sct

Thủ tướng: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, "chỉ bàn làm, không bàn lùi" để đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử

Thứ hai - 10/06/2024 14:19
Kết luận Hội nghị sáng 10/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch UBND các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, tự tin, đổi mới, "không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, mang lại lợi ích cụ thể, thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, "chỉ bàn làm, không bàn lùi" để đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, "chỉ bàn làm, không bàn lùi" để đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sáng 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ việc tháo gỡ các "điểm nghẽn" Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa điểm cầu Trụ sở Chính phủ tới điểm cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện các ban của Đảng và cơ quan của Quốc hội; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao Bộ Công an, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan đã phối hợp chuẩn bị và tổ chức chu đáo Hội nghị.

Hoan nghênh, đánh giá cao và cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo, tham luận, ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, mang tính xây dựng, Thủ tướng giao Bộ Công an, Bộ Tài chính phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện và trình ban hành văn bản chỉ đạo để thống nhất triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Tích cực tháo gỡ 5 "điểm nghẽn"

Thủ tướng chỉ rõ những kết quả đạt được trong tháo gỡ "điểm nghẽn" Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Thứ nhất, đã có sự chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu nhằm tháo gỡ 5 "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06 và Chỉ thị số 18.

Định kỳ hằng tháng, Tổ công tác Đề án 06 đã tổ chức họp giao ban để đánh giá, kiểm điểm kết quả triển khai (11 cuộc). Ban hành nhiều văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương về những nhiệm vụ còn chậm tiến độ, xử lý những "điểm nghẽn" của Đề án 06. Các bộ, ngành, UBND địa phương cấp tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 06 năm 2024; 55/63 địa phương đã ban hành Chỉ thị đẩy mạnh triển khai Đề án 06, nhiều địa phương có các cách làm hay, sáng tạo như Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, TPHCM, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Bình Dương, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Nghệ An…
 
Thủ tướng chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn' trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các bộ, ngành triển khai quyết liệt Chỉ thị số 18, nhất là trong công tác kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện định danh và xác thực điện tử; đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông..., từ đó quản lý khá tốt các loại hình kinh doanh thương mại điện tử và đạt kết quả đáng ghi nhận.

Thứ hai, công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý đồng bộ, minh bạch, hiệu lực được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực.

Trình Quốc hội thông qua 2 Luật (gồm: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7/2024); Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định (gồm: Nghị định về danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 130 ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số). Nhiều bộ, ngành đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức triển khai Đề án 06.

Đã chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung về công tác quản lý thuế (như: Hướng dẫn Luật Quản lý thuế, hóa đơn điện tử; kê khai, nộp thuế, mức thuế suất; cung cấp thông tin, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới).

Thứ ba, triển khai dịch vụ công trực tuyến ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Đã tái cấu trúc quy trình đối với hầu hết các dịch vụ công thiết yếu; đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở liên thông điện tử, tái sử dụng dữ liệu số hóa giúp tiết giảm thủ tục, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp.

Đã đơn giản hóa 763/1.084 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, đồng thời công bố, cập nhật công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó điều chỉnh, tái cấu trúc lại quy trình nội bộ, quy trình điện tử để thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Đã cung cấp hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Có 62/63 địa phương đã ban hành Nghị quyết về miễn giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Đề án 06 đã cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu, giúp tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng/năm. Đã chính thức triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế, bước đầu phát huy hiệu quả (với nhu cầu 2,6 triệu phiếu lý lịch tư pháp trên toàn quốc hằng năm, dự kiến tiết kiệm khoảng 637 tỷ đồng mỗi năm).

Thứ tư, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành tiếp tục được đẩy mạnh, tạo tiện ích trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến tới người dân, doanh nghiệp.

Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư đã được kết nối, chia sẻ với 18 bộ, cơ quan và 63 địa phương. Đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp, kích hoạt 54 triệu tài khoản và tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin.

Ứng dụng VNeID được người dân hưởng ứng sử dụng với số lượng truy cập khoảng 29,3 triệu lượt/tháng; doanh nghiệp xác thực căn cước khoảng 500.000 lượt/tháng; 100% học sinh nộp hồ sơ và xét điểm ưu tiên thông qua dữ liệu dân cư.

Đã đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu để tăng cường công tác quản lý thuế và phát triển thương mại điện tử (Rà soát thông tin của cá nhân, hộ kinh doanh để tiến tới sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế với tỉ lệ khớp đúng đạt 91,36%; có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID để thực hiện thủ tục thuế trên ứng dụng eTax Mobile. Chia sẻ dữ liệu 929 sàn giao dịch thương mại điện tử, 284 ứng dụng bán hàng trên mạng và 144 triệu tài khoản thanh toán tại 96 ngân hàng thương mại).

Thứ năm, hạ tầng số được quan tâm đầu tư và đạt một số kết quả tích cực, nhất là Trung tâm dữ liệu quốc gia đang được tích cực triển khai.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng trân trọng biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được nêu trên của các bộ, ngành, địa phương trong tháo gỡ các "điểm nghẽn" đối với Đề án 06 và thực hiện Chỉ thị số 18 để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số quốc gia.
 
Thủ tướng chỉ rõ những kết quả đạt được trong tháo gỡ "điểm nghẽn" Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, là quan trọng

Theo Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác triển khai Đề án 06 và kết nối, chia sẻ dữ liệu trong thời gian tới vẫn đối diện một số tồn tại, hạn chế.

Một là, tiến độ xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách vẫn chậm so với yêu cầu.

Vẫn còn 3/6 nghị định chưa được ban hành đúng thời hạn. Còn 1 địa phương chưa hoàn thành việc ban hành các nghị quyết miễn, giảm phí lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm, vẫn còn 317 thủ tục được quy định tại 65 văn bản quy phạm pháp luật, gồm: 1 luật, 26 nghị định, 8 thông tư liên tịch, 30 thông tư cần tiếp tục sửa đổi. Đặc biệt, việc tái cấu trúc, quy trình nghiệp vụ các thủ tục hành chính còn rất chậm, nhất là với các thủ tục liên quan đến nhiều cơ quan.

Thể chế, cơ chế, chính sách về thương mại điện tử còn chậm thay đổi, chưa bám sát tình hình thực tế và phù hợp với thông lệ quốc tế; chưa xây dựng chiến lược về phát triển thương mại điện tử mang tính dài hạn.

Hai là, phát triển hạ tầng số còn nhiều bất cập, chưa khắc phục được tình trạng "manh mún, cát cứ thông tin, chia cắt và co cụm dữ liệu".

Vẫn còn các thôn, bản "trắng" sóng, "lõm" sóng, chưa có điện lưới để đáp ứng nhu cầu của người dân và phục vụ công tác chuyển đổi số, Đề án 06 và phát triển thương mại điện tử.

Tỉ lệ tái sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa phục vụ giải quyết thủ tục hành chính còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu.

Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương còn gặp khó khăn, chưa đồng bộ, tương thích về mặt kỹ thuật.

Triển khai định danh và xác thực điện tử, đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông... còn chậm; định danh, xác thực cá nhân, tổ chức, triển khai hóa đơn điện tử còn gặp nhiều khó khăn, rào cản.

Ba là, công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi còn chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng tấn công mạng có xu hướng gia tăng. Vẫn còn tình trạng chưa bảo đảm về an toàn thông tin, lộ lọt dữ liệu công dân, gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

Bốn là, quản lý thuế, nhất là thu thuế với dịch vụ livestream, thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống ở các địa phương… còn thất thoát.

Năm là, công tác tuyên truyền về triển khai Đề án 06 chưa được thường xuyên, liên tục, nhất là về mô hình hay, cách làm tốt, hiệu quả để các nơi tham khảo, học tập, nhân rộng.

Thủ tướng chỉ rõ, từ sơ kết công tác triển khai trong thời gian qua và trên cơ sở nhận diện những tồn tại, hạn chế đã nêu, chúng ta rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau để lưu ý quán triệt trong thời gian tới:

Thứ nhất, phải quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương để thúc đẩy triển khai Đề án 06 và phát triển thương mại điện tử. Huy động sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, là quan trọng, phải quan tâm, đầu tư về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, hoàn thiện thể chế, xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân lực, tạo phong trào, xu thế để làm.

Thứ hai, phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động rất quyết liệt, hiệu quả hơn, đặc biệt là của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Chỉ đạo điều hành và tổ chức triển khai đồng bộ, linh hoạt, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, không dàn trải, kéo dài.

Thứ ba, phải đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, thí điểm các mô hình mới trong triển khai Đề án 06 và phát triển thương mại điện tử đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển.

Thứ tư, phải lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm trong chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 và phát triển thương mại điện tử; để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng những thành quả từ chuyển đổi số, Đề án 06 và thương mại điện tử mang lại; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trên tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

Thứ năm, phải luôn giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân.
 
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa điểm cầu Trụ sở Chính phủ tới điểm cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

5 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Theo Thủ tướng, trong thời gian tới, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, trong đó có việc triển khai hiệu quả Đề án 06 và phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, nhiệm vụ đặt ra cho chúng ta là hết sức nặng nề nhưng vô cùng quan trọng và không kém phần vẻ vang.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch UBND các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, tự tin, đổi mới, "không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm", phát huy quyết tâm "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là có kết quả cân đong đo đếm được", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau để xử lý dứt điểm các điểm nghẽn, tồn tại.

Thứ nhất, khẩn trương hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển dữ liệu về dân cư, kết nối, chia sẻ dữ liệu nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung; các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tích cực, sáng tạo theo thẩm quyền, không trông chờ, không ỷ lại.

Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và Luật Dữ liệu; sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử để thay thế Nghị định số 59/2022/NĐ-CP. Khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Căn cước, đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý dân cư; thống nhất phương án đơn giản hóa triệt để 317 thủ tục hành chính liên quan đến khai thác dữ liệu công dân.

Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, tham mưu Chính phủ về đề xuất sửa đổi các luật và văn bản hướng dẫn liên quan đến thương mại điện tử, nhất là Luật Bảo vệ người tiêu dùng; nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển thương mại điện tử nhằm quản lý, phát triển bền vững các nền tảng thương mại điện tử trong nước, xuyên biên giới, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm tính cạnh tranh và ngăn chặn có hiệu quả các hành vi bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng.

Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về áp dụng hóa đơn điện tử đối với các giao dịch thương mại điện tử, dịch vụ livestream, dịch vụ ăn uống...

Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng, hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành các văn bản thi hành Luật Giao dịch điện tử (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024); Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Bộ Nội vụ khẩn trương xây dựng, hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành các văn bản thi hành Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định liên thông điện tử với 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông; hoàn thiện tài liệu hướng dẫn mô hình mẫu về bộ phận một cửa cung cấp dịch vụ công theo hướng kết hợp bộ phận một cửa của các đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn.
 
Theo Thủ tướng, trong thời gian tới, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, nhiệm vụ đặt ra cho chúng ta là hết sức nặng nề nhưng vô cùng quan trọng và không kém phần vẻ vang - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ hai, đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân.

"Bảo đảm các điều kiện cần thiết để từ ngày 1/7/2024 chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử", Thủ tướng yêu cầu.
Hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin sổ sức khỏe điện tử trên VNeID; khẩn trương đánh giá những dịch vụ công đang thí điểm hiệu quả như cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại Thừa Thiên Huế và Hà Nội để nhân rộng trên toàn quốc.

Các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thành việc kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công (theo đúng chỉ đạo tại Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương, tạo tiền đề cho phát triển, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia và hình thành kho thông tin định danh số cho công dân, tổ chức trong thực hiện các thủ tục hành chính. Đẩy mạnh tích hợp đồng bộ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển Chính phủ số và thúc đẩy các giao dịch thương mại trên môi trường số được thường xuyên, liên tục, an toàn.

Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế và thực hiện đồng bộ các giải pháp về hóa đơn điện tử, nhất là trong quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Đẩy mạnh số hóa, làm giàu cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp về hóa đơn điện tử, các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực để triển khai hóa đơn điện tử trong bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng. Rà soát, xử lý nghiêm các vi phạm của các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn điện tử.

Thứ năm, các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động rà soát, khắc phục hiệu quả 6 nhóm vấn đề hạn chế, tồn tại, khuyết điểm như báo cáo của Bộ Công an đã chỉ ra, có lộ trình thực hiện (về pháp lý, dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng số, an ninh, an toàn mạng, nguồn lực, chỉ đạo, điều hành…).

Về các kiến nghị, Thủ tướng giao VPCP tổng hợp, phân công các bộ, ngành xử lý theo thẩm quyền và có lộ trình hoàn thành phù hợp; nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo Thủ tướng, 2 năm rưỡi vừa qua là chặng đường không ngắn nhưng cũng chưa dài đối với nhiệm vụ thực hiện Đề án 06 của chúng ta nói riêng và công cuộc chuyển đổi số quốc gia nói chung. Phía sau chúng ta là những kết quả triển khai rất ấn tượng nhưng hết sức cơ bản, và phía trước chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch UBND các địa phương với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, cùng sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06, đồng thời thực hiện hiệu quả việc kết nối, chia sẻ dữ liệu nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy thương mại điện tử nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, mang lại lợi ích cụ thể, thiết thực cho người dân và doanh nghiệp./.

Link:https://baochinhphu.vn/thu-tuong-neu-cao-tinh-than-trach-nhiem-chi-ban-lam-khong-ban-lui-de-day-manh-chuyen-doi-so-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-102240610120756552.htm

Nguồn tin: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,110
  • Hôm nay518,398
  • Tháng hiện tại9,948,537
  • Tổng lượt truy cập469,841,224
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây