sct

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phận sự của đảng viên trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”

Thứ ba - 22/08/2023 14:05
Tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, tác phẩm thể hiện sâu sắc tư tưởng của Người về công tác cán bộ trên các mặt.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phận sự của đảng viên trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”
Tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, tác phẩm thể hiện sâu sắc tư tưởng của Người về công tác cán bộ trên các mặt.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phận sự của đảng viên trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”

Công tác cán bộ là vấn đề then chốt có ý nghĩa quyết định đến mọi thắng lợi của cách mạng. Tháng 10/1947, để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, tác phẩm thể hiện sâu sắc tư tưởng của Người về công tác cán bộ trên các mặt: Vai trò của cán bộ đối với thắng lợi của cách mạng; việc giáo dục, đào tạo và sử dụng cán bộ; đánh giá cán bộ; phẩm chất, đạo đức cán bộ; bổn phận, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên… Bài viết phân tích làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về phận sự của cán bộ, đảng viên phẩm “Sửa đổi lối làm việc” và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Tư tưởng cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phận sự của cán bộ và đảng viên trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”

Đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp giai cấp công nhân Việt Nam và toàn thể nhân dân lao động “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”.

Do đó, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức một cách sâu sắc rằng phải đặt lợi ích của Đảng, của tập thể lên trên hết, trước hết. Lợi ích cá nhân phải phục tùng lợi ích của Đảng, lợi ích tạm thời, trước mắt phải phục tùng lợi ích lâu dài. Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, Người viết “Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng.

Đó là “tính Đảng”. Hồ Chí Minh phân tích rõ, nếu gặp khi lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, nhất định phải hy sinh lợi ích của cá nhân cho Đảng. Nhiều khi lợi ích cá nhân hợp với lợi ích của Đảng thì cần khuyến khích, Người đưa ra ví dụ “đảng viên và cán bộ cẩn thận giữ gìn sức khỏe của mình để làm việc. Ham học tập để nâng cao trình độ của mình. Làm đúng cần, kiệm, liêm, chính để dân tin, dân phục, dân yêu. Những lợi ích cá nhân đó rất chính đáng. Đảng mong cho đảng viên và cán bộ như thế”. Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng đối với cán bộ, đảng viên thì trong mọi việc đều phải “cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, phải chịu hy sinh, gian khổ, vất vả, trước mọi người và hưởng hạnh phúc sau mọi người.

Cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, cán bộ, đảng viên về mặt đạo đức, “Tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng (03/02/1930-03/02/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Đảng là đạo đức, là văn minh”, đây là một luận điểm hết sức sâu sắc, vừa phản ánh bản chất giai cấp của Đảng, vừa là lý tưởng, mục tiêu, phẩm chất của Đảng”.
 

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phận sự của đảng viên trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”

Cán bộ, đảng viên muôn trở thành người cách mạng chân chính, thì phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Người khẳng định “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”, cán bộ, đảng viên phải gồm đủ 5 phẩm chất đạo đức cốt lõi: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Theo đó:

Nhân là tình thương yêu chân thành đối với con người, hết lòng, hết sức giúp đỡ đồng bào, đồng chí. Sẵn sàng chịu khổ trước mọi người, hưởng phúc sau mọi người. Không ham giàu sang, không ngại khó, ngại khổ, không sợ oai quyền. Kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân.

Nghĩa là ngay thẳng, không vì lợi ích riêng. Đối với cán bộ, đảng viên khi Đảng giao nhiệm vụ thì không nề hà, bất kỳ việc to hay nhỏ đều phải hết sức cố gắng làm để hoàn nhiệm vụ.

Trí là sáng suốt, trong sạch, trong mọi hoàn cảnh, tình huống phải biết xem người, xét việc để lựa chọn người tốt, đề phòng kẻ xuất. Biết làm việc lợi cho Đảng, cho dân.

Dũng là dũng cảm, gan góc. Thấy khuyết điểm có gan sửa, gặp việc phải có gan làm. Kiên quyết chống lại những thói hư, tật xấu gây gại cho Đảng và nhân dân. Lúc Tổ quốc và nhân dân cần dám hy sinh cả tính mạng của mình cho Đảng, cho Tổ quốc.

Liêm là không tham tiền tại, địa vị, quang minh chính đại, không hủ hóa, biến chất. Từ thực tiễn quá trình tìm đường cứu nước và chỉ đạo phong trào đấu trình giải phóng dân tộc, Người coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại, đều là do cán bộ tốt hoặc kém “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Do đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài 5 phẩm chất đạo đức cốt lõi nêu trên, đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên đó là ham học, ham làm, ham tiến bộ, khi đã hội tụ đủ những yếu tố đó thì mỗi cán bộ, đảng viên sẽ không ngừng tiến bộ, một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, được nhân dân tin yêu, kính trọng.

Cán bộ, đảng viên phải phải đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, “chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do đó mà nó sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”, đó là những bệnh: bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh hiếu danh; bệnh kiêu ngạo; thiếu kỷ luật; óc hẹp hòi; óc địa phương; óc lãnh tụ; bệnh hữu danh vô thực; kéo bè kéo cánh; bệnh “cận thị”; bệnh “cá nhân”; bệnh lười biếng; bệnh tị nạnh; bệnh xu nịnh , a dua … Những bệnh tật này khiến cho cán bộ, đảng viên xa rời quần chúng, tham ô, tham nhũng, hủ hóa, Đảng mất đi sức mạnh chiến đấu, kỷ luật lỏng lẻo, công việc sẽ chậm trễ. Chính sách của Đảng không đi vào cuộc sống một cách không triệt để. Người khẳng định “Đảng một mặt phải làm công việc giải phóng dân tộc, một mặt phải giáo dục đảng viên và cán bộ, kiên quyết cảm hóa những phần tử xấu, sửa chữa những thói xấu còn lại. Phải sửa chữa cho tiệt nọc các chứng bệnh, khiến cho Đảng càng mạnh khỏe bình an”.

Cách sửa chữa những khuyết điểm, những căn bệnh trên, theo Hồ Chí Minh “Mỗi cán bộ, đảng viên, cần phải có tính đảng”, cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng đạo đức, học tập lý luận để nâng cao trình độ, phải học ở đồng chí, học hỏi ở nhân dân. Đặc biệt, phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau, “Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”, “Trong công tác, trong tranh đấu, trong huấn luyện, các đảng viên, các cán bộ, cần phải luôn luôn tự hỏi mình, tự kiểm điểm mình và đồng chí mình. Luôn luôn dùng và khéo léo dùng cách phê bình và tự phê bình, thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi”.

Sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh

Thấm nhuần những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Trong quá trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế từ năm 1986 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên. Nghị quyết TW 3 khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đảng đã chỉ ra những yếu kém trong công tác cán bộ “một số cán bộ dao động, giảm sút niềm tin, nhận thức mơ hồ về chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội…; một số cán bộ thái hóa biến chất về đạo đức, lối sống…; trình độ, kiến thức, năng lực lãnh đạo và quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới”.

Để khắc phục hạn chế này trước hết phải đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng lập trường quan điểm, ý thức chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xây dựng những tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ thời kỳ đổi mới. Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết TW 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp có bước phát triển và trưởng thành về nhiều mặt, chất lượng ngày một nâng lên, đội ngũ cán bộ cơ bản có lập trường, bản lĩnh vững vàng… bên cạnh đó công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng còn những hạn chế nhất định, có tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ; một số cán bộ thiếu năng lực, uy tín, thiếu rèn luyện tu dưỡng, thiếu tính Đảng…

Ngày 19/5/2018, Ban Chấp hàng Trung ương ban hành Nghị quyết số 26-NQ-TW về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; ngày 25/10//2018, ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; để chuẩn bị tốt cho công tác cán bộ của Đại hội XIII, ngày 15/8/2019 Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 55-KL/TW về “Tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ, chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng”. Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Với chủ trương đúng đắn, cách làm bài bản, khoa học, gắn lý luận với thực tiễn, công tác bồi dững và đào tạo cán bộ của Đảng đã đạt được những kết quả to lơn. Theo số liệu thống kê của Bộ Nội vụ, “trong giai đoạn 2011 – 2015, cả nước đã bồi dưỡng, đào tạo được trên 3,2 triệu lượt cán bộ công chức, trong đó khối các bộ, ngành có hơn 889.000 lượt người và khối các tỉnh, thành phố là 2.344.000 lượt người.

Trong tổng số trên 3,2 triệu lượt người nói trên, có 456.000 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị; 489.000 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. So với giai đoạn 2006 - 2010, số lượng cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng trong giai đoạn này tăng khoảng 24% ở khối các bộ, ngành và tăng 42% ở khối các tỉnh, thành phố”.

Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc XIII của Đảng tiếp tục khẳng định “Tính từ đầu nhiệm kỳ đến ngày 30/9/2020, Trung ương đã tổ chức 3 lớp cập nhật kiến thức mới cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, 5 lớp bồi dưỡng cho 222 đồng chí diện quy hoạch cán bộ cấp chiến lược khóa XIII và có nhiều đổi mới so với nhiệm kỳ trước; tổ chức 258 đoàn, với 5570 cán bộ đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.

Các cấp ủy chỉ đạo mở 6582 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 590.601 lượt cán bộ, đảng viên về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ; mở 40217 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 4.530.676” lượt học viên”. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp không ngừng được nâng cao “Cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý: 64,52% có trình độ thạc sĩ trở lên; Ban Thường vụ cấp tỉnh quản lý: 35,9% có trình độ thạc sĩ trở lên; Ban Thường vụ cấp huyện quản lý: 11,59% có trình độ thạc sĩ trở lên”, đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay cơ bản đã đáp ứng tốt yêu cầu công việc và hội nhập quốc tế.

Đẩy mạnh đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc đổi mới đất nước, bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được trong công tác xây dựng Đảng thì vẫn còn tồn tại những hạn chế yếu kém nhất định “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”.

Trước thực tiễn đó, ngày 16/01/2012 Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Với tinh thần thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh. Đảng xác định phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên, thường xuyên bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh việc phê bình và tự phê bình, nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đảng thẳng thắn nhận diện và chỉ ra 27 những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính trước mắt, vừa mang tính lâu dài để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ, đảng viên. Ngày 19/12/2016, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55QĐ/TW “về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên” kịp thời chấn chỉnh tác phong công tác, lối sống xa hoa, lãng phí, gây phảm cảm trong xã hội và gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, giản dị, tiết kiệm.

Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định “Nhìn chung đội ngũ cán bộ, đảng viên đã đề cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; gương mẫu đi đầu, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Mặt khác, Việt Nam đang trong quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động không nhỏ tới bộ phận cán bộ, đảng viên “một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái gây mất đoàn kết nội bộ”. Để khắc phục tình trạng trên, ngay sau Đại hội XIII, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận số 21KL/TW “về việc đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyến ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Quy định số 37-QĐ/TW “về những điều đảng viên không được làm”. Có thể khẳng định rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang quyết liệt đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân.

Công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác cán bộ, đảng viên nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự thành bại của cách mạng. Những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bổn phận của cán bộ và đảng viên trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” còn nguyên giá trị đối với ngày nay, nhất là việc Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang triển khai đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào thực tiễn cuộc sống và tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII trong toàn hệ thống chính trị. Để đi đến thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản, đòi hỏi Đảng ta tiếp tục không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, Đảng xác định phải “có một đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực xây dựng đường lối chính trị đúng đắn và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, đó là vấn đề cốt tử của lãnh đạo, là sinh mệnh của Đảng cầm quyền”.

 

 
Tác giả: TS. Nguyễn Thị Kim Nguyên, TS. Phạm Văn Dự - Trường Đại học Sao Đỏ (Hải Dương)

Nguồn tin: Theo Báo Công Thương điện tử (congthuong.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,387
  • Hôm nay183,511
  • Tháng hiện tại6,896,375
  • Tổng lượt truy cập490,759,813
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây