Dự tại điểm cầu Bình Phước có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Mục tiêu tổng quát của đề án là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: Giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế - xã hội; công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Lãnh đạo tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan dự tại điểm cầu Bình Phước
Hội nghị nghe nhiều báo cáo tham luận liên quan đến các lĩnh vực: Vai trò của doanh nghiệp trong chuyển đổi số quốc gia; giá trị của công nghệ thông tin trong quản lý dân cư; ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư trong an sinh xã hội; dữ liệu dân cư trong xây dựng thành phố thông minh...
Đề án đã xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, kèm theo đó là danh mục 52 nhiệm vụ đối với 5 nhóm tiện ích. Riêng trong năm 2022 phải thực hiện giải quyết 100% yêu cầu tạo lập danh tính điện tử cho công dân. Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu. Xây dựng hệ thống định danh và xác thực điện tử để phục vụ người dân, tổ chức trong các giao dịch dân sự, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội.
Hội nghị đã công bố danh sách và ra mắt tổ công tác triển khai đề án với 16 thành viên.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số cho rằng, đây là mốc quan trọng thể hiện được nỗ lực và kết quả của chuyển đổi số quốc gia thời gian qua. Chuyển đổi số là 1 tiêu chí, 1 thành phần trong tăng trưởng quốc gia. Vì vậy, đề án phải triển khai trên quy mộ rộng với phạm vi từ Trung ương đến địa phương. Đề nghị các đơn vị phải có sự phối hợp, thực hiện quyết liệt với sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao để việc triển khai đề án có hiệu quả thực tế. Với vai trò là đơn vị nòng cốt trong thực hiện đề án, Bộ Công an cần xây dựng lộ trình cụ thể để đề án có tỷ lệ thành công cao. Lãnh đạo đứng đầu các địa phương phải quan tâm chỉ đạo để việc chuyển đổi số ở mỗi địa phương cũng như thực hiện đề án có trọng tâm, trọng điểm để phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp./.