Thiêng Liêng Trường Sa (kỳ 1)

Thứ tư - 05/04/2023 11:31
Quần đảo Trường Sa cách Thành phố Cam Ranh 243 hải lý và cách Thành phố Vũng Tàu 440 hải lý, tuy không xa đất liền lắm nhưng để được đặt chân lên các đảo thì phải có “cơ hội”! Bởi lẽ, Trường Sa có vị trí về kinh tế, chính trị - xã hội cực kỳ đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khí hậu thời tiết rất khắc nghiệt; một năm có tới 132 ngày bão, gió từ cấp 6 trở lên, mỗi tháng có từ 13 đến 20 ngày gió mạnh (chỉ có tháng 4, tháng 5 là trời yên biển lặng). Hiện nay nhà nước ta chưa có chủ trương khai thác tuyến du lịch Trường Sa mà chỉ những chuyến tàu ra đảo theo chương trình, nhiệm vụ riêng. Tuy vậy, thông tin và đời sống ở các đảo được cập nhật đến đất liền rất đầy đủ và nhanh bởi hàng trăm chuyến tàu công vụ và hàng nghìn tàu cá thường xuyên vươn khơi bám biển. Hầu hết các đảo đều có sóng điện thoại Viettel để liên lạc, xem các kênh Truyền hình và nghe Đài Tiếng nói Việt Nam. Thời gian qua đã có nhiều bài viết, tác phẩm lay động hàng triệu con tim - dâng trào cảm xúc hướng về đảo xa, thật ấm áp và thiêng liêng.

Mặc dù Trường Sa tuy còn thiếu thốn nhiều thứ so với đất liền nhưng vẫn đầy ắp tiếng cười của quân, dân; tiếng gà gáy và tiếng chuông chùa ngân lên hòa vào sóng biển đã đưa những ai có dịp đến Trường Sa một tâm trạng khó tả; vừa bình yên, gần gũi, vừa tự hào thiêng liêng “Trường Sa trong trái tim tôi”!
 
TS1
Thiêng liêng Lễ chào cờ đầu năm mới 2023 tại đảo Trường Sa
 
1. Thử thách nơi đầu sóng

Rời cảng Cam Ranh vào những ngày giáp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023, di chuyển ra đảo trên con tàu Bệnh viện Khánh Hòa 561 của Lữ đoàn 146 hiện đại. Theo Đại úy Phạm Văn An - Thuyền trưởng, giới thiệu những thông số cơ bản của con tàu: Vỏ thép, tốc độ khai thác đến 16 hải lý/1 giờ; kíp tàu 26 người; kíp quân y 12 người; sức chở trên 100 người, lương thực thực phẩm có thể cung cấp đủ cả tháng… Ai nấy trong đoàn nghe đều hào hứng và yên tâm lên đường.

Phóng viên báo viết chủ yếu là quan sát, ghi chép và phỏng vấn, trò chuyện, ghi càng nhiều tư liệu càng tốt. Anh chị em phóng viên truyền hình thì khác, vất vả hơn vì phải mang theo nhiều phương tiện tác nghiệp lỉnh kỉnh với khát khao được đưa những hình ảnh, thông tin sinh động về mùa xuân từ đảo nên ngoài máy quay, chân máy còn máy ảnh, micro, sổ ghi chép, túi bảo quản chuyên dụng, đạo cụ… Tàu rời cảng vào lúc 17 giờ chiều nên không gian thật lãng mạn, những ngọn đèn sáng rực từ bờ và từ tàu trông thật lung linh xen lẫn ánh hoàng hôn khuất dần trên những ngọn núi. Bầu trời và mặt nước sóng sánh hòa quyện, lấp lánh, huyền ảo! Ai nấy đều lấy máy hình và điện thoại ra ghi những khoảnh khắc đáng nhớ. Con tàu phăng phăng rẽ sóng hướng ra biển. Chừng hơn một giờ kể từ khi những cánh tay chào tạm biệt mất hút, bóng tối bao trùm mặt nước. Xa xa chỉ thấy một vài ánh đèn hiu hắt nhỏ nhoi từ các con tàu. Các phóng viên và thủy thủ vẫn di chuyển qua lại phòng giao lưu chào hỏi. Gió thổi mạnh, dường như có gì đó khang khác, mỗi người di chuyển phải đưa tay bám nhẹ vào các vách và tay cầm của thân tàu. Loa phóng thanh thông báo “tàu ra khơi sóng lớn, đề nghị các đồng chí về phòng nghỉ, hạn chế đi lại - nguy hiểm”.

Sóng lớn dần, tàu lắc mạnh. Có tiếng ai đó gọi… “nó ói đầy ra phòng rồi”. Ai nấy đều bám vào giường hoặc nằm ra sàn tàu đắp chăn, mắt nhắm nghiền. Loa tàu lại thông báo “Đến giờ ăn tối, mời thủ trưởng và các đồng chí phóng viên về nhà ăn dùng cơm”. Phòng B7 chúng tôi có 5 người thì chỉ tôi và một anh công tác Đài truyền hình Quân đội lần từng bước lắc lư đến nhà ăn. Ba đồng nghiệp còn lại nằm yên và phản hồi “Chóng mặt, chưa bao giờ bị như thế này, không đi được”. Say sóng! Đến nhà ăn, chỉ thấy loe ngoe vài người. Đồng chí phụ trách bếp bảo: Sóng to quá, các phóng viên say cả rồi; có mấy thủy thủ cũng không chịu nổi. Thuyền trưởng bước vào động viên: Các anh chị cố gắng ăn một ít lấy sức, hải trình còn dài. Anh chị em nào ăn không được và đi lại khó khăn thì lấy sữa trong tủ lạnh, tàu đã bố trí sẵn. Mọi sinh hoạt hầu như đảo lộn với cánh phóng viên, trong trạng thái bất động nằm lắng nghe các đồ vật trên tàu và ngay trong phòng rơi loảng xoảng; va li hành hành lí cứ nhảy múa theo từng con sóng. Tàu lắc ngang, lắc dọc, dựng đứng 40 độ. Tiếng ầm ầm đánh vào thân tàu.

- 5 giờ, loa tàu thông báo: “Toàn tàu báo thức - báo thức toàn tàu”!
- 6 giờ, tiếng loa lại vang lên: “Đến giờ ăn sáng, mời thủ trưởng và các đồng chí phóng viên về nhà ăn - ăn sáng”!

Trời còn tờ mờ, tình hình cũng không khá hơn. Nhìn qua các ô cửa kính sóng cao hơn mạn tàu. Nhà ăn chỉ xuất hiện một vài anh em dùng bữa. Một số cảnh tượng không dành cho người tâm lý yếu: Nhà bếp chỉ nấu được mì gói và khoai lang. Mặc dù bàn ăn có gờ chắn và mấy tấm vải lót để giữ soong, bát nhưng một con sóng lớn đã đưa tàu lên cao, hạ thấp, chao nghiêng đánh úp hết; anh chị em cầm hơi bằng cách nằm tại chỗ ăn khoai, uống sữa. Thuyền trưởng bảo: hơn mười năm qua mới có đợt sóng lớn như thế này, biển động cấp 8, cấp 9, giật cấp 10 nhưng các anh chị đừng lo, theo kinh nghiệm của chúng tôi nhiều năm không có ai say sóng mà mất mạng cả! Đúng là chỉ động viên dí dỏm vậy thôi chứ tinh thần anh chị em phóng viên đều nghĩ thầm; tình hình này ăn còn không nổi lấy sức đâu mà tác nghiệp. Thời gian hết hai đêm và một ngày (khoảng 40 tiếng đồng hồ) chúng tôi mới đến Trường Sa.

Suốt hải trình, một vài đảo chúng tôi không lên được vì sóng quá lớn, nguy hiểm nên đành phải đứng từ xa ghi hình và tàu vào neo đậu ở các âu tàu. Anh chị em phóng viên mang nhiều phương tiện tác nghiệp mới vất vả; xuống tàu nhỏ di chuyển vào đảo không cẩn thận là máy móc rơi xuống biển; mọi động tác cũng phải theo quy trình: xuống tàu - hành lý xuống trước, lên tàu - người lên trước. Có thế chúng tôi mới càng thấm thía câu thành ngữ “Nơi đầu sóng ngọn gió” và càng yêu biển đảo, quý trọng những người đang ngày đêm canh giữ biển đảo thiêng liêng.

2. Từ hào hứng đến cảm xúc dâng trào

Các chiến sĩ đón chúng tôi bằng nghi thức quân đội rất chuẩn chỉnh, nghiêm túc. Những bước chân đầu tiên khi lên đảo ai nấy dường như đã vơi đi sự mệt nhọc của hải trình vì trước mắt là những lời chào hỏi ân cần, nụ cười thân thiện. Men theo các lối đi là hàng cây xanh “rất đồng quê” dẫn đến trung tâm Chỉ huy đảo. Ngay dưới các tán lá bàng rợp bóng trong sân là những chiếc bàn đá đã bố trí từng ấm trà nóng vừa pha sẵn. Những câu xã giao đầu tiên trao cho nhau đều là câu hỏi: Anh/ chị tên gì, quê ở đâu, gia đình, đến đảo lần thứ mấy rồi… Thật thắm thiết và ấm áp nghĩa tình!

Nghỉ ngơi, vệ sinh 20 phút (xin chia sẻ thêm lịch lên đảo tác nghiệp là rất quý, tất cả được tính bằng phút). Toàn đoàn tập hợp, nghe đồng chí Thượng tá Trần Văn Quyển - Phó Lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 giới thiệu về các
TS 2
Tác giả lắng nghe sư thầy trụ trì Thích Quy Nghĩa kể câu chuyện tâm linh và tình yêu biển đảo
hạng mục chính trên đảo, chương trình làm việc, thời gian sinh hoạt - giao lưu và cả nghỉ ngơi theo Nội quy của đảo. Chúng tôi - ai cũng háo hức đến dự Lễ Dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại Đài Liệt sĩ Trường Sa. Lần đầu tiên trong đời tôi và nhiều đồng nhiệp được tham dự Lễ Dâng hương trọng thể, trang nghiêm ở một nơi xa và xung quanh chỉ là tiếng gió, tiếng sóng biển. Thật xúc động và tự hào khi “Diễn văn tưởng niệm” được đồng chí Trưởng đoàn đọc chậm rãi, da diết thổn thức tận đáy lòng khiến cả đoàn rơi lệ và thấm sâu từng lời:

“… Trong giờ phút thiêng liêng này, với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, Đoàn công tác kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên Quần đảo Trường Sa. Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam XHCN. Mỗi nhành san hô, từng hạt cát, nhành cây, ngọn cỏ nơi đây đều mang hình hài của hồn thiêng sông núi, thấm đẫm bao mồ hôi, xương máu của các thế hệ người con đất Việt. Chúng ta đời đời trân trọng, ghi lòng, tạc dạ những công lao và sự hy sinh vô bờ bến vì sự toàn vẹn của giang sơn gấm vóc của Tổ quốc, vì thế đứng kiêu hãnh nơi tuyến đầu của Trường Sa hôm nay... giữa đất trời, biển đảo Trường Sa; hướng về hương hỏa của tổ tiên; trước tượng đài anh linh của những chiến sỹ cách mạng ưu tú đã ngã xuống; trong niềm tiếc thương và biết ơn vô hạn, với tấm lòng thành kính và tri ân sâu sắc. Từ trong sâu thẳm của lòng mình, tất cả các thành viên trong Đoàn công tác chúng tôi nguyện noi gương các anh, quyết đem hết sức mình đóng góp nhiều hơn cho Tổ quốc, cho dân tộc, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc; xứng đáng với công lao và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ.

Đoàn công tác xin được thắp nén tâm hương và kính dâng lên anh linh các Anh hùng Liệt sỹ hương, hoa, lễ vật cùng tấm lòng thành kính, niềm tiếc thương vô hạn và sự tri ân sâu sắc! Mong anh linh các anh hùng liệt sĩ tiếp tục phù độ cho Tổ quốc, cho Dân tộc ta mãi trường tồn, cho thế hệ hôm nay và mai sau mãi giữ yên biển, trời đất mẹ, giữ vững Trường Sa thân yêu của Tổ quốc!”


3. Lời Bác - Lời quê hương

Kết thúc Lễ Dâng hương tri ân những người nằm xuống nơi biển đảo, cống hiến trọn đời cho Tổ quốc, chúng tôi đến Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Không giống như chúng ta đi thăm các di tích Nhà sàn của Bác, Làng sen quê Bác… có nhiều khách tham quan đến chụp hình, quay phim trong không gian di sản và có những món quà lưu niệm - kỷ vật là cái mũ, chiếc áo. Khi đến Trường Sa, Nhà tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng trong khuôn viên trang trọng, nhỏ nhắn nơi biển đảo xa xôi. Thành phần tham dự hạn hữu, không có du khách vãng cảnh.

Đoàn công tác xin làm Lễ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa Thế giới, vị Tổng Tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang nhân dân, người đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho độc lập tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân:

“… Chúng con bồi hồi xúc động tưởng nhớ tới Bác - Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân. Chúng con từng bước khắc phục khó khăn thử thách, vững vàng nơi đầu sóng, xây dựng huyện đảo ngày càng giàu mạnh. Huyện đảo Trường Sa hôm nay đã từng bước đổi thay cả về diện mạo và thế trận, hòa nhập cùng với sự phát triển của đất nước. Để xứng đáng với niềm mong ước và thực hiện lời căn dặn của Người - “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng; ngày nay ta có ngày, có trời, có biển; bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Chúng con xin hứa: Nguyện suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân, luôn vững vàng về chính trị, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác hằng mong…”.

Sau khi dâng dương - hoa tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu chúng tôi di chuyển đến khu trưng bày một số tư liệu quý của Bác về biển đảo, trong đó thiêng liêng nhất là lời dặn của Người được trưng bày trang trọng, dễ quan sát, dễ đọc xuất xứ nhận định: Khi cùng các cán bộ, chiến sĩ quân chủng hải quân vào thăm Hang Đầu Gỗ, một “công binh xưởng” mà xưa kia quân của Trần Hưng Đạo làm cọc cắm trên sông Bạch Đằng chống quân Nguyên. Hồ Chí Minh xúc động nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó” (15-3-1961).

Trường Sa lưu giữ từng cánh thư, từng con chữ không biết đã bao mùa cùng trò chuyện với ghềnh trúc san hô, với sóng biển và cả những lúc bão tố phong ba. Ở đó chỉ có những con người cùng đồng đội yêu thương ngày đêm cầm chắc tay súng canh giữ quê hương; họ đón nhận những cánh thư của người thân từ đất liền động viên, nhắc nhớ như trong ca từ bài hát Gần lắm Trường Sa của Nhạc sĩ Huỳnh Phước Long:

“… Không xa đâu Trường Sa ơi
Không xa đâu Trường Sa ơi
Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh
Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”


Trên đảo, mỗi khuôn viên, vị trí tập trung quân chúng tôi đều bắt gặp Pa nô ghi câu nói nổi tiếng của Đại tướng Lê Đức Anh - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập Quân chủng Hải quân Việt Nam (7/5/1955 -7/5/1988) “…Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - Một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta…”.

Đúng thế, biển đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam, có tầm quan trọng đặc biệt trong xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những am hiểu tầm quan trọng của biển đảo mà Người còn có tầm nhìn và tư duy chiến lược về vấn đề khẳng định chủ quyền, biển đảo Tổ quốc. Quả thực, lời dạy của Bác Hồ được các thế hệ con cháu lưu truyền mãi mãi và ngày nay Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta không ngừng bảo vệ chủ quyền; ở đó có đời sống dân cư và tiếng chuông chùa ngày đêm ngân lên hòa cùng sóng biển; ngôi chùa tâm linh theo tín ngưỡng Phật giáo góp phần tăng thêm niềm tin, đức tin nơi biển đảo xa khơi. Các chiến sĩ ngoài nhiệm vụ cầm chắc tay súng còn cùng nhân dân thường xuyên vun trồng cho đảo luôn xanh tươi, bình yên, làm nơi neo đậu của ngư dân vững tin vươn khơi bám biển./.
Phạm Hiến (Tạp chí Văn nghệ Bình Phước)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,087
  • Hôm nay283,131
  • Tháng hiện tại9,668,875
  • Tổng lượt truy cập455,063,997
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây