Luật Di sản văn hóa số 45/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 ngày 23/11/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Để triển khai thi hành Luật kịp thời, thống nhất và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Di sản văn hóa với mục đích xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức thi hành Luật Di sản văn hóa bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động triển khai thi hành Luật Di sản văn hóa trên phạm vi cả nước. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong việc triển khai thi hành Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì thực hiện các nội dung trọng tâm. Cụ thể là rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Di sản văn hóa thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được phân công; thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thống nhất, phù hợp với quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật.
Xây dựng Nghị định quy định các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, di sản văn hoá dưới nước, di sản văn hoá phi vật thể trong các danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia về di sản văn hoá phi vật thể và chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể (khoản 3 Điều 14; khoản 5 Điều 17; khoản 6 Điều 25; khoản 4 Điều 39).
Xây dựng Nghị định quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch khảo cổ; quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ nằm trong, nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc hạ tầng kỹ thuật và trưng bày bảo tàng công lập (khoản 6 Điều 29; khoản 5 Điều 30; khoản 5 Điều 34; khoản 4 Điều 35; khoản 5 Điều 37; khoản 2 Điều 70).
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật. Đăng tải, cập nhật toàn văn nội dung Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật trên Cổng/Trang thông tin điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật và các hình thức phù hợp khác để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác, sử dụng.
Triển khai các hình thức phổ biến pháp luật phù hợp; biên soạn, đăng tải, phát hành rộng rãi tài liệu, phổ biến và phối hợp với Bộ Tư pháp để cập nhật trên Cổng Thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật quốc gia (http://pbgdpl.gov.vn). Tổ chức tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ và biên soạn tài liệu tập huấn cho nhân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá...