Nhận thức của Đảng về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trước Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị
Các lãnh đạo, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng đã có nhiều bài viết về sự hy sinh, đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam, đặc biệt là công lao to lớn của Người trong việc tìm tòi, phát hiện ra con đường cứu nước đúng đắn, phù hợp cho dân tộc. Tiêu biểu là các cuốn sách: “Cách mạng Tháng Tám” (năm 1946), “Kháng chiến nhất định thắng lợi” (năm 1947), “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” (năm 1948) của đồng chí Trường Chinh; cuốn “Lãnh tụ của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam” (năm 1950) của đồng chí Lê Duẩn; cuốn “Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc” (năm 1948) của đồng chí Phạm Văn Đồng. Tuy chưa đề cập trực tiếp tới nội hàm tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhưng nội dung các cuốn sách trên đã khắc họa những vấn đề này thông qua trình bày, phân tích về những đóng góp lớn lao của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc ta.
Việc học tập theo đường lối chính trị, tác phong và đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được phát động tại Đại hội II của Đảng (tháng 2-1951), với việc kêu gọi: “Toàn Đảng hãy ra sức học tập đường lối chính trị, tác phong và đạo đức cách mạng của Hồ Chủ tịch”(1) và nêu rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của “sự học tập ấy, là điều kiện tiên quyết làm cho Đảng mạnh và làm cho cách mạng đi mau đến thắng lợi hoàn toàn”(2).
Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1960), thay mặt Đảng, đồng chí Trường Chinh khẳng định vai trò, ý nghĩa của việc tìm hiểu và học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh đối với tổ chức đảng và đảng viên: “Nhân dịp này, chúng ta hãy ôn lại tiểu sử và sự nghiệp Hồ Chủ tịch, tìm hiểu và học tập tư tưởng, đạo đức và tác phong của Người để phục vụ nhân dân được tốt hơn”(3).
Từ năm 1960, Đảng đặt ra yêu cầu chú trọng việc quán triệt và tổ chức thực hiện học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh. Năm 1969, tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã đọc Điếu văn tiễn biệt Người, thể hiện lòng tiếc thương vô hạn, sự tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp và công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng và dân tộc Việt Nam: Hồ Chủ tịch là người Việt Nam đầu tiên đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh nước ta, vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam từng bước tiến lên, từ thắng lợi này đến thắng lợi khác(4)...; cán bộ, đảng viên phải suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ tịch(5); vĩnh biệt Người, chúng ta thề: Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người,... Tiếp đó, ngày 29-9-1969, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, khẩu hiệu hành động: “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại!” đã tạo động lực mãnh liệt, có sức hiệu triệu to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta.
Việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được văn kiện Đại hội III (năm 1960), Đại hội IV (năm 1976) của Đảng tiếp tục khẳng định và bổ sung. Đại hội V của Đảng (năm 1982) nhấn mạnh: Đảng ta phải đặc biệt coi trọng tổ chức học tập một cách hệ thống tư tưởng, đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn Đảng. Tại Đại hội VI, Đảng đặt ra yêu cầu: Muốn đổi mới tư duy, Đảng phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Như vậy, trước Đại hội VII (năm 1991), nhận thức của Đảng về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thể hiện ở các nội dung chính sau: Tư tưởng; đạo đức cách mạng; tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân; kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế; tác phong, lời nói đi đôi với việc làm, lý luận gắn với thực tiễn và yêu cầu cán bộ, đảng viên chú trọng việc học tập, nghiên cứu các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991) đã khẳng định những vấn đề rất quan trọng. Một là, Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động(6). Hai là, Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo và góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ba là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa làm cho thế giới quan Mác - Lê-nin và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh giữ vị trí chỉ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Đại hội VII của Đảng cho thấy bước phát triển quan trọng trong nhận thức của Đảng về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mở ra những hướng nghiên cứu tư tưởng của Người một cách bài bản, hệ thống, toàn diện hơn.
Đại hội VIII của Đảng khẳng định, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong sáu bài học chủ yếu. Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng khẳng định lại nhiều vấn đề về tư tưởng Hồ Chí Minh được nêu trước đó. Đồng thời, Nghị quyết yêu cầu thực hiện thường xuyên, nghiêm túc công tác bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên các vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó nhấn mạnh phải chú trọng việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.
Đại hội IX của Đảng (năm 2001) xác định khá toàn diện và có hệ thống những vấn đề căn cốt trong nội hàm khái niệm “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Theo đó, tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.
Ngày 27-3-2003, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW, “Về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”. Chỉ thị số 23-CT/TW nhấn mạnh nội hàm khái niệm “tư tưởng Hồ Chí Minh” đã nêu trong Đại hội IX, đồng thời nêu bật một cách toàn diện thành tựu và hạn chế trong công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh từ Đại hội VII đến năm 2003. Chỉ thị số 23-CT/TW là chỉ thị đầu tiên về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đảng ban hành từ khi khởi xướng sự nghiệp đổi mới, thể hiện bước phát triển quan trọng trong nhận thức và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta.
Đại hội X của Đảng (năm 2006) nêu rõ, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin mãi mãi là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và của dân tộc ta... Sau Đại hội X, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 7-11-2006, “Về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh””. Chỉ thị nêu nội hàm khái niệm “tư tưởng Hồ Chí Minh” đã được xác định trong Đại hội IX; đồng thời, xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Những nội dung trọng tâm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Chỉ thị xác định là phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí thông qua các tác phẩm: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “Di chúc”.
Đại hội XI của Đảng (năm 2011) xác định khá toàn diện và có hệ thống những vấn đề cốt yếu của nội hàm khái niệm “tư tưởng Hồ Chí Minh”: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi. Nội dung này được khẳng định lại trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011).
Chỉ thị thứ hai về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Đảng ban hành là Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chỉ thị số 03-CT/TW nêu yêu cầu đối với tổ chức đảng và đảng viên: Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Chỉ thị nhấn mạnh vai trò của Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc tổ chức biên soạn và phát hành tài liệu chuyên đề để làm căn cứ cho các chi bộ đưa vào nội dung sinh hoạt. Đồng thời, để việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW được nghiêm túc, thực chất, Ban Bí thư tăng cường kiểm tra, tổ chức các đoàn đi kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, gắn với việc kiểm tra thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Bước chuyển quan trọng trong tư duy lý luận của Đảng từ Chỉ thị số 05-CT/TW
Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta trong việc lan tỏa, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tư tưởng của tất cả đảng viên, là nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội. Với những nội dung mới, toàn diện và sâu sắc hơn, Chỉ thị số 05-CT/TW thực sự là bước phát triển quan trọng trong tư duy lý luận của Đảng về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thể hiện ở các điểm chính sau:
Thứ nhất, Chỉ thị số 05-CT/TW cho thấy tư duy mới của Đảng, mang tầm chiến lược hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tại Đại hội XII, Đảng xác định nội dung, nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Chỉ thị số 05-CT/TW khẳng định: Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức,... Như vậy, bên cạnh việc kế thừa Chỉ thị số 03-CT/TW ở việc xác định việc học tập và làm theo Bác là giải pháp hàng đầu trong nhóm giải pháp về xây dựng Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW nhấn mạnh hơn về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của việc học Bác đối với công tác xây dựng Đảng. Nếu Chỉ thị số 03-CT/TW giới hạn trong nhóm giải pháp về chính trị, tư tưởng, thì Chỉ thị số 05-CT/TW xác định việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần thực hiện toàn diện, về cả chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Đồng thời, Chỉ thị số 05-CT/TW xác định gắn việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với xây dựng văn hóa, xây dựng con người, đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Điều này cho thấy tư duy mới của Đảng trong việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không chỉ liên quan đến công tác xây dựng Đảng, mà còn gắn kết chặt chẽ với xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì vậy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là sự nghiệp của toàn dân, không phải chỉ trong phạm vi nội bộ Đảng. Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW sẽ tác động rất lớn tới kết quả thực hiện hai trong bốn trụ cột để phát triển đất nước mà Đại hội XII của Đảng xác định, đó là: Xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa, con người là nền tảng tinh thần.
Thứ hai, Chỉ thị số 05-CT/TW thể hiện bước phát triển trong nhận thức của Đảng về những nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chỉ thị số 06-CT/TW (năm 2006) được Đảng khẳng định là cuộc vận động, với nội dung trọng tâm là học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh; đến Chỉ thị số 03-CT/TW (năm 2011), Đảng xác định bên cạnh học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì bổ sung học tập, làm theo, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Còn đến Chỉ thị số 05-CT/TW, việc học tập và làm theo Bác được bổ sung, trở thành: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hệ thống quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh được xác định rõ, bao gồm các nội dung về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người; về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, về khối đại đoàn kết toàn dân tộc... Các quan điểm và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bao gồm hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân; tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân... Phong cách Hồ Chí Minh là sự phản ánh những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức của Người và được thể hiện rất tự nhiên, sinh động, gần gũi. Phong cách Hồ Chí Minh có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ, là một chỉnh thể nhất quán, phát triển theo lô-gíc đi từ suy nghĩ (phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn) đến nói, viết (nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm) tới phong cách làm việc (dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể, tới nơi, tới chốn, nói đi đôi với làm), phong cách lãnh đạo (phong cách quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương), phong cách ứng xử (văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân) và phong cách sinh hoạt hằng ngày (thanh cao, trong sạch, giản dị),... Những nội dung học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chỉ thị số 05-CT/TW đã thể hiện đầy đủ, toàn diện trên cả ba mặt: tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; cho thấy bước phát triển mới trong nhận thức của Đảng, khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Đảng khi ban hành văn bản chính thức đầu tiên của Đảng chỉ đạo việc học tập và làm theo toàn bộ di sản của Bác.
Thứ ba, Chỉ thị số 05-CT/TW cho thấy bước phát triển về nhận thức của Đảng trong tổ chức thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải nhất quán, đồng bộ, gắn với việc thực hiện các văn bản khác của Đảng.
Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-1-2012, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30-10-2016, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” là biểu hiện rõ nét của phương châm “xây” đi đôi với “chống” trong công tác xây dựng Đảng. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW sẽ góp phần thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và khóa XII xác định: Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW còn gắn với thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Chỉ thị số 05-CT/TW nhấn mạnh: “Gắn với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”(7). Yêu cầu này được thể hiện rõ hơn trong Kế hoạch số 03-KH/TW, ngày 25-7-2016, của Ban Bí thư, về “Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh””: Phải đẩy mạnh hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Gắn với thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, Chỉ thị số 05-CT/TW đặt ra yêu cầu đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, trước hết là của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên; xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và các học viện, trường chính trị, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, bảo đảm phù hợp với từng cấp học, bậc học và với yêu cầu giáo dục, đào tạo. Kế hoạch số 03-KH/TW xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong việc xây dựng chương trình và đưa vào giảng dạy nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong các trường dạy nghề, các học viện, trường chính trị, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp và cho thế hệ trẻ.
Thứ tư, nhận thức của Đảng về yêu cầu tổ chức thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nghiêm túc, bài bản, chặt chẽ hơn, với quyết tâm chính trị cao hơn, mang lại hiệu quả thiết thực, rõ nét hơn.
Về mục tiêu, Chỉ thị số 05-CT/TW xác định việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ là phong trào khi mới ban hành Chỉ thị, mà trở thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Để Chỉ thị số 05-CT/TW được thực hiện nghiêm túc, bài bản, cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn với đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm và cả nhiệm kỳ.
Thứ năm, Chỉ thị số 05-CT/TW đặc biệt nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong gương mẫu chấp hành và tổ chức thực hiện.
Chỉ thị số 05-CT/TW nêu rõ, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng và xã hội do đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo; ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương: giao nhiệm vụ cho cấp ủy các cấp, trực tiếp là ban thường vụ cấp ủy, đồng chí bí thư cấp ủy chỉ đạo. Bộ Chính trị nhấn mạnh phương châm “trên trước, dưới sau” - lãnh đạo cấp trên gương mẫu thực hiện trước, cấp dưới noi theo thực hiện sau; “trong trước, ngoài sau” - nêu gương trong nội bộ từ tập thể ban lãnh đạo, ban thường vụ, cấp ủy, tổ chức đảng rồi mở rộng phạm vi hơn, cho đến tất cả đảng viên và toàn thể nhân dân.
Thứ sáu, theo tinh thần của Chỉ thị số 05-CT/TW, việc thực hiện học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, xuyên suốt.
Chỉ thị số 05-CT/TW không đưa ra giới hạn thời gian thực hiện, cho thấy nhận thức của Đảng về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải thực sự trở thành một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của tất cả tổ chức đảng và đảng viên. Yêu cầu, nhiệm vụ riêng có thể được đặt ra gắn với nhiệm vụ chính trị, bối cảnh từng giai đoạn, nhưng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không được gián đoạn, mà phải được đưa vào chương trình, kế hoạch của mỗi tổ chức đảng, đảng viên; tổ chức thực hiện nghiêm túc, bài bản, thực chất, gắn với việc kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm.
Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị cho thấy bước phát triển quan trọng trong nhận thức tư duy lý luận của Đảng về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Điều đó thể hiện qua nhận thức toàn diện hơn; vị trí, vai trò, ý nghĩa lớn hơn, nội hàm rộng hơn; yêu cầu cao hơn, sâu sắc, đồng bộ hơn trong tổ chức thực hiện; thời gian thực hiện lâu dài hơn. Vì vậy, Chỉ thị số 05-CT/TW đã được toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận và thực hiện với quyết tâm, khí thế rất cao, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, tư tưởng và hành động của mỗi cá nhân, trở thành cơ sở, nền tảng tư tưởng trong đời sống xã hội./.