Việc triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án này nhằm bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng, năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, nhất là các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong kiện toàn, xây dựng và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm đưa công tác này đi vào nề nếp, thực chất, hiệu quả, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật và năng lực sử dụng pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; góp phần củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, tăng cường nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chúc, cá nhân. Rà soát, nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xây dựng và phát triển đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm về số lượng và hoạt động hiệu quả.
Đồng thời, tăng cường năng lực của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, bảo đảm hoạt động thực chất, có kỹ năng, nghiệp vụ tốt, am hiểu pháp luật. Hỗ trợ một số địa bàn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Tăng cường huy động các nguồn lực tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để hỗ trợ hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật./.