Làm theo Bác ở những ngôi trường vùng sâu

Thứ năm - 05/10/2017 15:54
Kết thúc giờ sinh hoạt sáng thứ 6 hàng tuần, không ai nhắc nhở ai nhưng 17/17 học sinh lớp 4A1, Trường tiểu học Lộc Tấn B, huyện Lộc Ninh tự nguyện bỏ tiền tiết kiệm ăn sáng nuôi heo đất giúp bạn vượt khó đến trường. Thầy Lê Văn Tuấn, Tổng phụ trách đội cho biết: Học sinh ở đây phần lớn còn nhiều khó khăn nhưng tiết kiệm để giúp đỡ các bạn khó hơn mình vươn lên học tập tốt nên em nào cũng tích cực hưởng ứng. Từ phong trào “Xe đạp 1.000 đồng”, mỗi tuần một em chỉ bỏ heo đất từ 1-2 ngàn đồng, nhưng sau 1 năm học toàn trường tích góp mua 5 chiếc xe đạp tặng học sinh nghèo ở xa trường. Tiểu học Lộc Tấn B chỉ là điển hình trong rất nhiều trường học vùng sâu, xa, biên giới khó khăn toàn tỉnh với nhiều mô hình hay, việc làm tốt trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.
Làm theo Bác ở những ngôi trường vùng sâu
Tiết kiệm để giúp bạn vượt khó đến trường là niềm vui của học sinh Trường tiểu học Lộc Tấn B

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời căn dặn giành cho các cháu nhỏ: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình…”. Thực hiện lời dạy của Bác, các em học sinh trên địa bàn tỉnh đã và đang cố gắng làm nhiều việc có ích, mang ý nghĩa nhân vă sâu sắc. Trường tiểu học Lộc Tấn B có 340 học sinh/14 lớp, trong đó người dân tộc thiểu số (DTTS) S’tiêng chiếm 36%. Số lượng học sinh ít với trên 40% là con em hộ nghèo, khó khăn nhưng thực hiện theo lời Bác dạy, Liên đội trường đã làm được rất nhiều việc, giúp hàng chục em vươn lên học tập tốt. Từ phong trào “Hũ gạo tình thương”, liên đội cùng các giáo viên tiết kiệm tiền tiêu vặt, mỗi tháng mua 30 - 50kg gạo hỗ trợ 3-5 học sinh nghèo; phong trào “Kế hoạch nhỏ”, thu gom vỏ lon, giấy vụn, mỗi năm thu trên dưới 10 triệu đồng. Riêng năm học 2016-2017, thu được 28 ngàn vỏ lon, 17.500kg giấy vụn, bán được hơn 10 triệu đồng. Số tiền thu được, ngoài nộp cho Hội đồng đội huyện theo quy định, từ năm học 2015-2016 đến nay, liên đội trích tiền làm cầu bập bênh, đu quay, sân khấu, bảng tên trường, mua sắm dàn máy vi tính, tủ sách đoàn - hội - đội, mỗi năm từ 5 - 7 triệu đồng; phong trào “Xe đạp 1.000 đồng”, thực hiện bằng hình thức nuôi heo đất tại các chi đội, mỗi tháng tiết kiệm từ 100 - 150 ngàn đồng/lớp. Ngoài nộp cho liên đội mua xe đạp tặng bạn, thì các chi đội còn giữ lại khoảng 30% làm quỹ khen thưởng. Qua các phong trào, đã có nhiều em đạt hiệu “Dũng sĩ kế hoạch nhỏ” cấp tỉnh, cấp huyện, điển hình như em Nguyễn Thanh Trần Gia Hùng, từ lớp 1 đến lớp 4 đều được Hội đồng đội khen và tặng kỷ niệm chương; liên đội trường 9 năm liền đạt xuất sắc và 6 năm liền được Trung ương Đoàn tặng bằng khen.
 
lop 4a1
Lớp 4A1 trong giờ học

Học sinh Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh thuộc 4 thôn DTTS đặc biệt khó khăn nhất của xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập là thôn 3, thôn 2 Bù Bưng, thôn 2 Bù Khơn và thôn 10 (tiểu khu 42) với gần 500 em/22 lớp, trong đó người DTTS chiếm 76%. Phụ huynh ở đây phần lớn hộ nghèo, vì thế việc thực hiện xã hội hóa giáo dục là không thể. Qua các phong trào nuôi heo đất, thu gom giấy vụn, vỏ lon, từ năm học 2015-2016 đến nay, trường xây dựng nhiều công trình ý nghĩa, thiết thực như: Huy hiệu đội, nhà xe, mua sắm 10 ghế đá, tặng 5 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo và hàng chục suất học bổng, trị giá 300 ngàn đồng/suất. Đó cũng là những việc làm dù nhỏ nhưng ý nghĩa lớn của hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh.
 
dinh bo linh
Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh đứng chân trên địa bàn đặc biệt khó khăn xã Đắk Ơ nhưng nhiều năm liền không có học sinh bỏ học

Nghĩa tình thầy trò trên vùng đất khó
Trường tiểu học Đăng Hà, xã Đăng Hà (Bù Đăng) thuộc địa bàn khó khăn, giao thông cách trở với hơn 80% học sinh DTTS. Nhưng bằng tấm lòng vì học sinh thân yêu, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nơi đây đã làm tất cả những gì có thể để giúp học sinh nghèo ăn no, mặc ấm, được cắp sách tới trường, vươn lên học tập tốt. Thầy Phan Công Hiếu, Hiệu trưởng cho biết: Học sinh của trường thuộc các thôn 3, 5, 6, trong đó thôn 5 có diện tích rộng, dân sống thưa, giao thông cách trở. Từ tổ 4, thôn 5 ra đến trường có nơi gần 10km, trong đó phần lớn là đường đồi, hẹp, dốc cao, trơn trượt, các phương tiện không thể lưu thông mà phải đi bộ. Để đến trường kịp giờ học, nhiều em phải dùng đèn pin soi đường đến lớp từ lúc mờ sáng.  Để giúp học sinh nghèo, khó khăn, xa nhà có được bữa cơm trưa khi ở lại học buổi chiều, từ năm 2008, trường đã thành lập bếp cơm tình thương và vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ lương thực, thực phẩm, tiền mặt. Những năm đầu, trường vận động được từ 20-30 suất/ngày, đến năm học 2016-2017 vận động 58 suất/ngày. Bếp ăn do chính các nhân viên văn phòng nhà trường thực hiện, vừa đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm vừa đỡ tốn chi phí thuê nhân công. Ngoài bữa ăn trưa miễn phí, phần lớn học sinh nơi đây không phải đóng góp bất cứ khoản nào. Hằng năm, nhà trường đều gửi thư ngỏ kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ hàng trăm suất quà, học bổng, xe đạp, sách vở, quần áo, gạo... cho các em. Ngoài ra, từ đầu năm học 2015-2016 đến nay, thực hiện Chỉ thị 03, nay là Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, mỗi cán bộ, giáo viên của trường tự nguyện đăng ký theo dõi, giúp đỡ từ 1-3 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt. Những việc làm cụ thể, thiết thực của Trường tiểu học Đăng Hà trở thành điển hình trong toàn ngành giáo dục tỉnh, được các cấp khen thưởng.

Đứng chân trên địa bàn xã biên giới khó khăn, số lượng học sinh rất ít (254 em/8 lớp), những năm qua Trường THCS Phước Thiện (Bù Đốp) thực hiện nhiều phong trào thi đua hiệu quả, như: “Đôi bạn cùng tiến”, “Bạn giỏi giúp bạn yếu”, “Tổ nhóm học tập”... có sự giám sát, theo dõi của giáo viên chủ nhiệm; “Thầy trò ta cùng tiến”, mỗi giáo viên đăng ký giúp 5-10 học sinh yếu, kém vươn lên trong học tập. Thực hành tiết kiệm giúp học sinh nghèo, nhà trường phân công đoàn thanh niên nhận đỡ đầu 1 học sinh nghèo/năm; hội phụ nữ tiết kiệm 1 năm 2 triệu đồng, tặng 2 sổ tiết kiệm cho học sinh khó khăn; liên đội quyên góp mua 2 xe đạp, tặng 2 học sinh nghèo ở xa trường; mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trích tiền lương đóng góp vào quỹ khuyến học mỗi tháng 20 ngàn đồng trao học bổng cho học sinh nghèo học tốt.

Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những năm trước, Trường THPT Trần Phú (Hớn Quản) tuyên truyền, vận động trước cờ, tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt chi bộ qua những mẫu chuyện về Bác, gương người tốt, việc tốt. Nhưng từ năm học 2016-2017, nhà trường cụ thể hóa bằng thực hành tiết kiệm hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó đến lớp, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trích 20 ngàn đồng/tháng, học sinh góp 4 ngàn đồng/tháng. Toàn bộ kinh phí góp cho quỹ khuyến học nhà trường với gần 40 triệu đồng/năm tặng hàng chục suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học tốt…

Và những thành quả
Qua 20 năm tái lập tỉnh, dù được các cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư, hỗ trợ xây dựng trường lớp. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường học, nhất là các trường vùng sâu, xa, biên giới cơ sở vật chất còn thiếu, có nơi phải học trong phòng tạm, mượn. Dù vậy, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, lòng tâm huyết của đội ngũ thầy cô giáo, nghị lực vượt khó của học sinh nên chất lượng giáo dục ngày càng tăng cao, tỷ lệ học sinh bỏ học ngày càng giảm. Đứng chân trên địa bàn xã biên giới xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh nhưng từ khi tách trường năm 2010 đến nay, Trường tiểu học Lộc Tấn B không có học sinh bỏ học; 3 năm liền trường đạt danh hiệu xuất sắc toàn diện được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen, luôn dẫn đầu ngành GD-ĐT huyện Lộc Ninh. Các Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, Trương Định (Bù Gia Mập), Đăng Hà, Lý Tự Trọng (Bù Đăng)…phòng học xuống cấp, học sinh đi học xa với trên 75% học sinh DTTS nhưng nhiều năm liền không có học sinh bỏ học, tỷ lệ huy động ra lớp luôn đạt 100%. Là đơn vị khó khăn nhất của huyện Bù Đốp về cơ sở vật chất, nhưng bằng những việc làm cụ thể theo gương Bác, Trường THCS Phước Thiện luôn dẫn đầu huyện về điểm thi vào lớp 10. Cụ thể, 3 năm học gần đây trường có từ 2-4 em đỗ vào Trường THPT chuyên Bình Long, đặc biệt trường luôn có tỷ lệ học sinh bỏ học thấp nhất huyện từ 3-5 em/năm.
Những năm trước, tình trạng học sinh bỏ học trở thành hiện tượng “nóng” báo động trong ngành giáo dục tỉnh nhưng đến nay đã giảm hẵn. Năm học 2013 - 2014, toàn tỉnh có 937 học sinh phổ thông bỏ học, chiếm 0,52%, đến năm học 2016-2017, chỉ còn 589 em bỏ học, chiếm 0,32% trên tổng số học sinh toàn tỉnh. Đặc biệt, chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh luôn tốp đầu cả nước. Kết quả đó, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ tặng quà, trao học bổng, miễn giảm các khoản đóng góp…trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ thầy cô giáo và các em học sinh.
Vũ Thuyên

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay187,982
  • Tháng hiện tại2,771,453
  • Tổng lượt truy cập486,634,891
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây