(CTTĐTBP) - Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập vừa thành lập Ban chỉ đạo phối hợp triển khai, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030, do ông Vương Đức Hòa - Giám đốc Ban Quản lý Vườn kiêm Hạt trưởng, làm Trưởng ban.
Hiện nay, tổng diện tích tự nhiên Vườn quốc gia Bù Gia Mập đang quản lý là 25.598,24 ha, trong đó rừng tự nhiên 25.340,27 ha. Trong những năm qua, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên của Vườn được bảo vệ nghiêm ngặt bằng nhiều biện pháp như: Lực lượng trực tiếp bảo vệ rừng của Vườn được bố trí đầy đủ, kịp thời và rộng khắp, bố trí thêm nhiều chốt tạm thời bên phía tỉnh Đắk Nông để ngăn chặn từ xa các hành vi xâm nhập rừng, săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã, khai thác lâm sản; duy trì hoạt động của 15 tổ cộng tác viên lâm nghiệp với khoảng 600 thành viên là người dân địa phương tham gia nhận khoán bảo vệ rừng; thực hiện tốt công tác truyền thông nên đã từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân…
Tài nguyên sinh học của Vườn khá đa dạng và phong phú. Hiện nay có 1.114 loài thực vật thuộc 480 chi, 126 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó có tới 24 loài thực vật bị đe dọa, nguy cấp, quý hiếm và đặc hữu. Có 832 loài động vật với 106 loài thú, 248 loài chim, 59 loài bò sát, 28 loài lưỡng cư, 342 loài côn trùng, 49 loài cá. Trong đó, có tới 61 loài động vật bị đe dọa, nguy cấp, quý hiếm. Về lâm sản ngoài gỗ, Vườn có 345 loài cây có giá trị làm dược liệu và có nhiều loài đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội như các loài ươi, tre, lồ ô, mum được dùng phổ biến từ việc làm nguyên liệu đan lát, đũa, ván sàn, chế biến đồ dùng mỹ nghệ, gia dụng.
Thời gian qua, công tác bảo tồn đa dạng sinh học tập trung chủ yếu vào các hoạt động điều tra, giám sát các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài quý, hiếm. Kết quả đã phát hiện và ghi nhận bổ sung nhiều loài động vật, thực vật quan trọng như: loài lan đoản dực lào (brachypera laotica), lan drymoda siaensis, trà mi (camellia longii), lửng lợn (arctonyx collaris), chồn (musetelidae). Đặc biệt, đã phát hiện được nhiều khu vực phân bố, hoạt động sống của các loài động vật quý hiếm như: Voi châu á, bò tót, vượn đen má vàng, chà vá chân đen... Trong đó, có các loài hoàn toàn mới cho khoa học và đặc hữu của khu vực như: Thằn lằn ngón Bù Gia Mập (cytodactylus bugiamapensis), trà hoa vàng Bù Gia Mập (camellia bugiamapensis). Những phát hiện trên có vai trò vô cùng quan trọng đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Bù Gia Mập./.