Toàn cảnh buổi tập huấn
Tại buổi tập huấn, báo cáo viên đã trình bày một số vấn đề về thực trạng và mối nguy hiểm của dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm như dịch cúm gia cầm (A/H5N1, A/H5N6, A/H7N9 ), bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng (ở trâu, bò, heo), bệnh heo tai xanh, bệnh gà rù…; phương pháp phòng bệnh dịch hiệu quả; quy trình tiêu độc, khử trùng trong chăn nuôi; phổ biến quy trình sử dụng dung dịch hoạt hóa anolyte trong xử lý môi trường và an toàn phòng dịch trong chăn nuôi.
Theo chuyên gia của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Bình Phước, dung dịch hoạt hóa Anolyte là sản phẩm của quá trình hoạt hoá (activation) dung dịch điện li bằng phương pháp điện hoá (electrochemichal). Khi điện giải dung dịch muối ăn (natriclorua, NaCl) 0,25%, Anolyte có các chỉ số đặc trưng như hàm lượng Clo hoạt tính là 250 - 500 mg/l; độ pH từ 7,8 - 8,2; thế oxy hoá - khử: 800 - 1.000 mV. Ngoài ra, quá trình điện phân trên còn tạo ra các hợp chất không bền có tính oxy hoá cao, sát khuẩn mạnh như: HO2-, H2O2, O3, HClO, ClO-...
Dung dịch hoạt hoá Anolyte diệt được rất nhanh nhiều loại vi khuẩn, virus, bào tử và nấm, kể cả các loại có sức đề kháng cao nhất như vi trùng bệnh lao, vi khuẩn bệnh Than, virus viêm gan B... Anolyte trở lại thành nước muối rất loãng sau vài ngày kể từ khi được điều chế, không để lại dư lượng hoá chất sau khi được sử dụng nên sạch về sinh thái, không làm ô nhiễm môi trường. Vì thế, đến nay đã có trên 50 nước trên thế giới (đặc biệt là Nga, Nhật, Đức, Mỹ, Hàn Quốc...) ứng dụng rộng rãi công nghệ này trong các ngành y tế, chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm... Ở Việt Nam, năm 1999, Trung tâm Phát triển Công nghệ cao đã nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị sản xuất dung dịch điện hoạt hóa và đã tiến hành nghiên cứu ứng dụng công nghệ này để khử trùng trong y tế, khử trùng nước cấp sinh hoạt, bảo quản quả tươi, nuôi trồng và chế biến thủy sản, chăn nuôi. Hiện nay công nghệ này đã được ứng dụng và mang lại kết quả tốt ở nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Hải Dương và một số địa phương khác.
Buổi tập huấn là một trong những nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Bình Phước nhằm nâng cao ý thức phòng trừ dịch bệnh cho người chăn nuôi, giúp họ ứng dụng hiệu quả các tiến bộ KH&CN để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; góp phần thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng và môi trường xung quanh./.
Nguyễn Văn Hùng