(CTTĐTBP) - Ngày 7/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Công văn số 1292/BNN-PC đề nghị UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT triển khai thi hành Thông tư số 20/2022/TT-BNNPTNT ngày 22/12/2022 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực NN&PTNT.
Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Thông tư số 20/2022/TT-BNNPTNT; tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người giám định tư pháp trong lĩnh vực NN&PTNT ở địa phương thuộc thẩm quyền quản lý; hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện việc tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp và Thông tư số 20/2022/TT-BNNPTNT; chỉ đạo Sở NN&PTNT phân công đơn vị thuộc Sở làm đầu mối tham mưu quản lý công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực NN&PTNT tại địa phương; tổ chức rà soát, cập nhật, hoàn thiện danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Thông tư số 20/2022/TT-BNNPTNT và đăng tải danh sách trên Cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh phục vụ việc trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.
Bộ đề nghị các địa phương quan tâm, bảo đảm số lượng, chất lượng cá nhân, tổ chức giám định tư pháp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác giám định tư pháp; bố trí kinh phí, trang thiết bị, phương tiện giám định và điều kiện vật chất cần thiết khác cho cá nhân, tổ chức giám định tư pháp NN&PTNT; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giám định đối với các vụ việc được trưng cầu, yêu cầu giám định trong lĩnh vực NN&PTNT đảm bảo chất lượng và đúng thời hạn; căn cứ vào điều kiện thực tế và thẩm quyền của mình, có chế độ, chính sách thi đua khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp, thu hút cá nhân, tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực NN&PTNT.
Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tới cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc cơ quan, đơn vị về các nội dung của Thông tư số 20/2022/TT-BNNPTNT và các quy định pháp luật về giám định tư pháp liên quan; tổ chức thực hiện việc tiếp nhận, thực hiện giám định khi được trưng cầu và chủ động cung cấp thông tin, thông báo về tình hình tiếp nhận và thực hiện giám định khi được trưng cầu theo quy định tại Thông tư số 20/2022/TT-BNNPTNT; chủ động, kịp thời rà soát, đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm định viên tư pháp, công nhận, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong phạm vi quản lý, lĩnh vực chuyên môn của đơn vị. Đồng thời, có trách nhiệm xây dựng nguồn nhân lực giám định tư pháp, bảo đảm thời gian, trang thiết bị, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện giám định trong lĩnh vực chuyên môn thuộc phạm vi quản lý của đơn vị.
Thông tư số 20/2022/TT-BNNPTNT quy định giám định tư pháp trong lĩnh vực NN&PTNT, bao gồm: Giám định tư pháp về trồng trọt và bảo vệ thực vật; về chăn nuôi và thú y; về lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi; giám định tư pháp về phòng chống thiên tai; về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối; giám định tư pháp về ngành, lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN&PTNN theo quy định của pháp luật.
Thông tư quy định thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực NN&PTNT được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 26a Luật Giám định tư pháp năm 2012 được bổ sung theo quy định tại khoản 16 Điều 1 của Luật số 56/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực NN&PTNT tối đa là 3 tháng.
Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp; có từ 2 nội dung giám định khác nhau trở lên; liên quan đến nhiều lĩnh vực quy định tại Điều 3 Thông tư này; liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 4 tháng. |