây là một vấn đề mới và rất hay. Lấy Cổng thông tin làm nền tảng trung tâm, chúng ta có thể tích hợp thêm các thuật toán để tính toán phát thải carbon, khí nhà kính đối với một số sản phẩm hàng hóa theo chuỗi sản phẩm", ông Hà Minh Hiệp cho hay.

Tác giả: Hoàng Giang

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây